Thái Bình nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” IUU

15:16 30-06-2021

VBĐVN.vn - Là một trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển, với đường bờ biển dài 54km, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cho các chủ tàu cá thực hiện tốt 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), góp phần từng bước cùng với cả nước sớm tháo gỡ “thẻ vàng”, đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững của địa phương.

Tỉnh Thái Bình có 2 huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải với trên 3.400 lao động làm ăn trên biển. Tận dụng lợi thế từ biển, tỉnh Thái Bình luôn xác định mục tiêu xây dựng khu vực ven biển trở thành trọng điểm về kinh tế. Thực tế cho thấy, những năm qua nhiều ngư dân tỉnh Thái Bình đã làm giàu từ biển. Tính riêng năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt trên 91.500 tấn (tăng 32,6% so với năm 2016), giá trị sản xuất đạt gần 1.400 tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, sau khi ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng IUU vào tháng 10-2017, tỉnh Thái Bình đã thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu cá, ngư dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về khai thác thủy hải sản, các văn bản hướng dẫn và khuyến nghị của EC.

Ảnh minh họa. (thaibinhtv.vn)

Là một trong những chủ tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Quyết định 3682/QĐ-UBND ngày 31-12-2020 của UBND tỉnh Thái Bình, anh Đào Ngọc Dũng (chủ tàu cá TB 90015 TS, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) cho biết, tàu của anh hiện có công suất 530CV, chiều dài 20m. Sau khi được tuyên truyền, vận động và nhận được cơ chế của UBND tỉnh với mức hỗ trợ 70% kinh phí, năm 2021, anh Dũng chỉ phải chi trả 10 triệu đồng để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Theo anh Dũng, việc lắp thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều lợi ích, giúp tàu không xâm phạm vùng biển nước bạn và đặc biệt, khi gặp tai nạn, mưa bão hay sự cố trên biển cần sự giúp đỡ, thiết bị sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí của tàu cá nhanh và chính xác hơn, giúp giảm thiểu thiệt hại mức tối đa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, trên địa bàn hiện có 188 tàu có chiều dài từ 15m trở lên; trong đó có 164 tàu có chiều dài từ 15 - 24m, 24 tàu có chiều dài trên 24m. Đến nay, 176 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 165/176 tàu cá hiển thị trên hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.

Từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đã phát hiện 77 lượt tàu cá có chiều dài từ 15 - 24m mất kết nối, vi phạm vùng biển nước ngoài được xác định qua hệ thống giám sát thiết bị hành trình. Nguyên nhân được xác định mất kết nối chủ yếu do tàu nằm bờ hoặc tàu bị trôi neo. Ngoài ra, theo thông báo của Tổng cục Thủy sản có 7 lượt tàu cá mất kết nối hoặc vi phạm vùng biển nước ngoài, do thiết bị giám sát hỏng, tàu di chuyển cắt qua ranh giới biển, đồng thời chưa ghi nhận trường hợp tàu cá của tỉnh Thái Bình vi phạm vùng biển nước ngoài bị các nước bắt giữ.

Ảnh minh họa. (thaibinhtv.vn)

Bên cạnh các hoạt động giám sát qua thiết bị giám sát hành trình, tỉnh Thái Bình kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Cụ thể, năm 2020 lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đã xử phạt 25 trường hợp với tổng số tiền nộp phạt 158,5 triệu đồng; từ đầu năm 2021 đến nay xử phạt 11 trường hợp với sồ tiền 74,6 triệu đồng với các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng điện để khai thác thủy sản, không đánh dấu nhận biết hoặc đánh dấu sai quy định với tàu cá từ 12 - 15m, thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ tàu cá…

Điển hình, qua kiểm tra, ngày 3-11-2020, lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đã lập biên bản, quyết định xử phạt 25 triệu đồng với tàu cá mang số hiệu HP 0130 TS do ông Nguyễn Văn Hậu (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng) làm chủ đã có hành vi vi phạm khi khai thác sai vùng biển cho phép đối với tàu cá dưới 12m và tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản. Đây cũng là mức xử phạt cao nhất đối với tàu cá trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến nay, thể hiện tính răn đe của pháp luật đối với những hành vi cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến quy định và mục tiêu chung.

Theo ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nỗ lực cùng với cả nước chuyển từ “thẻ vàng” IUU sang “thẻ xanh”, song tỉnh Thái Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn như ý thức của ngư dân trong việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản vẫn chưa cao, không ghi chép đầy đủ theo quy định.

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn có 2 cảng cá là cảng cá Tân Sơn (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) và cảng cá Cửa Lân (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải) đang hoạt động; trong đó cảng cá Tân Sơn xuống cấp, bồi lắng, chưa được nạo vét, tàu cá khó ra vào cảng, dẫn đến khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản qua cảng. Từ đầu năm 2021 đến nay, gần 3.100 lượt tàu vào cảng cá Cửa Lân bốc dỡ thủy sản, riêng cảng Tân Sơn các tàu chỉ vào neo đậu, không bốc dỡ thủy sản qua cảng này.

Mới đây, ngày 14-4-2021, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết định công bố mở cảng cá Cửa Lân là cảng cá loại II, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cảng cá loại II với cảng Cửa Lân, chỉ định cho tàu cá từ vùng khơi trở ra cập cảng. Sau khi được công bố với đầy đủ điều kiện, việc kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản qua cảng và truy xuất nguồn gốc thủy sản tại Thái Bình theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu kỳ vọng sẽ được thực hiện tốt hơn, góp phần cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” IUU.

Văn Nam (theo TTXVN)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang