Tạo hành lang pháp lý, xây dựng ngành dầu khí vững mạnh

16:12 10-11-2021

VBĐVN.vn - Ngành dầu khí có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí, nên việc sửa đổi Luật Dầu khí đang là vấn đề cấp bách.

Nhiều quy định chồng chéo, bất cập

Phát biểu tại Tọa đàm “Luật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khí” do Báo Lao động và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức ngày 9-11, tại Hà Nội, ông Lê Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc PVN cho biết: "Luật Dầu khí ra đời năm 1993, qua hai lần sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008 đã hình thành khung pháp lý cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ, từ tìm kiếm thăm dò khai thác-phát triển công nghiệp khí-điện-chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, sự phát triển của đất nước và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển. Tuy nhiên, sự thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp dầu khí 10 năm trở lại đây khiến nhiều quy định trong Luật Dầu khí hiện hành không còn phù hợp; nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác".

Người lao động dầu khí làm việc trên công trình biển.

Đánh giá về hệ thống cơ chế, chính sách cho ngành dầu khí hiện nay, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nhận định: Hiện nay, Luật Dầu khí đang điều chỉnh cho hoạt động thượng nguồn (tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí). Đối với hoạt động của các khâu trung nguồn (vận chuyển, lưu trữ và phân phối dầu, khí) và hạ nguồn (chế biến, lọc, hóa dầu) đang điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác, như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại và các hướng dẫn thi hành nằm rải rác ở nhiều văn bản khác. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng.

Nhấn mạnh tới một trong những nguyên nhân khiến hoạt động tìm kiếm thăm dò, tìm nguồn bổ sung vào khai thác hằng năm cũng giảm nhiều so với giai đoạn trước là từ những khó khăn trong cơ chế, chính sách, Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho biết: "Dự báo từ năm 2022, sản lượng khai thác dầu khí trong nước sẽ sụt giảm mạnh nếu không kịp thời tăng cường tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí mới. Bên cạnh đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí cũng gặp khó khăn bởi chưa xây dựng được cơ chế bao tiêu sản phẩm để nhà đầu tư yên tâm “rót tiền” vào lĩnh vực đầy rủi ro này”.

Tại tọa đàm, các ý kiến cũng khẳng định ngành dầu khí là ngành có nhiều đặc thù, trong đó đặc thù lớn nhất là sự rủi ro. Bên cạnh đó, giá dầu thô phụ thuộc vào thị trường thế giới, thị trường thường xuyên có những biến động bất thường nằm ngoài dự báo của các tổ chức, tư vấn quốc tế thì chi phí cho công tác tìm kiếm thăm dò rất cao, nhưng kết quả giống như “mò kim đáy biển”. Cùng với đó, không phải giếng khoan nào cũng có trữ lượng dầu, khí thương mại. Phân tích rõ về điều này, ông Trần Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương, cho biết: "Với đặc thù hoạt động trên biển, khi khoan 10 giếng thì may ra được 1-2 giếng phát hiện có dầu, khí. Vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, cùng với những hạn chế liên quan đến hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC); thời hạn giai đoạn của tìm kiếm thăm dò; quy trình phê duyệt để khai thác sau khi có các phát hiện dầu khí; đặc biệt là cách tính thuế, dẫn đến lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí hiện nay khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài”.

Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tính đến đặc thù của ngành dầu khí

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) bao gồm 10 chương và 69 điều; trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách quan trọng như: Hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí; quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; quy định việc cho phép bên thứ 3 tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí...

Người lao động dầu khí làm việc trên công trình biển.

Góp ý vào dự thảo luật, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: "Cần xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) một cách bao quát, cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo với các luật khác. Lần sửa đổi luật này phải hướng tới mục tiêu các nhà đầu tư trong và ngoài nước chỉ cần đọc và làm theo hướng dẫn tại luật này là có thể yên tâm triển khai nhanh, hiệu quả các dự án dầu, khí”.

Theo ông Đoàn Văn Thuần, Viện Dầu khí Việt Nam: Hoạt động dầu khí tại Việt Nam đang có quá nhiều cơ quan cùng tham gia vào hoạch định chính sách và phê duyệt các quy trình liên quan. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Dầu khí, cần đơn giản hóa các thủ tục với các dự án dầu khí, nhằm phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế.

Đề cập về các giải pháp chặn đà suy giảm sản lượng khai thác dầu khí, ông Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị: Cần có cơ chế, chính sách trong việc trích lập dự phòng rủi ro cho hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí. “Nếu không có tìm kiếm thăm dò dầu khí thì không thể gia tăng trữ lượng, gia tăng sản lượng khai thác dầu khí. Đồng nghĩa không có tương lai phát triển cho ngành dầu khí, cho PVN”, ông Trần Văn nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc sửa đổi Luật Dầu khí, ông Lê Ngọc Sơn cho biết, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp trong tập đoàn. Trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn Bộ Công Thương trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí, PVN đã gửi ý kiến đóng góp dự thảo luật với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của luật.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang