Thiên đường chim hoang dã giữa đại dương: Bài 1: Duyên lành với hòn đảo độc đáo nhất Việt Nam
VBĐVN.vn - Quần đảo Côn Lôn (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đối với tôi là một sự đặc biệt trên nhiều lẽ. Ba mươi năm làm báo, khám phá ba bốn năm chục quốc gia, nghĩa là sống cái đời bạt gió làm báo “đi và viết” tưởng như đến tận cùng rồi đấy; Đi Trường Sa cũng qua khu vực Côn Lôn, bay trên giời đi đông đi tây cũng nhòm thấy Côn Đảo nhiều và đi Vũng Tàu nghe biển hát cũng nhiều lần rồi đấy; Nhưng mãi năm 2023, tôi mới lần đầu được tới khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses để bắt đầu hành trình Côn Đảo...
Của đáng tội, đời tôi chưa từng dám bỏ tiền thuê cái 5 sao nào “khủng” đến thế. Chẳng là, một bên tổ chức sự kiện về bảo vệ môi trường, họ có mời tôi và “Nam Tào” danh hài Xuân Bắc cùng dẫn chương trình. Tôi ở chung một khu villa tràn hiên ra ngoài sóng biển với PGS, TS Nguyễn Chu Hồi.
Chỗ ấy, mỗi vật dụng ngoài hiên nhà đều được thiết kế mang hình một loài sinh vật biển (tôi e rằng) đẹp hơn cả ở ngoài thật: miếng xốp lau giày y hệt con nhím biển, bảng chỉ dẫn vào khu nhà hình con cá lộng lẫy sắc màu.
Người ở quê ra, từng sống xa hoa ở châu Âu, châu Mỹ và “ối giời ơi” các quốc gia giàu có khác, nhưng dịch vụ chu đáo như nơi này thì lần đầu tiên tôi trải nghiệm. Gió biển tươi trờm nghịch, cửa nào cũng bị “gõ”, ẩy ào ào mỗi đêm khuya. Bữa đến, mỗi suất ăn được bày ra bờ biển kèm theo nghệ thuật sắp đặt tưng bừng, bày biện đến nao lòng. Tôi táy máy kiểu Mr Bean xoay ngó thử: hóa ra, đầu bếp công phu viết cả tên tôi, ghi danh lên đá núi hẳn hoi, đặt bên mỗi món mới. Hẳn rồi, Mr Bean nhí nhố nhanh tay đút vài “bảng vàng bia đá” mang tên mình bỏ vào túi áo hộp của ký giả.
Tản mạn chút để nói về lý do tôi được mời ra đảo Hòn Trứng, nơi mà 100% du khách và người dân nói chung đều được khuyến cáo không nên “léo” lên, làm ảnh hưởng tới vạn vạn cá thể và vô thiên lủng trứng của 80 loài chim hoang dã - các “sứ giả bầu trời”. Hòn Trứng (đảo Trứng) được các sách du lịch, cả tài liệu đã công bố rộng rãi của chính Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo đều đã vinh danh là: Thiên đường chim lớn nhất không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Đông Nam Á.
Không ai đi đếm được, chỉ biết là cả một đảo đá không hề nhỏ giữa mênh mông Thái Bình Dương như thế - chúng tôi đã dùng cả ngày để leo núi, khám phá, chụp ảnh, quay phim, đi cùng lực lượng kiểm lâm cũng tận thấy: chim đậu kín mít, chờ chim bay lên mới nhìn thấy đá, cỏ và bề mặt đảo nói chung. Trứng chim xếp kín các hốc đá, nền đá bằng phẳng bờm xơm vài cọng rác khô. Chúng tôi phải dò dẫm, thận trọng cất từng bước, quan sát kỹ ba bề bốn bên mới dám đặt chân để tránh dẫm phải trứng và chim non. Anh Nguyễn Khắc Pho - Giám đốc VQG Côn Đảo (đơn vị quản lý Hòn Trứng) thì dặn tôi: “Nhà báo lên đảo nhớ đội mũ bảo hiểm, mũ đi xe gắn máy ấy. Vì chim bố chim mẹ, để bảo vệ tổ, bảo vệ trứng và con non, chúng bay như phi cơ, “bỗ” (mổ, tấn công) bùm bụp vào đầu mình đấy!”.
Đang xắm nắm điều hành cái hội thảo về bảo vệ môi trường sống cho xê-ri chương trình sang trọng mang tên “Sức sống”, thì tôi nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là Giám đốc VQG Côn Đảo. Anh bảo: “Tôi có bài tham luận, anh cho tôi biết sẽ dài bao nhiêu chữ và tôi nói trong bao lâu, tôi sẽ phải mặc vest hay trang phục của ngành kiểm lâm? Tôi trân trọng sự nghiêm túc, tính trách nhiệm ấy của ông Giám đốc National Park (Giám đốc Cục Công viên quốc gia Hoa Kỳ, đơn vị phối hợp tổ chức chương trình - BTV)”. Với niềm đam mê thiên nhiên của mình, chúng tôi sớm tìm được tiếng nói chung và coi nhau như anh em chỉ một năm sau đó. Anh Nguyễn Khắc Pho hơn tôi một tuổi, cũng hai con giai, cũng đứa đã đi làm, đứa còn học đại học. Anh mời tôi và Xuân Bắc về nhà anh nhậu, chị Lài (vợ anh), người trùng tên với bà ngoại tôi - nhân vật trữ tình trong nhiều tác phẩm của tôi, nên tôi nhớ tên chị rất nhanh.
Tôi bảo: từ ngày tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, nhất là sau thời gian bỏ núi tiền đi chụp ảnh các loài chim hoang dã, ước mơ lớn nhất của tôi trong khám phá thiên nhiên Việt Nam chỉ còn là… Đảo Trứng. Anh Pho nâng chén, băn khoăn khá lâu. Nghe tôi mô tả về Đảo Trứng, Xuân Bắc (người đã đi châu Phi vận động bảo tồn tê giác với tôi từ năm 2014) sừng sừng bốc lên. Tôi đi với, để tôi rủ bà xã và ba đứa nhỏ.
Đêm ấy, anh Pho gọi cho tôi. Mai anh đón. Tôi lo đặt taxi đưa ra bến thuyền, lo đồ ăn, lo máy móc và dụng cụ leo núi. Tôi gọi Xuân Bắc, Bắc bảo, tôi đưa vợ và đàn con đi luôn. Tôi gọi hỏi lại tên bến ca nô. Anh Pho bảo, cứ ở Six Senses, anh đến đón. Không phải lo gì. Tôi đoán, ông này lái ô tô đến đón.
Trời ạ, cứ như Lý Tiểu Nhị, Lý Tiểu Ngũ trong Thủy Hử ấy, sáng ra, mở rèm villa, thấy anh Pho phành phạch nổ máy ca nô, chống sào gọi vang. Anh mang cả cháu Nguyễn Khoa Đăng, chưa đầy 20 tuổi, cậu con trai thứ hai của anh chị, đang học ở Sài Gòn, về xứ của “chúa đảo” nghỉ hè. Khoa bảo, cháu đi vác chân máy cho chú Hoàng.
Tôi đi Đảo Trứng vài ba lần để chụp ảnh. Ơn trời, “chúa đảo” thích ảnh của tôi: ảnh đại bàng biển kiêu hãnh đứng trên đỉnh đá cao nhất của Hòn Trứng còn được anh tự đi in, phóng to, treo ở nhà. Anh còn cho người đắp hình các chú chim - theo đúng bức ảnh tôi đã chụp - bằng xi măng ở khu vực trụ sở Vườn. Và kĩ hơn, team khám phá Hòn Trứng của tôi còn được lãnh đạo đơn vị đề xuất gửi ảnh, làm thiết kế để in cuốn lịch Tết năm 2024 của VQG Côn Đảo, lịch toàn ảnh chim do chúng tôi chụp. Lịch được gửi tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, lãnh đạo tỉnh và đông đảo người yêu thiên nhiên cả nước. Tôi viết lời tựa (lời kết) cho bộ ảnh lịch bàn, 100% ảnh là chim chóc, các loài chim đẹp và quý ở đảo Hòn Trứng và Côn Đảo.
Tàu cao tốc đi vài chục phút là gặp các ngọn sóng cao hơn, vài người bắt đầu có dấu hiệu say sóng. Đoàn có anh Pho và con trai anh, tôi, gia đình Xuân Bắc, cùng các anh em kiểm lâm VQG và vài chú em chuyên nghề lắp đặt sửa chữa bảo hành camera giám sát an ninh. Sóng to, máy nổ giòn tan, tôi không tiện hỏi, thế nên càng thắc mắc: thợ điện đóm kĩ thuật với lại lắp camera an ninh thì ra đảo hoang làm gì?
ĐỖ DOÃN HOÀNG (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận