Sức hút từ cuộc thi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum vừa phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam năm 2020. Cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Kon Tum nhưng đã thu hút đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Vòng chung kết diễn ra đầy kịch tính, có nhiều “gam màu” về biển, đảo được thể hiện.
Cuộc thi được phát động ngay từ đầu năm, do dịch bệnh Covid-19 nên Ban tổ chức kéo dài thời gian cho đến khi kiểm soát được dịch bệnh để cuộc thi được trọn vẹn và tăng tính hấp dẫn. Trải qua 3 vòng thi, từ hơn 12 nghìn bài dự thi, Ban tổ chức, Ban giám khảo lựa chọn được 20 thí sinh có kết quả tốt để vào tranh tài ở vòng chung kết. Ban tổ chức đánh giá, ở vòng sơ khảo những bài thi về chủ quyền biển, đảo được đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham dự. Nhiều bài viết sinh động, công phu sưu tầm nhiều tư liệu qúy. Mặc dù là tỉnh có kinh tế còn khó khăn, không có biển nhưng được sự phối hợp của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, cùng sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương nên ngay từ khi phát động đã có sự lan tỏa rộng rãi. Từ cơ quan hành chính, đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn đến các trường học ở vùng sâu, vùng xa, thôn bản đều hưởng ứng với tinh thần, quyết tâm cao nhất.
Những ngày gần diễn ra vòng chung kết cuộc thi, khắp các ngả đường hướng về hội trường trung tâm TP.Kon Tum được trang hoàng cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về biển, đảo tạo không khí sôi nổi, hào hứng. Đồng chí Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, bà con nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Kon Tum phát huy truyền thống cách mạng, chung sức đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi đánh giá cao sự phối hợp của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp tổ chức cuộc thi ý nghĩa này”.
Thi chung kết, mỗi thí sinh có từ 5-7 phút để trình bày (báo cáo, thuyết trình kết hợp trình chiếu hình ảnh minh họa) nội dung bài thi tự luận của mình. Nhất là thể hiện sự hiểu biết về biển, đảo và ý tưởng sáng tạo, giải pháp của cá nhân trong công tác tuyên truyền biển, đảo tại địa phương, đơn vị. Chị Y Kim Phước, Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum thuyết trình về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển và giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông. Bằng hiểu biết của mình, chị đã liên hệ vận dụng, đưa ra bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta. Phần thi này của chị được Ban giám khảo đánh giá cao.
Chị Y Kim Phước chia sẻ: “Cuộc thi thật ý nghĩa, nâng tầm hiểu biết của tôi về biển, đảo quê hương. Qua hội thi tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác tuyên truyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tôi mang tinh thần và kết quả của hội thi để tiếp tục truyền tải tình yêu biển, đảo trong từng giờ học, tiết học đối với học sinh nhà trường”.
Cuộc thi mỗi lúc một hấp dẫn. Phần thi sân khấu hóa của các thí sinh đều có sự chuẩn bị công phu. Nhiều đạo cụ và trang phục truyền thống, kết hợp với hoạt cảnh mang đậm sắc màu của biển cả và hình ảnh của các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua đó, đã tạo ra những hoạt cảnh rất cảm động cho người xem. Những tràng vỗ tay ròn rã cùng tiếng cười vui nhộn của khán giả sau mỗi phần thi cổ vũ thí sinh thi tốt. Chúng tôi cảm nhận được một không khí riêng có của hội thi chủ quyền biển, đảo trên mảnh đất Tây Nguyên.
Cũng tại hội thi, nhiều thí sinh đã chuẩn bị công phu về nội dung, cách thể hiện sinh động như hát, múa, kể chuyện, tiểu phẩm tuyên truyền. Anh Trịnh Ngọc Khối, Phòng Giáo dục, đào tạo huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum trình bày ấn tượng phần thi của mình ngay từ đầu. Anh trình bày nhiều giải pháp hiệu quả về trách nhiệm của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam. Nội dung được thể hiện qua tổ hợp ca múa kịch “Tổ quốc nhìn từ biển” giúp cho người xem thấy được khát vọng của tuổi trẻ vươn ra biển lớn trong thời hội nhập của đất nước. Đại tá Phạm Văn Phèn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: Sự phối hợp tổ chức thành công cuộc thi này cũng chính là sự đổi mới công tác tuyên truyền biển, đảo; gắn kết biên giới đất liền với hải đảo xa xôi.
Cuộc thi khép lại, mỗi thí sinh tham gia đã mang đến hội thi những cung bậc, cảm xúc chân thực và trải lòng mình cùng tình yêu biển, đảo quê hương thiết tha. Thành công của cuộc thi giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Kon Tum tiếp tục hướng về biển, đảo Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận