Thiên đường chim hoang dã giữa đại dương: Bài 3: Kho báu hoang sơ và chiếc bánh Bông Lan

07:45 10-06-2024

VBĐVN.vn - Cùng với đảo Trứng, hòn Bông Lan kế bên hòn Bảy Cạnh - với Trạm Hải đăng Bảy Cạnh cổ kính và nổi tiếng - cũng là một sân chim tuyệt vời…

"Không ai bước lên đảo"

Theo tài liệu, hòn Trứng chỉ rộng khoảng 2ha, nhưng hình dáng của nó đẹp lạ thường. Một nửa là vách đá dựng đứng cheo leo (hầu như người thường không thể leo lên được), một nửa là đảo đá dốc thoải, hơi nghiêng, được phủ bởi cây cối, gồm nhàu, dứa dại và một số loại dây gai. Tất cả các tài liệu trên internet, sách vở và cả quy định của huyện, tỉnh, của Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo đều nói rõ: bạn không được phép lên đảo Trứng, nếu không có giấy phép đặc biệt từ các đơn vị “đặc trách” quản lý. Bạn cũng không nên lên đó, vì có thể sẽ làm các loài chim sợ hãi, bỏ đi, hoặc chúng bị “sang chấn” rồi rủ nhau bỏ đi vĩnh viễn. Hoặc ít ra là bạn sẽ dẫm vỡ trứng chim, làm chết chim non, hoặc bạn mang dịch bệnh tới đó, hoặc dịch bệnh từ quá nhiều chim di cư sẽ lây lan sang bạn.

Có một chi tiết ám ảnh tôi, được một kiểm lâm “bám đảo” gần 30 năm trong khu vực này kể lại. Và sau câu chuyện là khuyến cáo: Nếu bạn ghé tàu thuyền, ca nô vào đảo, một số loài “thiên địch” của chim hoang dã từ thuyền bè có thể lên đảo, như mèo, chuột, rắn chẳng hạn. Chúng sẽ sinh sôi và ăn ráo mọi loại trứng chim và chim non (thậm chí cả chim bố mẹ). Chuyện này đã từng xảy ra và gây tuyệt diệt chim thú trên một số hòn đảo đặc biệt, không chỉ ở Việt Nam mà lịch sử tự nhiên thế giới đã ghi chép rõ. Trên nhiều tàu cá, rất hay có chó cảnh, mèo cảnh, chó mèo nhà; chuột, rắn, do tàu lớn nhiều ngóc ngách, tàu nằm lâu ở bến với nhiều cá tôm - thức ăn cho chuột. Nếu không cẩn thận, lúc tàu cập đảo, các loài háu ăn kia sẽ “đột nhập” Hòn Trứng qua cầu tàu để lên đảo.

Hòn Bông Lan

Ngoài đảo Trứng, Hòn Bông Lan kế bên hòn Bảy Cạnh - với Trạm Hải đăng Bảy Cạnh cổ kính và nổi tiếng - cũng là một sân chim tuyệt vời. Nhìn tổng thể, đảo như một chiếc bánh bông lan chìm một nửa dưới đáy biển (tương tự đảo Trứng, như quả trứng chim nổi một nửa trên mặt nước). Chúng tôi đi xuồng cao su từ đảo Bảy Cạnh sang, sóng lớn ụp kín cả xuồng, máy ảnh, máy quay chìm dưới nước biển (với hệ thống túi bảo vệ an toàn), rồi phải nhờ anh em canh giữ khu vực nuôi chim yến trên Hòn Bông Lan giúp đỡ mới trườn, bò trên các bờ đá trơn truội rêu để lên đảo. Hòn Bông Lan nhiều cây hơn Hòn Trứng, dẫu nhỏ hơn nhiều. Đá ở đây hình dáng đẹp và kỳ vĩ hơn, các hang nuôi yến thương phẩm của Côn Đảo tại đây rất sâu, phải lách người qua các cầu thang hẹp mới xuống được.
Nếu muốn quan sát và cảm nhận một thiên đường tuyệt diệu nhất Việt Nam của loài chim nổi tiếng nhan sắc và hiền lành: Gầm ghì rắng, rồi Nhàn hồng, nhàn mào thì hãy đến đây. Ở đảo Bảy Cạnh, Trạm phó Kiểm lâm, anh Kiên, dẫn chúng tôi luồn rừng cả ngày, các triền cây cổ thụ và các rừng cây bàng biển cuồn cuộn vươn mình trên đá tạo nên các “trảng đất bằng” mênh mông toàn cây bon-sai khổng lồ.

Yêu nhau.

Đây là nơi trú ngụ của loài bồ câu Nicoba lông màu xanh và màu ánh đồng mê hoặc, chúng có bộ lông dài kỳ ảo. Bức ảnh chúng tôi chụp Nicoba hôm đó đã được in vào lịch Tết Côn Đảo năm 2024. Ở Việt Nam, chỉ duy nhất Côn Đảo có sự hiện diện của “công chúa” “hoàng tử” tuyệt sắc Nicoba. Chỉ sự kiện kiểm lâm nơi này chụp mờ mờ được một chú Nicoba, mà báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy mực, các nhiếp ảnh gia chụp chim hoang dã “mật phục” khắp các hòn đảo. Rồi thành quả họ thu được cũng rộn sắc trên nhiều tờ báo lớn.

Có lần, đi Trường Sa về, sau cả nửa tháng lênh đêm nhà giàn, đảo chìm, đảo nổi, đêm ấy, quần đảo Côn Lôn hiện ra với một ngọn lửa khổng lồ, đỏ rực, hình cái phất trần, phần phật từ giếng dầu nào đó - Bạch Hổ, Đại Hùng chẳng hạn - cháy trong đêm. Đó là ngọn lửa lớn nhất mà tôi từng trông thấy.

Trong tôi chợt vang lên bài hát “Mùa xuân từ những giếng dầu”, và những câu thơ nổi tiếng của cụ Phan Chu Trinh: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/ Lừng lẫy làm cho lở núi non/ Xách búa đánh tan năm bảy đống/ Ra tay đập bể mấy trăm hòn”.

Đàn nhàn biển.

May thay, cai ngục ngày xưa không bắt tù nhân đập đá xa hơn một chút, ở các hòn đảo xa xôi đảo chính (nay là thị trấn huyện Côn Đảo), nếu không thì chưa biết chừng Hòn Trứng đã biến thành mây khói, và chim cũng chẳng lấy đâu bến đỗ. Chim di cư có khả năng định hướng bằng từ trường trái đất, nếu chúng đã chọn Hòn Trứng làm bến đỗ thì cứ mùa đó, ngày đó, mỏm đá đó, cành cây đó là chúng “đến hẹn” lại về, có mặt điểm danh đầy đủ. Chúng đến đó vì nguồn thức ăn hợp lý, khí hậu đủ phù hợp và sự an toàn đủ để không phải liên tục chạy trốn hoặc bị giết (và số con trống con mái đủ để hân hoan sinh nở). Sang năm, chúng lại bay về, cho người ta thêm ý niệm về một thiên đường chim phong trần cổ tích giữa đại dương. Tôi tin, từ hồi cụ Phan Chu Trinh và các tù chính trị đập đá ở Côn Lôn, thậm chí từ thượng cổ, đảo Trứng vẫn là đất lành chim tụ hội y như ngày nay. Nếu không bị xâm hại, phá vỡ cảnh quan, thì đông đàn dài lũ nhà chim biển sẽ tiếp tục hội tụ ở Hòn Trứng.

Những hoạt cảnh cảm kích của tình mẫu tử

Chúng ta đã biết, các chú rùa (Côn Đảo còn là khu vực rùa biển đẻ trứng và sinh nở lớn nhất Đông Nam Á) dẫu vượt Thái Bình Dương, biển lớn nhất trái đất, để phiêu du tình tự đi nữa, thì bao giờ (dẫu phải chết tới 9/10 quân số dọc đường) chúng cũng vẫn về đúng cái bãi cát chúng đã được sinh ra rồi “hạ thuỷ” để đẻ trứng. Giới khoa học gọi đó là “ấn tượng bãi đẻ”. Với chim hoang dã nói chung và chim ở Hòn Trứng nói riêng, chúng có thể tìm ra đúng quả trứng mình đã đẻ ra trên đỉnh đá phơi sương, phơi nắng kia, dẫu xung quanh có tới vạn quả khác mà con mắt của người thường chúng ta nhìn quả nào cũng giống quả nào. Chúng định hướng bằng từ trường trái đất và ghép đôi với sự chung thuỷ ăn đứt… loài người. Trời nắng như đổ lửa, nếu quả trứng bé xíu lăn lóc trên đá giữa đỉnh trời của hòn đảo hầu như không có một bóng cây xanh, nó có thể chín như trứng nướng. Nhưng chim phụ huynh đã dấp mình xuống biển cho ướt lút thút bộ lông, và chúng nằm lên, phủ bóng mát ấp ủ chờ chim non bé bỏng ra đời…

Sinh con đẻ cái.
Giận nhau.

Các đường di cư dọc vỏ trái đất khắp Đông Á, châu Úc, thậm chí, từ lãnh nguyên mênh mông Siberia xuống Nam bán cầu, chim ta có thể tìm đúng mỏm đá năm ngoái nó đã đậu hoặc 10 năm trước bố mẹ chúng đã đưa chúng di cư đến đây và dạy dỗ chúng đủ các kỹ năng sống - tại đây - Hòn Trứng!

Càng nghĩ, càng mới thấm: thế giới các loài hoang dã có nhiều tập tính, “năng lượng” rất bí ẩn. Có thể, đó là một phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của sân chim, “sản phẩm du lịch” nổi tiếng Việt Nam: Hòn Trứng.

ĐỖ DOÃN HOÀNG (baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang