Quảng Ninh: Thiết lập “hành lang xanh” bảo vệ bờ biển
Quảng Ninh có chiều dài bờ biển hơn 250km, với hơn 2.000 hòn đảo, chiếm 2/3 số đảo của cả nước, trong đó trên 1.000 đảo đã có tên. Vùng biển Quảng Ninh được đánh giá có thế mạnh và tiềm năng lớn để phát triển các ngành kinh tế biển. Khu vực biển có ngư trường rộng lớn trên 6.100km², là nơi sinh sống của nguồn lợi thủy sản và nhiều loài sinh vật biển quý hiếm.
Nhằm triển khai Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, Quảng Ninh đã sớm phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Quy hoạch thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển của địa phương. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2343/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; là một trong những tỉnh, thành trong nước sớm hoàn thiện thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo đó, toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố với 22 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài 68,224km.
Tuy nhiên, nhiều năm về trước, nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển mạnh, một số hộ gia đình trên địa bàn xã đã tự phát mở rộng diện tích nuôi, dẫn đến tình trạng nhiều diện tích RNM bị chết do người dân đắp đầm, nước biển không lưu thông dẫn đến cây ngập mặn bị thiếu nước ngọt và không khí. Cùng với đó, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, khu vực RNM thôn Xích Thổ thường xuyên xảy ra tình trạng chặt phá rừng, xâm phạm đến hệ sinh thái, một số ngư dân xã cũng chưa biết cách khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, dẫn tới bị cạn kiệt dần.
Ông Nguyễn Đình Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, cho biết việc đưa RNM thôn Xích Thổ vào khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển là rất cần thiết, giúp địa phương khoanh vùng ranh giới hành lang bảo vệ thuận lợi hơn. Đồng thời, xã đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng quản lý, tránh để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ dân quanh khu vực RNM thôn Xích Thổ chuyển đổi hình thức đánh bắt thủy sản phù hợp theo hướng bền vững, yêu cầu các hộ dân ký cam kết không chặt phá RNM. Tất cả nhằm bảo vệ, gìn giữ màu xanh của RNM, cũng như bảo vệ nơi sinh sống của các loài tôm, cua, cá, tạo sinh kế cho người dân địa phương có việc làm và thu nhập từ những cánh RNM trên địa bàn.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, Quảng Ninh có quá trình đô thị hóa rất nhanh, đặt ra thách thức giải quyết phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa với giải quyết vấn đề môi trường sống. Các ngành khai thác khoáng sản, lấn biển phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ. Những điều này đã tác động không nhỏ tới việc làm giảm diện tích RNM, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thủy, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
Ông Hoàng Việt Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết, với việc xác định 22 khu vực hành lang bảo vệ bờ biển là cơ sở cho việc quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trong phạm vi hành lang bờ biển được thiết lập đối với những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ, góp phần giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.
Được biết, trong năm 2021, Quảng Ninh sẽ tiến hành tổ chức thiết kế vị trí mốc trên bản đồ ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, định vị sơ bộ vị trí mốc ngoài thực địa, tiến hành cắm mốc giới trên thực địa hành lang bảo vệ bờ biển. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn những cánh RNM và bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Ninh./.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận