Sát cánh với phán quyết Biển Đông
VBĐVN.vn - Tuần qua đã đánh dấu mốc tròn 5 năm kể từ ngày Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở thành phố La Haye, Hà Lan ra phán quyết về Biển Đông (12-7-2016 – 12-7-2021). Nhiều quốc gia đã đồng loạt tái khẳng định lập trường thượng tôn luật pháp quốc tế và tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tuân thủ phán quyết này.
Ý chí kiên định của quốc tế
Trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày PCA ra phán quyết Biển Đông, đầu tuần này, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhấn mạnh rằng, các bên cần tuân thủ phán quyết này vì đây là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trong bối cảnh xuất hiện những yêu sách trên Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định, mọi yêu sách đều phải dựa trên các điều khoản của UNCLOS. Nhật Bản kiên định phản đối các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trái với UNCLOS. Đồng thời, “xứ sở mặt trời mọc” cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về thực trạng xuất hiện nhiều thách thức trên Biển Đông và tái khẳng định lập trường phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Cũng trong dịp này, Bộ Ngoại giao Canada đã ra Tuyên bố tái khẳng định sự cần thiết của việc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết Biển Đông. Đồng thời nhấn mạnh rằng, phán quyết là cột mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông. Bộ Ngoại giao Canada kêu gọi tất cả các nước tuân thủ các cam kết đưa ra trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Mặt khác, Canada cũng tuyên bố ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Những nguyên tắc này là cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng. Bộ Ngoại giao Canada cũng khẳng định rằng, nước này nỗ lực bảo vệ và khôi phục trật tự quốc tế hiệu quả dựa trên luật định, bao gồm cả đối với các vùng biển và đại dương, cũng như nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đồng quan điểm với cộng đồng quốc tế, Ngoại trưởng Australia Marise Payne khẳng định, việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định liên tục của khu vực, đồng thời cho phép tất cả các quốc gia - lớn và nhỏ - giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Bộ trưởng cam kết Australia sẽ tiếp tục ủng hộ quyền của tất cả các nước tìm cách giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị".
Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Vai trò của trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế
Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nhân dịp này, Mỹ nêu rõ, tự do của các vùng biển là lợi ích lâu dài của tất cả các quốc gia, đồng thời có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế lâu nay luôn được hưởng lợi nhờ một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế. Trong đó, UNCLOS quy định khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên các đại dương và vùng biển, đặt nền tảng cho các hoạt động và hợp tác phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời đóng vai trò then chốt đối với việc đảm bảo dòng thương mại toàn cầu tự do lưu thông.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới hiện nay và cũng đang là nơi xuất hiện nhiều mối đe dọa. Mỹ kêu gọi việc tuân thủ luật pháp quốc tế, dẹp bỏ lối hành xử gây hấn, bảo đảm sự tôn trọng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp, tôn trọng các quyền của mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong việc bảo vệ các quyền trên biển và vì sự tự do của vùng biển này.
Theo giới chuyên gia khu vực, Phán quyết Biển Đông năm 2016 đối với vụ kiện của Philippines đã đóng góp rất lớn cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Phán quyết Biển Đông thực sự đã trở thành nguồn tham khảo có giá trị cho các quốc gia có tranh chấp hàng hải tương tự như Philippines. Phán quyết này là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp và phân định ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông.
Trước những thách thức hiện hữu, nhìn về những giải pháp cụ thể tại khu vực, Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết, nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia liên quan để duy trì và tăng cường trật tự hàng hải dựa trên thượng tôn pháp luật và hiện thực hóa “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Việc nêu cao vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực cũng là quan điểm chung của cộng đồng quốc tế.
Giới học giả về chính trị và luật biển cho rằng, việc nêu cao UNCLOS và sự đoàn kết của ASEAN sẽ là những yếu tố quan trọng nhất và thực chất nhất để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trên thực tế, UNCLOS ra đời từ căn nguyên là quá trình xây dựng trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp. UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng để xác định các vấn đề liên quan tới chủ quyền, lãnh hải và quyền, nghĩa vụ của một quốc gia hàng hải. Đây là cơ sở pháp lý để các quốc gia ven biển hoạch định chính sách biển và xây dựng các văn bản pháp luật tương ứng.
Để thúc đẩy mục tiêu vì một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng, giới học giả cho rằng, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước ASEAN cần thiết phải xây dựng tuyên bố chủ quyền của mình đối với Biển Đông theo UNCLOS và phù hợp với nội dung phán quyết của PCA.
Văn Nam (theo bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận