Quyết liệt triển khai các phương án ứng phó với thiên tai

17:13 08-10-2021

VBĐVN.vn - Từ ngày 6-10, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khiến khu vực giữa Biển Đông có gió to, sóng lớn, các tỉnh khu vực miền Trung có mưa rất to. Trước tình hình trên, BĐBP các tỉnh, thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp, tập trung ứng phó và phương án sẵn sàng khi ATNĐ mạnh lên thành bão số 7 cũng như tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.

Từ những kinh nghiệm rút ra qua 2 cơn bão số 5 và số 6, đối với ATNĐ lần này, BĐBP các tỉnh, thành phố triển khai các phương án ứng phó sao cho nhanh chóng nhưng vẫn hiệu quả. Đối với tàu thuyền, các đài trực canh thông tin của các đồn Biên phòng trực 24/24 giờ để liên lạc, thông báo cho tất cả chủ các phương tiện, tàu cá về diễn biến của ATNĐ trên Biển Đông. Các phương tiện đang hoạt động trên biển được hướng dẫn di chuyển vào bờ trú tránh hoặc ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Công trình 15, Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP Đà Nẵng giúp ngư dân di chuyển ghe lên bờ. Ảnh: Trúc Hà

Đồng thời, các đồn Biên phòng thông báo lệnh cấm biển, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi (kể cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho đến khi thời tiết trên biển trở lại bình thường và bắn pháo hiệu cảnh báo theo quy định. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp cho tàu thuyền của ngư dân neo đậu vào khu tránh trú, các đồn Biên phòng còn giúp ngư dân di chuyển các ghe nhỏ, thuyền thúng lên bờ để bảo vệ tài sản.

Ngay từ chiều 5-10, tại các tỉnh miền Trung đã xuất hiện mưa lớn, công tác ứng phó diễn ra hết sức khẩn trương và phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Một tuần trở lại đây, số ca nhiễm Covid-19 tại các tỉnh miền Trung đã giảm nhưng không phải vì thế mà việc phòng, chống dịch trở nên chủ quan. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố đã yêu cầu lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi làm nhiệm vụ sắp xếp tàu thuyền, giúp dân cũng như khắc phục hậu quả.

Thành phố Đà Nẵng có âu thuyền, cảng cá Thọ Quang lớn nhất khu vực miền Trung. Khi gặp thời tiết xấu, các tàu thuyền thường vào đây cập cảng để tránh trú, bán hải sản rồi đảm bảo hậu cần phục vụ việc tiếp tục vươn khơi khi thời tiết trở lại bình thường. Đối với các tàu, thuyền ngoại tỉnh, Đồn Biên phòng Sơn Trà và Ban Quản lý âu thuyền, cảng cá Thọ Quang bố trí khu neo đậu riêng và chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, sẵn sàng đón người vào cách ly nếu bão đổ bộ.

Chiều 6-10, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế đã bố trí cho 4 phương tiện với 34 lao động của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định vào neo đậu tại một khu riêng trong âu thuyền, cảng cá Thuận An. Các thuyền viên của các phương tiện này được lực lượng y tế địa phương kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu tự cách ly trên tàu. Trường hợp bão đổ bộ sẽ đưa lên bờ bố trí chỗ tránh trú, cách ly.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, thời tiết trên biển diễn biến xấu, gió mạnh cấp 6-7, sóng to gây nguy hiểm cho các tàu cá. Ngày 6-10, tàu QNa94808TS, do ngư dân Lê Ngọc Phú (sinh năm 1985, trú tại xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng, cùng 2 thuyền viên khi đang chạy vào bờ tránh ATNĐ thì dây tời trên tàu bị đứt, đập vào đầu thuyền trưởng Lê Ngọc Phú gây chảy máu, bất tỉnh.

Chiến sĩ thông tin của Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế kêu gọi tàu, thuyền phòng tránh áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Lúc này, thời tiết khu vực tàu bị nạn diễn biến xấu do ảnh hưởng của ATNĐ, gió cấp 6, giật cấp 7, sóng cao 3m, mưa to khiến tàu QNa94808TS di chuyển khó khăn. Do bị thương nặng nên tính mạng của thuyền trưởng Lê Ngọc Phú ngày càng nguy cấp.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (tại Đà Nẵng) đã điều động tàu SAR 274 khẩn trương xuất bến đi cứu nạn. Đến 12 giờ 30 phút cùng ngày, tàu SAR 274 đã cập cảng Đà Nẵng. Trạm Kiểm soát Biên phòng Công trình 15, Đồn Biên phòng Sơn Trà, BĐBP Đà Nẵng đã làm thủ tục tiếp nhận nạn nhân và phối hợp đưa thuyền trưởng Lê Ngọc Phú đi cấp cứu.

Tính đến 13 giờ, ngày 7-10, qua rà soát ở vùng biển khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, hiện vẫn còn 60 tàu với 480 lao động ở ngay phía sau đường đi của ATNĐ. Các tàu này đã nhận được thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng và đang tiếp tục di chuyển vòng tránh để thoát ra ngoài vùng biển nguy hiểm. BĐBP các tỉnh, thành phố ven biển vẫn tiếp tục giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu vòng tránh và sẵn sàng phương án cứu nạn nếu có sự cố xảy ra.

Trước ảnh hưởng của ATNĐ đã gây mưa to, liên tục nhiều ngày nay tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại khu vực miền núi sẽ xuất hiện lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên diện rộng. Các địa phương đã lên phương án, trong đó xác định nguy cơ cho từng vùng để có biện pháp ứng phó hiệu quả. Ở khu vực biên giới tỉnh Quảng Trị được chia ra các vùng trọng tâm để sơ tán dân gồm: Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng (gồm các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và đảo Cồn Cỏ); vùng ngập sâu (khu vực sông Sê Pôn); vùng lũ quét, sụt lún, sạt lở đất (huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông).

Nhận thấy ATNĐ lần này có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã yêu cầu các đồn Biên phòng chủ động phòng, chống tại đơn vị, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát vị trí xung yếu, sẵn sàng lực lượng sơ tán người dân từ nhà tạm không đảm bảo an toàn đến các trường học, trụ sở cơ quan đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang