Sôi động thị trường giống cá biển
VBĐVN.vn - Con giống được xếp vào mục quan trọng bậc nhất trong quy trình nuôi trồng thủy sản, giúp người nuôi có lãi cao. Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các tỉnh Nam Trung Bộ bắt đầu thả giống cá biển nuôi trên các lồng bè, ao đìa, tạo nên thị trường giống cá rất sôi động. Đằng sau những con giống là những câu chuyện ly kỳ mua bán trứng, ấp, ươm cá ấu trùng... thành giống cá thương phẩm, đôi khi họ phải trả “học phí” bằng những căn nhà đang ở.
“Loại cá bớp nó đẻ nhiều như gà, có nguồn trứng quanh năm, giá chỉ có 4 triệu đồng/kg, dễ nuôi, mưa lũ vẫn vượt qua được. Còn loại cá chim chỉ đẻ trứng 2 tháng trong năm, giá 140-160 triệu đồng/kg trứng, chỉ cần sơ sẩy, mấy trăm triệu đồng bay vèo trong vài ngày. Làm cá giống nuôi biển như đánh bạc hạng lớn, chỉ có trẻ tuổi mới “liều mạng” nhảy vô làm không biết sợ” - anh Nguyễn Quang Sang, ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.
Tuổi 45 “chùn tay” không dám làm
Xã Ninh Ích chạy dọc theo quốc lộ 1A, được xem là trung tâm sản xuất giống cá biển lớn nhất vùng, cung cấp giống cả nước. Anh Sang có gần 30 nghìn con cá bớp giống đã “thọ” qua mùa mưa bão năm 2021, đủ tiêu chuẩn xuất bán cho người nuôi cá thịt trên biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang...
“Dân nuôi cá trên bè thích mua cá ươm ở đìa, vì nó đã chịu được môi trường khắc nghiệt từ khi mới nở ra ấu trùng. Cá lớn bằng ngón tay, mình quay phim, chụp ảnh gửi qua Zalo cho người mua, họ đồng ý mua, gọi xe ô tô đến chở, xe lăn bánh, họ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Mình lấy tiền của người ta nên phải đo, đếm cá cẩn thận, con nào không đạt tiêu chuẩn bỏ ra ngay. Bây giờ, trại sản xuất giống nhiều, cạnh tranh khốc liệt, chỉ có làm đúng chất lượng mới bền lâu” - anh Sang giải thích tiếp.
Anh Sang mới 27 tuổi, chơi lớn, thuê 10 ô đìa ươm cá giống, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục vạn con giống cá bớp, mú (song), chim, hồng Mỹ, bè... Nhìn hệ thống đường ống cung cấp oxy, bơm nước, bể ấp trứng, lưới ươm cá... rất chuyên nghiệp. Anh tâm sự: “Dân ở đây không có bằng kỹ sư nuôi trồng, toàn người làm đìa tôm “lên đời” ươm cá. Năm 2017, tôi bắt đầu ươm cá, không biết tí gì về tảo, sinh học, nguồn nước... Trời thương lãi được 1,2 tỷ đồng. Thấy ngon làm tới luôn, rồi có năm bị lỗ gần 2 tỷ đồng, năm ngoái bị lỗ 400 triệu đồng chỉ trong vòng 3 ngày. Vụ này đã “chốt lãi” 200 triệu đồng, còn 20 nghìn cá giống chưa bán. Ươm cá giống không ai nói tài được, mấy kỹ sư, tiến sĩ của viện nghiên cứu làm bị chết trắng như thường, họ làm có tiền của Nhà nước, còn “dân đen” làm cá giống đã có nhiều người phải bán nhà trả nợ. Nguy hiểm lắm”.
Qua khảo sát ở vùng ươm giống cá biển tại xã Ninh Ích, toàn những ông chủ dưới 40 tuổi, đến tuổi 45 đã “chùn tay” không dám mạo hiểm. Vì độ nguy hiểm cực kỳ lớn, lớp trẻ “liều” nhảy vô làm một cách nhiệt huyết, không biết sợ. “Mua 2kg trứng cá chim 300 triệu đồng, ấp trên bể 1 ngày, xả xuống bạt 2 ngày (vây ở đìa), rồi thả ra ngoài đìa, loại ấu trùng nhỏ li ti phải chống chọi với môi trường sóng gió, nắng mưa thất thường... Chỉ cần gặp sự cố gì đó, 3-5 ngày thổi bay 300 triệu đồng, chưa tính tiền công, tiền điện. Người lớn tuổi hay ngồi nghĩ ra đủ thứ để lo sợ không dám đầu tư”.
Những năm trước đây, chuyện ấp trứng và ươm cá ấu trùng giống cá biển ở đìa, ngay cả các kỹ sư, tiến sĩ của Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trại nuôi trồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa còn chưa dám làm. Nhưng mấy ông nông dân chữ sinh học bẻ đôi không biết, mà dám làm và trở thành vùng ươm cá ở đìa lớn nhất Nam Trung Bộ.
“Trước đây, chỉ có một người Đài Loan (Trung Quốc) thuê đất của xã, nhập trứng cá ở nước ngoài về ấp nở và ươm cá ấu trùng ở đìa. Dân xã Ninh Ích vào làm công trong trại cá nước ngoài, học được bí quyết, ra ngoài chỉ cho người nhà của họ quy trình ươm cá. Một người làm được, mấy người học theo, lan rộng ra toàn vùng. May mắn lúc đầu ít người làm, nguồn nước không bị ô nhiễm nên làm dễ trúng. Bây giờ thì khó khăn lắm, gặp con nước xấu là mất trắng” - anh Sang thông tin thêm.
Hiện nay, diện tích đìa ươm cá giống nuôi biển ở thị xã Ninh Hòa khoảng mấy nghìn héc ta xung quanh đầm Nha Phu. Theo các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, nguồn nước ở đây độ mặn vừa phải, có nhiều chất dinh dưỡng (vi sinh vật) thích hợp cho ươm cá giống quy mô lớn.
Cạnh tranh để tạo ra chất lượng tốt
Song hành với sản lượng lớn cá giống sản xuất ở đìa, tỉnh Khánh Hòa có hàng trăm trại sản xuất giống cá biển trong các bể xi măng, tạo nên thị trường giống cá biển sôi động và cạnh tranh khốc liệt.
“Nhóm của em có 2 bè nuôi cá bố mẹ đẻ trứng ngoài biển, trên bờ có 4 trại sản xuất cá giống, có 1 tiến sĩ và 18 kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản trực tiếp nguyên cứu và sản xuất giống cá cung ứng cho thị trường từ Thừa Thiên Huế đến Phú Quốc (Kiên Giang). Những năm gần đây, người dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có nhiều lựa chọn nguồn giống cá, ươm tại đìa hay ở trong bể. Do đó, buộc các nhà sản xuất phải làm ra con giống đạt chất lượng” - kỹ sư Nguyễn Văn Vinh, cơ sở sản xuất cá giống ở xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang thông tin.
Ngược dòng thời gian, trước năm 2006, ở vùng biển từ Quảng Bình trở vào Kiên Giang không có bóng dáng cá chim nuôi thương phẩm. Chỉ có duy nhất Công ty Maline Fams ASA (Na Uy) nhập giống cá chim từ nước ngoài về nuôi trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. “Năm 2007, thầy Lại Văn Hùng, Trưởng khoa Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) ra thăm cơ sở nuôi trồng của Na Uy, thấy họ nuôi cá chim tốt nên mua 50 con cá thịt và thuê một bè cũ của người dân trên vịnh Nha Trang, giao tôi và một số người quản lý, nuôi số cá chim thành cá bố, mẹ làm giống” - Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh, Viện Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) nhớ lại câu chuyện khởi đầu làm giống cá chim ở Việt Nam.
Sau một thời gian nuôi, tuyển chọn được số cá mẹ cho sinh sản và ươm cá ấu trùng, chỉ đạt được 2% cá sống và đưa ra biển. Vụ đầu tiên nuôi khoảng 10 nghìn con cá thịt từ nguồn giống của Trường Đại học Nha Trang đã mở ra cơ hội cho nhiều người dân và doanh nghiệp biết cách sản xuất giống cá chim và trở thành đối tượng nuôi quy mô công nghiệp. 2 năm gần đây, những người ươm giống cá biển chuyên nghiệp của Khánh Hòa đã đi vào tỉnh Ninh Thuận thuê đìa, mở trại sản xuất giống cá biển quy mô lớn.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận