Rác thải xâm chiếm các đảo miền Trung: Bài 5: Mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh

09:12 10-08-2024

VBĐVN.vn - Cuộc chiến với “vấn nạn” rác thải nhựa đang tồn tại đáng báo động ở nhiều địa phương ven biển và các đảo của nước ta hiện nay rất cần sự chung tay của tất cả các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Hạn chế rác thải nhựa là hành động vì tương lai của thế giới. Không ai đứng ngoài “cuộc chiến” này, như lời một chuyên gia về môi trường đã khẳng định: “Mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh”.

Trên hành trình tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương vừa qua, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia môi trường về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa đại dương. Đó đều là những tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm, cùng hướng đến tương lai vì một môi trường biển xanh - sạch, phát triển bền vững.

Vẻ đẹp đảo Điệp Sơn

Ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường):

Rất cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương có biển và người dân

Thời gian qua, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc Bộ đã tham mưu các cấp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, kết quả triển khai vẫn hạn chế, chưa được như mong muốn.

Để tăng hiệu quả giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, thời gian tới, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam kiến nghị Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan cần tăng hiệu quản quản lý để tiếp tục xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, trên biển, nhất là rác thải nhựa, thông qua tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển, trên biển và hải đảo, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ nhằm giảm lượng phát sinh rác thải nhựa.

Về phía trách nhiệm các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần quan tâm hơn nữa trong bố trí nguồn lực để kịp thời triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật và các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có liên quan rác thải nhựa và rác thải đại dương;

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; Thúc đẩy trao đổi và hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ về thực hiện cam kết, thỏa thuận toàn cầu trong giảm phát thải rác thải nhựa đại dương, tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Cuối cùng, một giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho các ngư dân, người đi biển, các tổ chức thực hiện các dự án phát triển kinh tế biển về công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa nhằm giảm lượng phát sinh ra biển. Có các biện pháp nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong sản xuất, phân phối sử dụng, thu gom, tái chế rác thải nhựa trong đó có rác thải nhựa đại dương. Thường xuyên tổ chức chiến dịch thu gom rác thải, làm sạch một số bãi biển quy mô quốc gia trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp, kết hợp với tổ chức Ngày Đại dương thế giới; Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam… để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân.

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi):

Mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh

Huyện đảo Lý Sơn đang tích cực tìm giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa. Chiến dịch “Hãy làm sạch biển - Tử tế với đại dương” là hoạt động rất ý nghĩa đã góp phần truyền cảm hứng cho nhân dân và du khách khi đến với huyện đảo Lý Sơn, hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng, loại bỏ chất thải nhựa, đồng thời kêu gọi mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh, thực hiện các giải pháp ngăn chặn, xử lý ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, vận động không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên địa bàn huyện Lý Sơn năm 2024; Kế hoạch phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Lý Sơn. Các chương trình, kế hoạch này được kỳ vọng sẽ biến nhận thức thành hành động cụ thể của người dân, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng sản phẩm thân thiện môi trường.

Để nâng cao hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng cũng như công tác bảo vệ môi trường tại đảo, địa phương kiến nghị cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển tại địa phương. Đồng thời, quan tâm tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa.

Lượng rác thải trôi dạt từ biển vào đảo khá lớn và bị sóng biển chôn vùi cùng với cát nên đang là khó khăn cho công tác thu gom của địa phương. Thực tế cho thấy, nguồn thải chủ yếu gây ra những bãi rác thải tại vùng biển Lý Sơn từ đất liền và các hoạt động trên biển, ven biển. Do đó, việc ngăn chặn và giảm thiểu rác từ đất liền và các hoạt động trên biển là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An (Quảng Nam):

Cù Lao Chàm đang “tham vọng” hướng đến xã đảo không rác

Giữ được Cù Lao Chàm nói không với túi nilon trong suốt 15 năm qua chính là có sự đồng thuận của người dân. Bởi quyết sách của chính quyền phù hợp mà lòng dân không thuận thì sẽ rất khó khăn để triển khai, chứ đừng nói là duy trì đến tận giờ. Chính quyền cũng phải bền bỉ, kiên trì vận động bà con cùng những cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi sinh kế phù hợp.

Khi người dân thấy rõ được lợi ích từ việc phát triển du lịch sinh thái, môi trường đảo Cù Lao Chàm được bảo vệ từ việc giảm thiểu túi nilon, hệ sinh thái rừng và san hô được bảo vệ, du khách đến ngày càng nhiều, có được sinh kế bền vững thì chắc chắn người dân sẽ nghe và làm theo.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, khi các “ý tưởng lớn” gặp nhau và cùng nhìn về một hướng thì sẽ thành công. Hiện nay, đảo Cù Lao Chàm đang “tham vọng” hướng đến xã đảo không rác. Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, UBND xã Tân Hiệp và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp triển khai thí điểm Cơ sở phục hồi tài nguyên tại Cù Lao Chàm (MRF).

Theo đó, rác sinh hoạt từ các hộ gia đình sau khi phân loại theo quy định sẽ được thu gom riêng về cơ sở MRF. Ở đây, rác hữu cơ sẽ được tách làm phân vi sinh. Rác tái chế giá trị cao, giá trị thấp đều đem tái chế hoặc bán phế liệu, phần còn lại được thu gom và đưa đến cơ sở xử lý tập trung để đốt hoặc chôn lấp.

MRF sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ phân loại và thu hồi tái chế tại nguồn, góp phần tuần hoàn tài nguyên từ chất thải rắn sinh hoạt thành những sản phẩm hữu ích, giảm áp lực tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Eo Gió, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái tại Cù Lao Chàm.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm và nội lực của xã đảo Cù Lao Chàm, chính quyền địa phương và cộng đồng có thể xây dựng mô hình xã đảo không rác thải chứ không cần đến quá nhiều công nghệ xử lý rác thải.

PGS. TS. Hoàng Công Tín, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế):

Cắt giảm dần các sản phẩm nhựa dùng một lần

Vùng biển Việt Nam có bờ biển dài, thềm lục địa rộng lớn, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế. Do vậy, việc triển khai các hoạt động làm sạch bãi biển, thu gom rác thải nhựa đại dương là một trong những hoạt động quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề quản lý rác thải đại dương và cũng góp phần giảm thiểu các tác động của rác thải nhựa đến môi trường, sinh vật, kinh tế và sức khỏe của các cộng đồng ven biển.

Để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương theo Kế hoạch hành động quốc gia của Chính phủ, cần chú trọng việc tổng hợp, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa ở khu vực ven biển, các đảo và từ các hoạt động trên biển để xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về rác thải nhựa thống nhất, phù hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải; chủ trì thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về tác động của rác thải nhựa, nhất là vi nhựa đến tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người...

Đồng thời, chú trọng đến các hoạt động truyền thông về tác hại của rác thải nhựa đối với biển và đại dương; phát động chương trình thu gom, xử lý rác thải. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, cần có một lộ trình và kế hoạch hành động bao gồm nhiều hành động cụ thể như thực hiện cắt giảm dần các sản phẩm nhựa dùng một lần theo giai đoạn, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế và cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn.

Một giải pháp quan trọng khác nữa là Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn tài trợ các cho chương trình làm sạch bãi biển, truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, cộng đồng xã hội. Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Nhân rộng các mô hình giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi xả rác thải nhựa đối với cư dân ven biển, ngư dân và khách du lịch biển.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam:

Xem rác thải nhựa là “kẻ thù” để từng bước loại khỏi cuộc sống

Hiện nay Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều chính sách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Đây là những chủ trương, chính sách rất đúng đắn nhưng thực hiện như thế nào đòi hỏi phải có những giải pháp linh hoạt phù hợp. Chẳng hạn như việc vận động chị em không dùng túi nilon khi đi chợ, thế nhưng, cuộc sống bây giờ hiện đại, phụ nữ vừa phải đi làm vừa phải chăm lo cho gia đình không thể mang giỏ nhựa đến cơ quan, hay công ty nơi mình làm việc để đợi hết giờ về đi chợ. Vì thế, Nhà nước cần tính toán làm sao có thể sản xuất ra một loại giỏ bằng lát hoặc mây có kích cỡ phù hợp và có thể xếp gấp được thì sẽ thuận tiện cho phụ nữ hơn.

Ngoài ra, chúng ta cần nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn, phải xem phòng chống rác thải nhựa là việc làm thường xuyên chứ không phải cứ đến dịp hô hào, treo băng rôn khẩu hiệu. Đất nước Việt Nam đã đi qua hai cuộc chiến chống quân xâm lược vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng vẫn giành được thắng lợi nhờ ý chí và sức mạnh đại đoàn kết. Ngày nay, chúng ta cũng phải xem rác thải nhựa là kẻ thù của sức khỏe cộng đồng để đoàn kết chống lại nó.

Cấp quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động quản lý sản xuất từ sản phẩm nhựa cũng như việc thu gom xử lý rác thải nhựa. Các doanh nghiệp cần tích cực chuyển đổi các sản phẩm sang thân thiện với môi trường cũng như thay đổi mô hình sản xuất để giảm bớt việc phát sinh các sản phẩm nhựa.

Đối với người dân cũng như cộng đồng dân cư, người dân giảm thiểu tiêu dùng các sản phẩm nhựa cũng sẽ tạo tác động ngược khiến các doanh nghiệp bắt buộc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm thay thế. Người dân cũng chính là những người trực tiếp tham gia việc thu gom phân loại rác tại nguồn, do đó mỗi người dân đóng vai trò trung tâm trong giảm rác thải nhựa. Khi tất cả thành phần trong xã hội như doanh nghiệp, người dân, các tổ chức quản lý của nhà nước cùng tham gia giảm rác thải nhựa thì mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được. Cần phải hành động trước khi chúng ta kiệt sức vì trả giá cho môi trường.

PGS.TS Nguyễn Tác An, Nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam:

Tạo ra nguồn quỹ lớn để hỗ trợ cho nghiên cứu chế tác polime hóa

Thói quen tiêu dùng, sinh hoạt và xả rác nhựa bừa bãi cùng một lượng lớn rác nhựa từ các hoạt động kinh tế - xã hội và một khối lượng nhựa khá lớn từ đại dương, các vùng biển quốc tế trôi dạt vào các đảo và vùng ven biển ở Việt Nam, đặc biệt là vào mùa du lịch, đang là vấn đề đáng lo ngại. Riêng với rác thải nhựa ngoài biển, dưới tác động của các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, quá trình chuyển hóa và các tác động khác, rác thải nhựa sẽ chuyển hóa thành vi nhựa, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người.

Vấn đề cấp bách và ưu tiên là phải thay đổi thói quen sản xuất và sử dụng vật liệu nhựa, thay vào đó là sử dụng nhựa sinh học, những vật liệu dễ phân hủy nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác nhựa ngay từ ban đầu. Về phía Nhà nước, cần có nguồn quỹ lớn để hỗ trợ cho nghiên cứu chế tác polime hóa, xu thế mới nhựa sinh học (nhựa tự phân hủy), chế tác polime hóa từ mía đường, cà phê... chế tác ra những sản phẩm dùng một lần dễ phân hủy.

Hiện nay, các công cụ đưa ra nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương vẫn còn hạn chế, thiếu sự đồng bộ, liên kết để tạo hiệu quả rõ rệt. Do đó, cần đưa ra được các tiêu chuẩn, cơ sở căn cứ pháp lý mang tính kỹ thuật để tăng tính thực thi của hệ thống chính sách. Điều quan trọng là phải quyết tâm thực hiện, nâng cao nhận thức, tuyên truyền hạn chế hoặc cấm sử dụng vật dụng nhựa sử dụng một lần như túi nilon, ly nhựa, chai nhựa.... những nơi hoạt động du lịch trên các biển đảo.

Các địa phương cũng cần có những giải pháp quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.

Nguyễn Dũng – Thanh Tùng – Lan Anh – Đỗ Vương (baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang