Thân thương Trường Sa

14:49 16-05-2022

VBĐVN.vn - Từ lâu, trong tôi biển, đảo chỉ hiển hiện qua sách báo, phim ảnh, lời kể và những chuyến du lịch biển... ven bờ.

Đời quân ngũ của tôi chỉ gắn bó nhiều năm ở hai nơi là biên giới Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc. Về đời thường đã nhiều năm, mới đây, nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi được cùng đoàn công tác Hà Nội thăm quân và dân Trường Sa-nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Một chuyến đi của người sắp ở ngưỡng cửa “xưa nay hiếm” với bao xúc cảm, từ ngỡ ngàng đến tự hào, tin yêu...

Từ đất liền thân thương

Một chiều giữa tháng tư, nắng như đổ lửa. Mặc dù Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn thông báo khu vực Khánh Hòa bị ảnh hưởng bởi đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, nhưng hơi nóng vẫn sực lên trên sân cảng. Sóng biển cao gần 3m. Con tàu KN-491 chở Đoàn công tác số 4 do Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn như nặng trĩu tình người từ đất liền bắt đầu rú còi, từ từ rẽ sóng, tiến ra đảo. Sau gần 40 tiếng đồng hồ vượt trùng khơi, khi bình minh hé lên từ mặt biển, chúng tôi đã bước chân lên đảo Song Tử Tây. Điều ngỡ ngàng trong tôi là giữa biển cả mênh mông, đảo hiện lên hiền hòa như một làng quê với những căn nhà mái ngói, những bóng cây phong ba, cây bàng quả vuông, cây tra... cùng những vườn rau xanh mỡ màng. Trên đảo có sân vận động rộng gần bằng sân bóng đá, phía trước là cột cờ Tổ quốc.

Được tin đoàn công tác đến thăm, quân và dân trên đảo đã ùa ra đón chào chúng tôi như đón người thân lâu ngày gặp lại. Sau ít phút nghỉ ngơi, theo chương trình, đoàn công tác cùng quân dân đảo dự lễ chào cờ, thắp hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, trồng cây lưu niệm. Thủ trưởng Quân chủng Hải quân, các đoàn Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Ninh Bình... lần lượt tặng quà quân và dân xã đảo anh hùng.

Đoàn công tác Hà Nội giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang.

Cùng Đoàn công tác số 4 thăm, động viên quân dân Trường Sa lần này ở 9 đảo: Song Tử Tây; Đá Nam; Đá Lớn; Sinh Tồn; Núi Le B; Tốc Tan A; An Bang; Đá Đông C; Trường Sa và Nhà giàn DK1/17, đoàn Hà Nội mang theo tình cảm, những món quà ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, như: Tổ chức khánh thành công trình Nhà văn hóa đa năng tại đảo Núi Le B do Hà Nội trao tặng, trị giá 40 tỷ đồng; phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân thực hiện công trình Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông C-công trình thứ 10 mà Thủ đô dành tặng quân và dân quần đảo Trường Sa, với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.

Các đơn vị của Thủ đô còn mang tới Trường Sa những món quà ý nghĩa. Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đã trao tặng quân và dân các đảo 10 tủ cấp đông, 10 chiếc ti vi và 10 bộ dàn karaoke. Các quận, huyện: Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Oai, Hoài Đức cũng mang ra Trường Sa những đặc sản của quê hương như chè sen, kẹo lạc, ô mai, bánh chưng... Tại đảo Trường Sa, đại diện quận Cầu Giấy đã trao “Nhà đồng đội” trị giá 100 triệu đồng tặng quân nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, trước chuyến công tác Trường Sa, Thành đoàn Hà Nội đã phát động Phong trào “Thư gửi nơi đảo xa” đến giáo viên và học sinh các trường tiểu học tại Hà Nội. Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân vui mừng kể với tôi: “Rất nhiều bức thư, bưu thiếp, tranh vẽ, bài thơ... đầy ắp tình cảm thương mến, tin yêu, tự hào của các bạn nhỏ Thủ đô được gửi đến cán bộ, chiến sĩ và thầy trò nơi đảo xa. Chúng tôi đã chọn được hơn 200 tác phẩm đẹp, ý nghĩa trao tặng các đảo, điểm đảo và nơi nào cũng đón nhận với tình cảm rất xúc động”.

Trân trọng những tình cảm mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô dành cho Trường Sa, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng cho biết, Hà Nội đã đóng góp, hỗ trợ nhiều dự án, công trình ý nghĩa. Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 9 công trình cùng nhiều trang thiết bị trị giá khoảng 450 tỷ đồng. Những hỗ trợ này không chỉ mang giá trị vật chất to lớn mà còn là những hành động thiết thực thể hiện tình cảm, niềm tin của Hà Nội với Trường Sa.

Đến người lính đảo kiên trung

Vượt qua một hành trình dài, con tàu đưa chúng tôi đến đảo Trường Sa. Không khí nơi đây khá nhộn nhịp. Nhiều nhà được xây dựng khang trang, thể hiện rõ sắc thái của một thị trấn. Trên đảo có các công trình: Nhà đèn, nhà dân, Bệnh xá-Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, chùa, Trạm Khí tượng Thủy văn, Nhà khách Thủ đô, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ...

Tại trụ sở làm việc, tôi gặp một cán bộ còn trẻ, quê Thanh Hóa, với phong thái điềm đạm. Đó là Trung tá Nguyễn Công Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đảo. Chính trị viên Nguyễn Công Chính đã nhận nhiệm vụ ở đây được một năm. Anh cho biết, bộ đội và nhân dân trên đảo rất gắn bó, đặc biệt là việc bộ đội giúp đỡ ngư dân chữa trị bệnh đột xuất, sửa chữa tàu, đánh bắt hải sản. Tôi hỏi: “Công tác chính trị-tư tưởng ở đây đặt ra những yêu cầu cụ thể thế nào?”. Anh Chính vui vẻ trả lời: “Ở đảo Trường Sa, vấn đề quan trọng hàng đầu là toàn đơn vị luôn chủ động, cảnh giác, không để xung đột, bị động, bất ngờ; giữ vững môi trường hòa bình; nắm chắc tình hình để xử lý theo đúng phương châm, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội. Muốn vậy, tất cả cán bộ, chiến sĩ phải được giáo dục, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết. Chúng tôi luôn xác định rõ trách nhiệm để cùng nhau giữ gìn, xây dựng biển, đảo Tổ quốc ngày càng vững mạnh”.

Vậy là bản lĩnh và ý chí bảo vệ biển, đảo luôn là điều quan trọng hàng đầu mà Chính trị viên đảo Trường Sa luôn tâm huyết. Điều này khiến tôi nhớ lại trước đó ít ngày vừa đặt chân lên đảo An Bang. Tại đây, tôi gặp Đại úy Trần Văn Vinh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Vinh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 năm 2010, có nhiều năm công tác ở Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 101 (Vùng 4 Hải quân). Anh ra đảo được hơn một năm. Vợ con anh ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Hai cháu còn nhỏ, cháu đầu sinh được 3 tháng anh mới về phép. Anh kể, có đêm sau khi dậy kiểm tra chiến sĩ gác, đặt mình xuống giường mãi không ngủ được vì biết tin mẹ anh bị ốm... Vinh cho biết thêm, chiến sĩ ở đảo còn trẻ, đang tuổi ăn tuổi ngủ, nên chỉ huy càng phải quan tâm kiểm tra, đôn đốc anh em trong lúc làm nhiệm vụ. Có lần kiểm tra, chính Vinh đã phát hiện một chiến sĩ bị cảm đột ngột trong lúc đang gác, phải thay ngay. Các chiến sĩ khi bị mệt thường giấu, cố làm xong nhiệm vụ, không muốn nói ra vì sợ ảnh hưởng đến đồng đội. Chỉ huy đơn vị đã nhắc nhở anh em không được “lặng im” như vậy.

Những lời chia sẻ của Vinh đã khiến tôi xúc động vì tinh thần trách nhiệm cao cả của cán bộ, chiến sĩ nơi biển, đảo.

Ở đảo Song Tử Tây, tôi gặp Thượng úy QNCN Hồ Văn Võ, nhân viên kỹ thuật, quê ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Thoạt nghe tên, tôi tưởng Võ là người miền Trung, với dáng người chắc khỏe, ánh mắt cương nghị, giọng nói hơi nặng. Võ đã có 19 năm gắn bó với Vùng 4 Hải quân và 5 lần thay phiên làm nhiệm vụ trên 5 đảo. Cuối năm 2021 nhận nhiệm vụ ra đảo này, Võ đã cùng đơn vị vượt qua những khó khăn về bảo đảm công tác kỹ thuật trong trận bão lịch sử. Gần 40 tuổi, vợ chồng anh có hai con gái còn rất nhỏ, cháu lớn học lớp 1, cháu thứ hai học mẫu giáo. Võ vui vẻ kể: "Em làm công tác kỹ thuật, trong bất cứ việc gì cũng không để trục trặc ảnh hưởng đến nhiệm vụ, kể cả việc giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển; còn chuyện gia đình đôi khi gặp khó khăn thì đã có vợ và những người thân lo giúp. Thời nay công nghệ thông tin hiện đại, chúng em “nắm và bàn việc” gia đình cũng không khó lắm". Nghe Võ nói tôi suýt bật cười. Vậy là đồng chí này đã từng “chỉ đạo vợ từ xa” bằng điện thoại. Lính kỹ thuật có khác!

Hôm ở đảo Đá Nam, khi nắng chiều dịu hơn, tại vườn rau nhỏ chừng 40m2, tôi gặp Hạ sĩ Đoàn Trọng Đạo, quê ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đạo nhập ngũ năm 2021, đầu năm nay được nhận nhiệm vụ ở Tổ bộ binh. Với giọng hồn nhiên, vừa cầm ô roa tưới rau, Đạo vừa kể, khi mới ra đảo, thấy sóng to gió lớn cũng sợ, nhưng chỉ sau vài ngày là quen. Nhìn vườn rau xanh tốt, tôi mừng rỡ. Những ngọn mồng tơi vươn cao, những lá rau cải xòe rộng, những đám rau muống, rau má, rau ngót... xanh mơn mởn. Theo lời Đạo, có được vườn rau này, bộ đội phải chắt chiu từng giọt nước mưa để tưới cho rau, xung quanh vườn bịt kín tôn và ni lông ngăn gió, ngăn muối. Mỗi khi đảo có cán bộ đi phép, ai cũng nhớ mang theo các loại hạt giống củ, quả từ đất liền ra để trồng vào vườn.

Thăm, tặng quà quân và dân đảo Sinh Tồn, tôi gặp Trung úy Nguyễn Văn Khôi, trợ lý hậu cầu, còn rất trẻ, nước da trắng trẻo, dáng thư sinh, chưa vợ con. Khôi quê ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Tốt nghiệp Học viện Hậu cần, Khôi ra trường, gắn bó với đảo đã gần 3 năm. Được nhận nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió, theo Khôi là rất đúng ý nguyện. Tôi hỏi Khôi: “Vừa nghe chỉ huy đơn vị cho biết, quân số khỏe luôn đạt hơn 99%, là cán bộ hậu cần, Khôi có ý kiến gì không?”. Khôi cho biết: "Đúng vậy anh ạ. Công tác hậu cần ở đây, trước hết em luôn cùng tập thể phục vụ bảo đảm tốt sức khỏe cho bộ đội. Để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, hằng ngày em hướng dẫn nuôi quân tích cực chế biến các món ăn, mỗi bữa luôn có từ 3 món trở lên. Tận dụng điều kiện trên đảo, em đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy tập trung trồng các loại rau xanh và chăn nuôi để tăng thêm nguồn thực phẩm đưa vào bữa ăn của đơn vị".

Trò chuyện với Khôi xong, tôi dạo quanh trên đảo, phóng xa tầm mắt ngắm thỏa thích trời, biển. Sóng ào ạt đổ về. Trời lộng gió. Nơi đây có vẻ đẹp của một làng quê. Những bóng cây vươn cao, che mát cho những căn nhà mới. Từ nhà ở đến nhà làm việc, khu vệ sinh... đâu đâu cũng gọn gàng, sạch đẹp. Những chiến sĩ trẻ trong bộ quân phục Hải quân trông khỏe khoắn, nét mặt trang nghiêm, chắc tay súng trước biển trời Tổ quốc.

Ngày chúng tôi rời Nhà giàn DK1/17, mặt biển có lúc phẳng như gương. Sóng nước trở nên êm nhẹ hơn, nhưng trong tôi lại trào dâng xúc cảm khó tả và gợi lên lời của đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng đoàn công tác Hà Nội. Dù đây là lần thứ ba ra thăm Trường Sa nhưng ông vẫn không giấu nổi sự xúc động: “Tận mắt chứng kiến những gian nan vất vả của quân và dân Trường Sa, đoàn chúng tôi mang đến đây những tình cảm sâu sắc của mỗi người dân Thủ đô cũng như của các tỉnh, đơn vị và mang về niềm tin vững chắc rằng chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ được quân dân nơi đây gìn giữ trọn vẹn”.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang