Tết đoàn viên của những người lính đảo

10:12 11-03-2020

Với những chàng lính trẻ tuổi tròn đôi mươi vừa xuất ngũ, Tết này sẽ là cái Tết đầu tiên được sum vầy bên gia đình sau 2 năm quân ngũ. Khi trở về mái ấm gia đình, ai trong số họ lại cảm thấy nhớ về đồng đội, nhớ cái nắng thao trường, nhớ những đêm giao thừa ngoài đảo xa.

Trở về từ nơi đầu sóng

Bà Huỳnh Thị Gái Chút, mẹ của chiến sĩ Nguyễn Trường Đạt, đóng quân ở đảo Song Tử Tây, cảm thấy rất tự hào về con trai và chia sẻ: “Thằng Đen (tên gọi ở nhà của Đạt) sau 2 năm đi lính giờ rắn rỏi, chững chạc lắm”. Chung niềm vui với vợ, nhưng ông Nguyễn Văn Lúc (bố em Đạt) lại có cách tự hào riêng về con trai. Dù 2 năm phải xa con, nhưng gia đình luôn xác định, trách nhiệm với Tổ quốc, trách nhiệm với chủ quyền của đất nước là trên hết. Những tình cảm đó không thấm vào đâu so với các thế hệ đi trước đã cống hiến xương máu ở quần đảo Trường Sa. “Sau 2 năm con hoàn thành nghĩa vụ ở hải đảo trở về, gia đình được đoàn viên thật sự là vui mừng khôn tả. Mong những đồng đội của con cũng có cái Tết đầm ấm như vậy”, ông Lúc nói.

Chiến sĩ Nguyễn Trường Đạt cùng bố chỉnh sửa cây mai chuẩn bị đón Tết.

Còn về phần Đạt, ngay khi về gia đình, việc đầu tiên mà em làm là đi sắm đồ Tết cho bố mẹ, quần áo mới cho em gái. Ngồi gấp lại bộ quân phục vừa mới giặt, Đạt vui vẻ tâm sự: “E đi lính 2 năm, nên cây cối trong nhà ít có người chăm sóc. Năm nay về nhà em sẽ tự tay làm hết. Ngoài ra, xuất ngũ được một số tiền kha khá, nên năm nay em sẽ lo sắm Tết cho gia đình và dành ra một ít để học nghề”.

Giống như Đạt, với nhiều chiến sĩ trở về từ Trường Sa, cái Tết đầu tiên sau khi xuất ngũ, các em đều tự tay lo dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa cho gia đình. Sau một thời gian dài công tác nơi đảo xa, những chàng lính trẻ đã quen với sóng gió, trở về lại gia đình, mọi thứ đều như mới mẻ. Từ thói quen ăn uống đến giờ giấc sinh hoạt đều phải thay đổi để phù hợp với nhịp sinh hoạt chung của gia đình. Trung sĩ Trịnh Quốc Anh (quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) từng đóng quân tại đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: “Xa nhà một thời gian, giờ trở về với gia đình nhiều thứ em phải làm quen lại từ đầu cho phù hợp với nhịp sinh hoạt thường nhật. Mỗi chuyện nấu cơm bằng nồi cơm điện mà hôm đầu tiên em phải loay hoay mãi vì đã 2 năm nay bọn em chỉ quen nấu cơm bằng chảo gang, bếp dầu”.

Nỗi nhớ mang tên Trường Sa

Với những chàng lính trẻ mới rời xa quân ngũ, cái Tết đầu tiên, họ sẽ rất nhớ đồng đội, nhớ đêm giao thừa ngoài đảo xa. Chiến sĩ Nguyễn Xuân Tuyền (quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) từng đóng trên đảo Trường Sa Lớn tâm sự, đối với lính đảo, Tết ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa, giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở đó, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng, hy sinh của lính đảo hòa vào sóng nước. Nếu trong đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng quả vuông. “Bây giờ, các đảo đều có lá dong đem từ đất liền ra để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng quả vuông vẫn thấy thiêng liêng hơn. Trong mỗi cái bánh chưng ấy có tinh thần thép của người lính đảo”, Nguyễn Xuân Tuyền cho biết.

Binh Nhất Nguyễn Trường Khang (sinh năm 1999, quê Hải Hậu, Nam Định, công tác trên đảo Nam Yết) ngay trên chuyến tàu về đất liền đã cảm thấy nhớ đảo, nhớ đồng đội. Em bộc bạch, được đón xuân giữa mênh mông biển trời của Tổ quốc, trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào, xúc động; tự hào bởi được canh trời, giữ biển cho đất liền vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin tuyệt đối. “Đây là lần đầu tiên em được đón Tết cùng gia đình sau cuộc đời quân ngũ. Có lẽ em sẽ rất nhớ cái Tết ở Trường Sa, được tham gia gói bánh chưng, quây quần bên đồng đồng chí, đồng đội. Với em, cái Tết Trường Sa thật thiêng liêng. Giữa bốn bề sóng nước nhưng có những ngày xuân ấm tình đồng đội khiến em vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ cái Tết truyền thống bên gia đình người thân. Về với gia đình, em lại thấy nhớ đồng đội đang canh giữ biển trời quê hương. Mong các bạn tiếp tục vững tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng của Tổ quốc”.

Những dự định cho tương lai

Đa phần các chiến sĩ vừa mới xuất ngũ khi được hỏi về dự định cho tương lai thì ai cũng đã có những dự định cho riêng mình. Các chàng lính trẻ ở miền Bắc thường chọn đi xuất khẩu lao động hoặc học các nghề truyền thống, còn những chiến sĩ ở các tỉnh miền Nam lại muốn học nghề bếp và các nghề liên quan đến dịch vụ du lịch. Tuy thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự không dài, nhưng trong thời gian tại ngũ, các chiến sĩ đã được rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai, ý thức tổ chức kỷ luật, nền nếp tác phong chính quy. Ngày xuất ngũ trở về địa phương, họ không chỉ đón nhận tình cảm đầm ấm từ gia đình, bạn bè mà còn nhận được sự đón tiếp chu đáo, sự hỗ trợ của cơ quan quân sự, cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt là việc phối hợp với các trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức gặp mặt, tư vấn học nghề và việc làm cho các quân nhân xuất ngũ để sớm ổn định đời sống.

Được đóng quân tại huyện đảo Trường Sa chính là kỷ niệm thời tuổi trẻ đáng nhớ đối với mỗi quân nhân.
Chiến sĩ Lê Hoài Thao (quê ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) từng đóng quân trên đảo Nam Yết cho biết: “Trước ngày xuất ngũ, em được cấp thẻ học nghề miễn phí và được cơ quan quân sự, chính quyền địa phương, các trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp tổ chức tư vấn hướng nghiệp. Em đã chọn được cho mình một nghề phù hợp, dự định đón Tết xong tôi sẽ đăng ký học nhằm sớm tìm được việc làm, ổn định đời sống”.

Trong khi đó, chiến sĩ chiến sĩ Nguyễn Trường Đạt (từng đóng quân ở đảo Song Tử Tây) và Trịnh Quốc Anh (từng đóng quân tại đảo Sinh Tồn Đông) thì mong muốn sau này sẽ trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp để phục vụ tại một khu nghỉ dưỡng cao cấp. “Làm bếp là nghề mà em yêu thích từ nhỏ. Những ngày tháng trong quân ngũ, được tham gia nấu ăn cho đồng đội càng hun đúc niềm say mê nghề bếp của em. Em sẽ quyết tâm theo học nghề này để làm hành trang cho cuộc sống sau quân ngũ”, Nguyễn Trường Đạt tâm sự.

Theo qdnd.vn

Nguồn:qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang