Quyết định Số 12/2021/QĐ-TTg Quyết định Ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
Tải Văn bản tiếng Việt
Tải bản PDF
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ -------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 12/2021/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Tờ trình số 665/TTr-BQP ngày 12 tháng 3 năm 2021;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2021, thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: KT. THỦ TƯỚNG
- Ban Bí thư Trung ương Đảng; PHÓ THỦ TƯỚNG
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; Trịnh Đình Dũng
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT&TKCN;
- BCĐ Trung ương phòng, chống thiên tai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐTCP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NC (3)
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU
(Kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nội dung và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động chuẩn bị, tổ chức ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu và thực hiện hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dầu bao gồm:
a) Dầu thô là dầu từ các mỏ khai thác chưa qua chế biến, là hydrocarbon ở thể lỏng trong trạng thái tự nhiên, asphalt, ozokerite và hydrocarbon lỏng thu được từ khí thiên nhiên bằng phương pháp ngưng tụ hoặc chiết xuất;
b) Dầu thành phẩm là các loại dầu mỏ đã qua chế biến như xăng, dầu hỏa, diesel, nhiên liệu hàng không, nhiên liệu làm chất đốt, các loại dầu, mỡ bôi trơn, bảo quản và các sản phẩm để chế biến xăng dầu, mỡ.
2. Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.
3. Sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng là sự cố tràn dầu xảy ra với khối lượng lớn dầu tràn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, môi trường và đời sống, sức khoẻ của Nhân dân.
4. Ứng phó sự cố tràn dầu là các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư nhằm xử lý kịp thời, loại trừ hoặc hạn chế tối đa nguồn dầu tràn ra môi trường.
5. Khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu là các hoạt động nhằm làm sạch đất, nước, hệ sinh thái khu vực bị nhiễm dầu và các biện pháp hạn chế thiệt hại, phục hồi môi sinh, môi trường sau sự cố tràn dầu.
6. Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là tất cả các hoạt động từ việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu.
7. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là dự kiến các nguy cơ, tình huống sự cố có khả năng xảy ra tràn dầu cùng các phương án ứng phó trong tình huống dự kiến đó, các chương trình huấn luyện, diễn tập để đảm bảo sự sẵn sàng các nguồn lực kịp thời ứng phó khi sự cố tràn dầu xảy ra trên thực tế.
8. Hiện trường ứng phó sự cố tràn dầu là khu vực triển khai các hoạt động ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.
9. Chỉ huy hiện trường là người được phân công hoặc được chỉ định trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động ứng phó tại nơi xảy ra sự cố tràn dầu. Quyền hạn và trách nhiệm của chỉ huy hiện trường được quy định cụ thể trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của từng cơ sở, địa phương, đơn vị.
10. Cơ sở là các cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng xăng, dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu.
11. Chủ cơ sở là người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ về pháp lý đối với các hoạt động của cơ sở.
12. Cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu là cơ quan tổ chức các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
13. Đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu (đơn vị ứng phó) là các tổ chức có trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu và nhân lực được huấn luyện, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ để tiến hành hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
14. Dự án là dự án đầu tư xây dựng công trình, cơ sở, cảng có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.
15. Khu vực ưu tiên bảo vệ là khu vực có độ nhạy cảm cao về môi trường hoặc kinh tế xã hội, cần ưu tiên bảo vệ khi xảy ra sự cố tràn dầu như rừng ngập mặn, dải san hô, khu bảo tồn sinh thái, khu dự trữ sinh quyển, điểm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, khu di tích lịch sử đã được xếp hạng, khu du lịch, khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
16. Khu vực hạn chế hoạt động là khu vực được xác lập bởi các tọa độ trên hải đồ trên biển hoặc bằng các ranh giới, địa giới cụ thể trên bờ, ven biển để cảnh báo, hạn chế sự đi lại trong khu vực để bảo đảm an toàn khi tiến hành cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu.
17. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào gây ra tràn dầu làm ô nhiễm môi trường.
18. Đầu mối liên lạc quốc gia về sự cố tràn dầu (viết tắt là Đầu mối liên lạc quốc gia) là Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn là cơ quan thường trực) chịu trách nhiệm nhận, chuyển phát và xử lý các báo cáo khẩn cấp về các sự cố liên quan đến xăng, dầu trên lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam.
19. DWT là trọng tải của tàu, sức chở lớn nhất được phép của tàu được tính bằng tấn.
20. GT là tổng dung tích, là số đo dung tích của toàn bộ các không gian kín ở trên tàu bao gồm cả thể tích của ống khói.
Điều 4. Nguyên tắc trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
1. Tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu.
2. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố tràn dầu kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
3. Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
4. Chủ động ứng phó gần nguồn dầu tràn để ngăn chặn, hạn chế dầu tràn ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguy cơ lan tỏa dầu tràn vào đường bờ để xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực ưu tiên bảo vệ.
5. Đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong ứng phó.
6. Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó.
7. Bên gây ra ô nhiễm tràn dầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tràn dầu gây ra theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu
Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp sau đây:
1. Cấp cơ sở
a) Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: Chủ cơ sở tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường;
b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trợ giúp;
c) Trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực ưu tiên bảo vệ, Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo, kịp thời ứng phó.
2. Cấp khu vực
a) Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra chưa rõ nguyên nhân của các địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì và chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các bộ, ngành trên địa bàn, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó;
b) Đầu mối chủ trì giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy Phòng chống, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.
3. Cấp Quốc gia
a) Trường hợp sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng vượt quá khả năng của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó;
b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế;
Trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp nêu trên, cơ quan chủ trì hoặc chỉ huy hiện trường chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Điều 6. Phân loại mức độ sự cố tràn dầu
1. Sự cố tràn dầu được phân theo số lượng dầu tràn ở 3 mức từ nhỏ, trung bình đến lớn. Cụ thể:
a) Sự cố tràn dầu nhỏ (mức nhỏ) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn dưới 20 m3 (tấn);
b) Sự cố tràn dầu trung bình (mức trung bình) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn từ 20 m3 (tấn) đến 500 m3 (tấn);
c) Sự cố tràn dầu lớn (mức lớn) là sự cố tràn dầu có lượng dầu tràn lớn hơn 500 m3 (tấn).
2. Việc phân loại mức độ sự cố tràn dầu để xây dựng kế hoạch ứng phó và xác định mức độ đầu tư trang thiết bị, nguồn lực để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời đối với các cấp độ ứng phó khác nhau.
Chương II
CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU
Điều 7. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp
1. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện kế hoạch; hướng dẫn địa phương, cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu (theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo Quy chế này).
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương, được cập nhập định kỳ hàng năm và trình phê duyệt lại 5 năm một lần.
3. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi có sự thay đổi các điều kiện dẫn đến thay đổi nội dung kế hoạch thì phải cập nhật bổ sung và cập nhật định kỳ hằng năm; khi có những thay đổi lớn làm tăng quy mô sức chứa vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch thì phải lập lại kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thẩm định, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt và thông báo đến Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án.
5. Đối với các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ từ 50.000 m3 trở lên, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn hơn hoặc bằng 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt.
6. Đối với các cảng tại địa phương, các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ dưới 50.000 m3, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng dưới 50.000 DWT xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, báo cáo cơ quan chủ quản thẩm định (Đối với các kho xăng dầu gắn liền với cảng xăng dầu thì xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu chung cho kho, cảng) trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
7. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền, trên sông, trên biển xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt hoặc cơ quan chủ quản thẩm định, phê duyệt theo quy định (đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu không thuộc Ủy ban nhân dân huyện quản lý). Kế hoạch được thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện.
8. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực xây dựng kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được phân công, trình Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thẩm định và phê duyệt.
9. Các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên, các tàu khác không phải tàu chở dầu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên, có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển có kế hoạch chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Điều 8. Thời gian thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
1. Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
2. Hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;
b) Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo mẫu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Thời gian thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
a) Đối với kế hoạch do Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt, trong thời hạn 30 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;
b) Đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, trong thời hạn 20 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu;
c) Đối với kế hoạch do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, trong thời hạn 15 ngày làm việc (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định và ra quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
4. Các kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định từ khoản 1 đến khoản 8 của Điều 7 Quyết định này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thông báo cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định trong kế hoạch.
(Còn nữa, xin mời tải văn bản tiếng Việt và bản PDF phía trên)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận