Quyết gỡ “thẻ vàng” thủy sản

21:07 02-10-2021

VBĐVN.vn - Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 4 năm qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương; các bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, ngư dân Việt Nam đã rất nỗ lực quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Trương Quốc Hoàng (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), người nhiều năm gắn bó nghề đánh bắt xa bờ thổ lộ: "Trước đây, nhiều khi ngư dân chúng tôi vì mải theo đàn cá mà vô tình lạc sang vùng biển nước bạn lúc nào không hay. Cũng vì sợ lộ ngư trường đánh bắt mà một số tàu đã không bật thiết bị định vị. Còn chuyện ghi nhật ký đánh bắt, khai thác thì chẳng mấy ai quan tâm. Từ khi được Bộ đội Biên phòng, lực lượng kiểm ngư và chính quyền địa phương phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật Việt Nam, các khuyến nghị của EC về IUU trong khai thác, đánh bắt hải sản, chúng tôi đã hiểu được ý nghĩa của việc tuân thủ các quy định và nghiêm túc thực hiện".

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Sau gần 4 năm triển khai chống IUU, phía EC đã đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam và khẳng định về những quy định cũng như triển khai các quy định pháp luật của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, đang đúng hướng và đạt được một số kết quả cụ thể. Trong đó, khung khổ pháp lý của Việt Nam cơ bản phù hợp với quy định của quốc tế; bảo đảm hướng tới xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Tổ chức triển khai các quy định liên quan về chống IUU trong Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã đạt được những kết quả đáng kể: Số lượng tàu cá có độ dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt hơn 87,4% (26.915/30.778 tàu), số tàu trên 24m cơ bản đã hoàn thành, nhiều địa phương đã hoàn thành 100% việc đôn đốc người dân lắp đặt thiết bị giám sát. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên 49 cảng cá chỉ định đủ điều kiện cho xác nhận, chứng nhận dần đi vào ổn định và có độ tin cậy. Các lô hàng xuất khẩu vào EU theo yêu cầu đã được kiểm tra. Năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền 61,9 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm IUU. Từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt 13,6 tỷ đồng. Đặc biệt, việc xử phạt vi phạm hành chính đã được tăng cường, có chủ tàu vi phạm hoạt động khai thác bất hợp pháp đã bị xử phạt với khung cao nhất (mức 800 triệu đến 1 tỷ đồng). Việc ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có chuyển biến. Số vụ vi phạm giảm 7 vụ/7 tàu so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tàu cá vi phạm...

Khu neo đậu tàu cá tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Rõ ràng, thời gian qua, những chuyển biến tích cực trong việc chống IUU của Việt Nam cho thấy quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương cùng đông đảo ngư dân. Tuy nhiên, tình trạng một số tàu cá chưa tuân thủ các quy định về khai thác hải sản như ghi nhật ký đánh bắt; lúc bật, lúc tắt thiết bị định vị... vẫn còn. Ông Trần Đình Luân cũng nhìn nhận, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cùng với tuyên truyền, xử phạt chưa tốt ở các địa phương dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm còn tiếp diễn, và đây chính là khó khăn cốt lõi trong giải quyết vấn đề gỡ “thẻ vàng”.

Xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững

Trong thời gian tới, để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, ông Trần Đình Luân cho biết: Ngành thủy sản cần tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tăng cường điều tra, xử phạt các vụ việc vi phạm theo quy định. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cần tăng cường tuần tra, sử dụng các trang thiết bị hiện đại để phát hiện sớm những tàu cá có dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá để theo dõi, ngăn chặn, xử lý các tàu vi phạm. Phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; chuộc tàu cá, ngư dân về nước trái quy định của pháp luật. Triển khai hiệu quả Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các quy định liên quan đến chống IUU.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến về chống IUU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 3 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm IUU để gỡ “thẻ vàng” của EC, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước ta nói chung và của ngư dân nói riêng.

Không chỉ nỗ lực thực hiện chống IUU theo khuyến cáo của EC, Việt Nam đã và đang quyết tâm phấn đấu xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11-3-2021 theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ: Một trong những mục tiêu của ngành thủy sản đến năm 2030 là tổng sản lượng sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 7 triệu tấn, sản lượng khai thác ở mức 2,8 triệu tấn.

Để đạt mục tiêu nói trên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản cần có nhiều bước đột phá nhưng vẫn phải bảo đảm các giá trị về kinh tế, môi trường và xã hội. Với khai thác thủy sản, giảm sản lượng khai thác từ 3,8 triệu tấn hiện nay xuống còn 2,8 triệu tấn. Giảm số tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ, khuyến khích phát triển tổ, đội khai thác trên biển; chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm từ khai thác.

Bên cạnh việc chống IUU, việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng không những đối với gỡ "thẻ vàng" EC mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sống dựa chủ yếu từ việc khai thác nguồn lợi này và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong tương lai. Đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, nhân dân, cộng đồng ngư dân Việt Nam đối với các quy định của thế giới, tổ chức nghề cá thế giới, khu vực mà Việt Nam là thành viên, hoặc cam kết thực hiện “đánh bắt có trách nhiệm, bảo tồn đa dạng sinh học”.

Khi bị “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường EU. Nếu không giải quyết được các vấn đề IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. (Nguồn: Tổng cục Thủy sản)

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang