Thêm động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi
Mô hình dân vận “Cảnh sát biển (CSB) đồng hành với ngư dân” được lực lượng CSB triển khai thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên các vùng biển, đảo cả nước thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Được ví như “nhịp cầu” kết nối mọi tổ chức, cá nhân cùng hướng về biển, đảo, mô hình đã thực sự góp phần tạo động lực vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, đảo làm ăn, phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Điểm tựa của ngư dân
Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về những việc mà lực lượng CSB đã đồng hành cùng bà con ngư dân trên địa bàn, ông Huỳnh Thế Điểu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cười lớn: “Tưởng chuyện chi chứ mấy chuyện về các anh CSB giúp đỡ, ứng cứu, đồng hành với bà con ngư dân, thì tôi có thể kể với các anh cả ngày cũng không hết. Có mấy gia đình trong xã Tam Quang này mà không có con em, người thân từng được các anh CSB ứng cứu, giúp đỡ đâu...”.
Nói rồi, ông dẫn chúng tôi tới nhà ngư dân Nguyễn Tấn Ninh ở thôn An Hải Đông. Trong ngôi nhà mái bằng khang trang, ông Nguyễn Tấn Ninh kể với chúng tôi: Ngày 6-6 vừa qua, tàu cá của ông mang số hiệu QNa 9044TS, đang hành nghề câu mực cách Tây Nam đảo Sinh Tồn Đông (Trường Sa, Khánh Hòa) khoảng 5 hải lý thì gặp sự cố, khiến ông Ninh cùng 3 ngư dân trên tàu bị thương nặng. Thuyền trưởng của tàu phát tín hiệu cấp cứu và chỉ hơn một giờ sau, tàu CSB 8005 thuộc Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 (đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển) đã cơ động đến, đưa 4 ngư dân bị nạn lên tàu để cấp cứu và đưa về bờ an toàn.
Câu chuyện của ông Nguyễn Tấn Ninh và các ngư dân của tàu QNa 9044TS gặp nạn trên biển chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã được lực lượng CSB ứng cứu kịp thời trong những năm vừa qua.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Bộ tư lệnh CSB Việt Nam cho biết: Đến nay, Ban Thường vụ Đảng ủy CSB đã ký kết phối hợp thực hiện mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy của 12 tỉnh, thành phố ven biển và đã thực hiện tại 13 xã, huyện đảo. Sau hơn 3 năm thực hiện mô hình “CSB đồng hành với ngư dân”, lực lượng CSB tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 11.700 lượt cán bộ, ngư dân; tổ chức 13 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại các trường trung học cơ sở của các xã, huyện đảo, với hơn 7.600 lượt thầy, cô giáo, học sinh và cán bộ các địa phương tham gia; in ấn và cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi, 1.250 sổ tay pháp luật nhằm nâng cao kiến thức về biển, đảo Việt Nam, về Luật Biển Việt Nam, luật biển của các nước có vùng chồng lấn, vùng biển giáp ranh, giúp ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản. Các đơn vị đã tổ chức gần 100 lượt phương tiện tàu, xuồng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu được 497 thuyền viên, 17 phương tiện tàu thuyền, tìm vớt 19 thi thể (trong đó có 4 phương tiện và 34 thủy thủ tàu nước ngoài); lai dắt 361 tàu cá của ngư dân vào khu vực neo đậu an toàn; ứng cứu kịp thời nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu...
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, việc phối hợp chặt chẽ và đồng hành của lực lượng CSB thời gian qua đã có tác động tích cực đến công tác quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, đánh bắt hải sản... Đặc biệt, việc ký kết quy chế phối hợp giữa Thường vụ Đảng ủy CSB và ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành công tác quản lý việc làm ăn, chấp hành pháp luật tại các vùng biển, đảo. CSB có lực lượng trực, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình quốc phòng, an ninh, hoạt động đánh bắt của bà con ngư dân ngoài biển, giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương kịp thời nắm bắt và chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ... Cùng với đó, sự hiện diện của tàu CSB Việt Nam trên các vùng biển của Tổ quốc thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển; kịp thời giúp đỡ ngư dân khi bị nạn...
Kết nối triệu trái tim cùng hướng về biển, đảo
Song song với các hoạt động nói trên, mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” còn là nhịp cầu kết nối hiệu quả giữa các tổ chức, cá nhân với bà con ngư dân tại các vùng biển, đảo. Là người đã trực tiếp tham gia 8 chuyến đồng hành cùng lực lượng CSB đến với bà con ngư dân, ông Đặng Toàn Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ngôi Sao Việt chia sẻ: “Mô hình “CSB đồng hành với ngư dân” do Bộ tư lệnh CSB Việt Nam tổ chức không chỉ giúp cán bộ, nhân viên công ty chúng tôi mà còn nhiều tổ chức, cá nhân khác cùng có điều kiện được đến với quân và dân các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Qua đó, giúp nhiều người thấu hiểu những khó khăn, vất vả cùng những khát vọng, ý chí kiên cường quyết tâm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió của quân và dân ta, nhằm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, giúp lan tỏa thêm nhiều tấm lòng cùng hướng về biển, đảo Tổ quốc bằng những hành động, việc làm thiết thực. Kể từ khi được tham gia chuyến đồng hành đầu tiên vào năm 2017 đến nay, cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Ngôi Sao Việt chúng tôi đã quyên góp, vận động các đối tác ủng hộ kinh phí mua được 6 máy phát điện trang bị cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên một số đảo chưa có điện lưới...”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thông qua các chương trình hoạt động của mô hình “CSB đồng hành với ngư dân”, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị-xã hội đã ủng hộ nhiều hiện vật cùng số tiền hàng chục tỷ đồng. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, các nhà hảo tâm đã đóng góp cùng lực lượng CSB mua 200 xe đạp tặng các học sinh nghèo học giỏi; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.000 lượt ngư dân nghèo; trao 3.000 cờ Tổ quốc, 400 tủ thuốc, túi cứu thương, 800 áo phao tặng ngư dân trên tàu cá; vận chuyển và tặng 3.140m3 nước ngọt, 700 bình (loại 20 lít) nước uống tinh khiết; tặng 37.540 khẩu trang các loại, gần 4.500 chai nước rửa tay kháng khuẩn, hơn 4.800 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống hạn mặn và dịch Covid-19.
Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, trong những năm tới, việc quan tâm chăm lo xây dựng thế trận lòng dân trên biển, trong đó có mô hình “CSB đồng hành với ngư dân”, là một yêu cầu cấp thiết, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa mang tính lâu dài; là trách nhiệm của mọi cấp, ngành, tổ chức và của từng cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSB Việt Nam. Yêu cầu đặt ra cho lực lượng CSB trong thời gian tới là phải tìm được giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng để bảo đảm cho các hoạt động đạt được hiệu quả thực chất, huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng cùng chăm lo, để người dân yên tâm sinh sống, gắn bó với biển, đảo. Để mỗi con tàu của ngư dân hoạt động trên biển Việt Nam trở thành những cột mốc sống, tạo thành lũy thép nhiều tầng nhiều lớp, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng và an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận