Quảng Bình: Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' trong khai thác hải sản
VBĐVN.vn - Tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương ở khu vực miền Trung có số lượng lớn tàu thuyền, với các đội tàu cá đánh bắt xa bờ hùng hậu. Thời gian qua, cùng với các cấp chính quyền, đơn vị, địa phương trong tỉnh, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), nỗ lực cùng cả nước tiến tới gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Trong chuyến đi biển đầu năm 2023, ông Đậu Ngọc Văn, thuyền trưởng tàu cá QB 98722TS (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) và nhiều ngư dân trên địa bàn phấn khởi khi được lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thăm hỏi, động viên tinh thần và tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và áo phao trước khi xuất bến. Đây là niềm vui, sự khích lệ động viên rất lớn đối với ngư dân trong chuyến ra khơi đầu năm, tiếp thêm niềm tin, ý chí cho ngư dân trong hành trình khai thác hải sản an toàn, hợp pháp trên biển quê hương, cùng với lực lượng biên phòng quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Đậu Ngọc Văn bày tỏ: "Chuyến đi biển này chúng tôi đều rất phấn khởi khi có sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhất là sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ đội Biên phòng. Chúng tôi quyết tâm, cố gắng thực hiện đúng các quy định khai thác trên biển. Khi đánh bắt, khai thác hải sản sẽ luôn mở máy giám sát hành trình và tuyệt đối không xâm phạm vùng biển của nước bạn, cố gắng để cùng nhau gỡ được “thẻ vàng” của EC. Chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền với các bạn thuyền, ngư dân khác và phối hợp tích cực với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn liên quan".
Cùng chung ý chí quyết tâm như ngư dân Đậu Ngọc Văn, anh Hồ Chí Quốc, ngư dân xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho hay: Trước khi xuất bến, chủ tàu và thuyền viên đã thống nhất lịch trình khai thác hải sản, chủ yếu là khai thác ở vùng biển khu vực Đà Nẵng, Hoàng Sa…đều thuộc địa phận biển Việt Nam. Chúng tôi không vi phạm các quy định và không xâm phạm biển nước ngoài".
Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có trên 6.700 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có trên 1.200 tàu đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc và quyết liệt các Chỉ thị, kế hoạch, công văn, công điện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và của tỉnh Quảng Bình; đồng thời chủ động xây dựng các kế hoạch chống khai thác IUU, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân tỉnh Quảng Bình vượt ranh giới vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài...
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cùng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Riêng trong năm 2022, lực lượng biên phòng đã tổ chức 18 hội nghị tuyên truyền với gần 1.300 lượt người dân tham dự phổ biến giáo dục pháp luật, phòng, chống khai thác IUU; cấp phát trên 3.100 tờ rơi, tờ gấp các loại; tổ chức cho hơn 2.800 lượt chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết chấp hành các quy định pháp luật về giấy tờ, đảm bảo an toàn hàng hải khi khai thác trên biển.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định hoạt động thủy sản và chống khai thác IUU cho ngư dân. Bên cạnh đó, các đơn vị biên phòng tuyến biển đã tăng cường kiểm soát tàu cá xuất nhập lạch, kiên quyết không cho xuất lạch đối với các tàu không đảm bảo thủ tục, thiết bị quy định và đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, năm 2022, các đơn vị đã tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp 19 bộ kích điện; 2 khẩu súng cồn tự chế; 12 hộp pháo nổ, pháo hoa các loại với tổng trọng lượng trên 13 kg; 140 quả pháo bi nổ, 26 quả mìn tự chế và kíp nổ...Các đồn biên phòng đã kiểm tra, kiểm soát trên 39.900 tàu với 175.255 lao động xuất, nhập qua các cửa sông trên địa bàn; đồng thời tổ chức 26 lượt tàu, xuồng với 182 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển và giám sát hoạt động nghề cá; tổ chức 325 đợt tuần tra bờ biển và trên sông, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, vũ khí, trang bị, phương tiện; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Qua tuần tra, kiểm soát, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chủ trì, phối hợp, xử lý 20 đối tượng về các hành vi tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng, chứng chỉ; viết số đăng ký tàu cá không đúng quy định… Qua công tác theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã thông tin liên lạc với 161 tàu cá hoạt động gần ranh giới không vi phạm vùng biển nước ngoài; phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan làm việc, điều tra, xác minh 218 lượt tàu mất kết nối VMS trên biển trên 10 ngày, 72 lượt tàu cá vượt ranh giới.
Cùng với địa phương và cả nước tiến tới gỡ “thẻ vàng” của EC, xây dựng và phát triển nghề biển an toàn, hiệu quả và bền vững, Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình khẳng định, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để ngư dân, thuyền trưởng nâng cao nhận thức thông qua việc đa dạng các hình thức, nội dung, cách thức thực hiện; chỉ đạo cho các Đồn Biên phòng tuyến biển phối hợp với lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa sông, cửa lạch với chủ trương 100% tàu thuyền khi xuất lạch - về bến đều được kiểm tra kiểm soát.
Lực lượng Biên phòng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp không đầy đủ các cái loại giấy tờ theo quy định, không đảm bảo trang thiết bị an toàn khi hoạt động khai thác trên biển và tổ chức tuần tra kiểm soát trên biển để tuyên truyền cho ngư dân cũng như đồng hành, hỗ trợ ngư dân trong quá trình hoạt động trên biển, giúp ngư dân vững tin, yên tâm bám biển và cùng lực lượng Biên phòng làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đơn vị cũng trao đổi, thống nhất với các lực lượng chức năng, tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Từ đó tuyên truyền, cảnh báo, răn đe nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm; đồng thời thường xuyên trao đổi thông báo với các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân về tình hình tàu cá xuất bến để phối hợp quản lý, kiểm soát, theo dõi, thu thập củng cố tài liệu, chứng cứ những dấu hiệu vi phạm, nghi vấn; xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá các đường dây, đối tượng có hoạt động môi giới, tổ chức cho tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài…
Theo baotintuc.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận