Quyết định 930/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

15:11 21-12-2019

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 930/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN BẢO VỆ CHỦ QUYỀN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020” với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo; cung cấp thông tin kịp thời về tình hình biển, đảo; chủ động đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, thể loại, sản phẩm truyền thông, kết hợp với các chương trình, đề án tuyên truyền có liên quan để phát huy hiệu quả thiết thực của Đề án.

- Tuyên truyền biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, trong từng bối cảnh cụ thể.

2. Mục tiêu

- Mọi người dân được cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng về biển, đảo Việt Nam; đặc biệt chú trọng tuyên truyền cho người dân các địa phương ven biển trong việc khai thác, sử dụng và giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo.

- 90% giáo viên giảng dạy môn lịch sử, địa lý trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản trung ương và địa phương; cán bộ cơ sở Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo Việt Nam.

- 100% học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông, trung học cơ sở được cung cấp thông tin, kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đối tượng

- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang.

- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và người dân sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.

- Người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

2. Phạm vi

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Một số quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập; các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

III. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

Tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu sau:

1. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo.

2. Các văn bản luật pháp quốc tế, thỏa thuận song phương và đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan đến biển, đảo.

3. Những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam.

4. Phát triển kinh tế biển, đảo, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hàng hải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; bảo vệ môi trường.

5 . Giáo dục cho ngư dân về các quy định pháp luật trong hoạt động thủy sản như: Nuôi trồng, thủy, hải sản, đánh bắt xa bờ, hậu cần nghề cá...; chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; ứng phó với rủi ro, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, dự báo ngư trường, mùa vụ, thời tiết, đối tượng đánh bắt; chính sách khuyến khích ngư dân định cư lâu dài; gương cá nhân và tập thể tiên tiến, điển hình trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, biện pháp cụ thể tăng cường hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

2. Xây dựng, biên soạn tài liệu cho các bộ, ngành, địa phương nhằm cung cấp thông tin, định hướng công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, tư vấn chuyên môn của các nhà khoa học, các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

3. Tuyên truyền, phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng (gồm báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội...)

a) Xây dựng bản tin, chuyên mục, chuyên đề mới tuyên truyền về biển, đảo; chú trọng thông tin, tuyên truyền trên báo điện tử, mạng xã hội.

b) Sản xuất phim tài liệu, phóng sự tuyên truyền biển, đảo.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng tháng.

4. Tập huấn, bồi dưỡng hoặc lồng ghép nội dung cập nhật kiến thức, phổ biến văn bản pháp luật về biển, đảo bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng

a) Giáo viên giảng dạy các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học; giảng viên giảng dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, ở các khoa, tổ bộ môn trong các cơ sở giáo dục tự chủ môn Giáo dục quốc phòng và an ninh.

b) Giáo viên giảng dạy các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề.

c) Phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản trung ương và địa phương; cán bộ cơ sở Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện.

d) Cán bộ Đài Truyền thanh cấp xã.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

5. Diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong nước và nước ngoài về biển, đảo

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

6. Tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống thông tin cơ sở

a) Triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc, kết hợp phương pháp trưng bày truyền thống với Triển lãm số 3D.

b) Triển lãm số 3D thông qua hệ thống máy chiếu, sa bàn số bằng máy tính xách tay, máy tính bảng tại trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên toàn quốc (tổ chức từ 3 - 5 trường phổ thông trung học, trung học cơ sở/1 tỉnh, thành phố, sau đó các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện rộng rãi trên địa bàn tỉnh, thành phố).

c) Hội thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cho các Đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại một số khu vực trên phạm vi cả nước.

d) Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Biển, đảo - Trái tim Việt Nam” nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12).

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

7. Biên soạn, phát hành các xuất bản phẩm

a) Sách chuyên khảo về đề tài biển, đảo phục vụ đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các chuyên gia và những người làm công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, pháp luật.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

b) Sách điện tử về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam ở Biển Đông và số hóa một số tài liệu tuyên truyền về biển, đảo phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

c) Sổ tay tuyên truyền về biển, đảo cho ngư dân các tỉnh ven biển.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

d) Phát hành tập atlas Bản đồ chủ quyền của Việt Nam trong lịch sử.

8. Thông tin, tuyên truyền đối ngoại

a) Triển lãm về chủ quyền biển, đảo Việt Nam kết hợp với các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại: Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ và một số nước ở châu Mỹ Latinh.

b) Tuyển chọn một số sách, tài liệu quan trọng, có giá trị chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các học giả, chuyên gia có uy tín đã được xuất bản ở Việt Nam và dịch các ấn phẩm này ra: Tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung để phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

9. Xây dựng phần mềm tuyên truyền biển, đảo Việt Nam

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

10. Tuyên truyền biển, đảo Việt Nam qua tem bưu chính

Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Đề án, các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các nguồn hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 4, khoản 6, điểm b, c khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, xuất bản, hệ thống thông tin cơ sở.

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan cân đối và bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm cho việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Bộ Ngoại giao

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 5 Phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp, thẩm định các tư liệu, tài liệu, thông tin liên quan đến công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm b khoản 7, khoản 8 Phần IV của Quyết định này.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan văn hóa địa phương, các Bảo tàng trong hệ thống Bảo tàng Quốc gia tổ chức trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật về biển, đảo Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp các tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm c khoản 6 Phần IV của Quyết định này.

5. Bộ Quốc phòng

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp các tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a, d khoản 6 Phần IV của Quyết định này.

6. Bộ Công an

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a, b khoản 6 Phần IV của Quyết định này.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản 4 Phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định nội dung về chủ quyền biển, đảo để phục vụ trong công tác tuyên truyền, phổ biến trong các cơ sở giáo dục.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a, b khoản 6 Phần IV của Quyết định này.

8. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm b khoản 4 Phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản 6 phần IV của Quyết định này.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm a, d khoản 7 phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp các tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm b, c khoản 7 Phần IV của Quyết định này.

10. Bộ Tư pháp

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, thu thập, cung cấp các chứng cứ và cơ sở pháp lý về chủ quyền trên biển của Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thẩm định các nội dung pháp lý về chủ quyền biển, đảo để phục vụ công tác tuyên truyền.

11. Các bộ, cơ quan và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; cung cấp thông tin các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công cuộc phát triển kinh tế biển, đảo và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

12. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí khác thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 3 Phần IV của Quyết định này

13. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, xuất bản, hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam.

- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện công tác tuyên truyền phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế tại địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm d khoản 4 Phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 4, khoản 6 và điểm b, c khoản 7, khoản 9, khoản 10 Phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản 4 Phần IV của Quyết định này.

- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm b khoản 4 Phần IV của Quyết định này.

- Cân đối và bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

14. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan báo chí, xuất bản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, QHQT, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX (2).xh

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

Tải văn bản PDF

Tải văn bản tiếng việt

 

 

Nguồn:thuvienphapluat.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang