Sáng tạo, hiệu quả từ mô hình "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn"

11:27 09-12-2022

VBĐVN.vn - Cả nước hiện đã thành lập được khoảng trên 3.300 “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”, với gần 78 nghìn lượt thành viên… Hàng vạn ngư dân tham gia trong mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” đã thường xuyên giúp đỡ nhau trong sản xuất, bảo vệ tài sản và nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Hơn 20 năm trước đây, vào đầu những năm 2000, làng biển Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu là nơi thành lập “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” đầu tiên của tỉnh Phú Yên với gần 100 thuyền viên với 9 phương tiện tham gia. Với sự hướng dẫn của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” đã dần được nhân rộng với quy ước, quy chế hoạt động cụ thể. Ngư dân tham gia trong các mô hình đã thường xuyên giúp đỡ nhau trong sản xuất, bảo vệ tài sản và nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Từ làng biển Hòa Lợi, mô hình đã được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên và cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng trên tuyến biển Phú Yên. Đến nay, đã có 113 Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” với 8.216 ngư dân và 1.026 phương tiện tham gia. Nhiệm vụ của các “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” là vừa đánh bắt hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền đất nước, vừa cung cấp thông tin cho lực lượng BĐBP về tình hình trên biển, nhất là tình trạng tàu lạ xâm phạm trái phép hải phận Việt Nam. Ngoài ra, các “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” còn tham gia hỗ trợ lực lượng BĐBP tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các tàu thuyền khác gặp nạn trên biển trong trường hợp ở gần các tàu thuyền đó nhất.

Tỉnh Phú Yên hiện có 113 Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” với 8.216 ngư dân và 1.026 phương tiện tham gia. Ảnh: Hữu Toàn

Ngư dân Trần Văn Sơ, chủ tàu cá PY-90250TS ở phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) chia sẻ, trước đây, bà con ngư dân thường mạnh ai nấy đi; thông tin tọa độ được các chủ tàu giữ bí mật vì không muốn chia sẻ nguồn lợi. Song nghề đi biển thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, nếu cứ đơn thương độc mã trên biển dễ bị tàu lạ dọa nạt, cùng với đó là mối nguy hiểm những khi biển động mạnh gió to, sóng lớn… “Từ khi mô hình "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn" được thành lập, bà con ngư dân đã đoàn kết lại để cùng vươn khơi đánh bắt thủy sản; đồng thời cũng phối hợp cùng lực lượng BĐBP để tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, anh Trần Văn Sơ nhấn mạnh.

Được biết, cùng với Phú Yên, các tỉnh Bình Thuận, Quảng Nam và TP Đà Nẵng là những địa phương đầu tiên khới xướng và tổ chức xây dựng mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”. Phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của ngư dân, hiện nay mô hình này đang được nhân rộng với nhiều tên gọi, hình thức, cách làm và phát huy hiệu quả ở hầu hết các khu vực biên giới biển của nước ta. Theo số liệu của Bộ đội Biên phòng Việt Nam, đến nay cả nước đã thành lập được khoảng trên 3.300 “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn”, với gần 78 nghìn lượt thành viên, gần 1.000 bến bãi an toàn…

Hiệu quả lớn nhất mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” mang lại đó là đã giúp ngư dân xích lại gần nhau hơn, hỗ trợ, chia sẻ với nhau những ngư trường mới giàu tiềm năng. Đồng thời, việc nhân rộng mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” ở cơ sở đã góp phần phối hợp triển khai có hiệu quả công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn, phòng tránh bão, lụt, giảm nhẹ thiên tai. Lực lượng BĐBP tuyến biển cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền cho ngư dân nắm vững pháp luật và xác định rõ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; nâng cao nhận thức về tài nguyên biển, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ…. Vì vậy, các ngư dân khi tham gia làm ăn trên biển đều tuân thủ pháp luật, các thuyền viên đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Mô hình "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn" giúp ngư dân TP Đà Nẵng thêm vững tin vươn khơi, bám biển. Ảnh: Hoài Thu.

Quá trình phương tiện thuộc các “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” tham gia đánh bắt xa bờ đã chủ động, bằng nhiều hình thức cung cấp thông tin cho Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng về hoạt động vi phạm chủ quyền vùng biển, các loại tội phạm trên biển. Nói cách khác, mô hình này đã góp phần thúc đẩy phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia phát triển sâu rộng. Hàng năm, thành viên các “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” và nhân dân đã cung cấp cho lực lượng BĐBP hàng nghìn nguồn tin có giá trị trong công tác quản lý bảo vệ biên giới biển và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác biên phòng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, giữ vững bình yên tuyến biển.

Được xây dựng từ thực tiễn hoạt động đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân, hiệu quả tích cực từ mô hình “Tổ tự quản tàu thuyền an toàn” đã góp phần bảo đảm an toàn cho các chuyến ra khơi bám biển, nâng cao đời sống của hàng vạn ngư dân. Thông qua mô hình, bà con ngư dân đã huy động sức mạnh đoàn kết, phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo và củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Hoàng Trung

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang