Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về Bảo vệ và phát triển rừng ven biển giai đoạn 2021-2031

17:08 08-10-2021

Tải bản PDF
Tải Văn bản tiếng Việt

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

Số: 1662/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 1662/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG VÙNG VEN BIỂN NHẰM ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 16 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây viết tắt là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của rừng vùng ven biển trong phòng, chống sa mạc hóa, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

b) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của giai đoạn 2015 - 2020; phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các quy hoạch liên quan, đảm bảo hiệu quả bền vững, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và chống sa mạc hóa.

c) Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, khuyến khích huy động vốn đầu tư từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế, các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

d) Nhà nước có cơ chế, chính sách để thu hút các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư, hưởng lợi từ bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển; phát huy tính chủ động của các địa phương trong các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

2. Mục tiêu

Quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Bảo vệ rừng

Quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển.

2. Khôi phục và phát triển rừng

a) Trồng rừng mới: 20.000 ha, gồm:

- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn): 9.800 ha;

- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát): 10.200 ha.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng mới 11.000 ha.

b) Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha, gồm:

- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn): 6.800 ha;

- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát): 8.200 ha.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha.

3. Tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

III. GIẢI PHÁP

1. Cơ chế, chính sách

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017 và các cơ chế, chính sách hiện hành. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống sa mạc hóa và suy thoái đất, cơ chế chính sách về khôi phục và phát triển rừng ven biển gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển

a) Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của rừng vùng ven biển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xm hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng.

b) Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ, trồng và phục hồi rừng vùng ven biển. Tổ chức tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

3. Khoa học, công nghệ

a) Tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng rừng vùng ven biển có sức chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật, giải pháp phòng, trừ sinh vật gây hại cây rừng vùng ven biển.

b) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, phục vụ quản lý, giám sát.

c) Nhân rộng các mô hình bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với chống sa mạc hóa và suy thoái đất, sản xuất nông lâm ngư kết hợp.

4. Thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên

a) Xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển.

b) Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long.

c) Trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

d) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển.

đ) Khuyến lâm, chuyển giao giống, kỹ thuật trồng rừng sản xuất, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, cải thiện sinh kế, gắn kết người dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm.

e) Hợp tác công tư trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với phát triển sinh kế, kết hợp du lịch sinh thái và quản lý rừng cộng đồng.

g) Tổ chức theo dõi, giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng vùng ven biển.

h) Giao đất gắn với giao rừng, cắm mốc giới phân định ranh giới rừng, lập hồ sơ quản lý rừng.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành và các nguồn vốn hợp pháp khác.

2. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Đề án, các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.

3. Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án tại địa phương theo quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh ven biển tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án có liên quan do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

b) Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hằng năm, 5 năm và tổng kết 10 năm; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh Đề án, bổ sung các dự án, nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với điều kiện thực tiễn.

c) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thẩm định kỹ thuật các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước do trung ương hỗ trợ các địa phương. Ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển; theo dõi, chỉ đạo thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ven biển.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.

3. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí (nguồn sự nghiệp) để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan và địa phương rà soát, tổng hợp danh mục các dự án có liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển của các địa phương vào các chương trình, kế hoạch đầu tư trong giai đoạn tới; phối hợp việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Đề án.

b) Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng ven biển bảo đảm ổn định, lâu dài, đúng mục đích; dành quỹ đất cho phát triển rừng vùng ven biển.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tương thích với tiêu chí rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển và rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển

a) Ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

b) Tổ chức rà soát, quy hoạch sử dụng đất, xác định quỹ đất dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Rà soát thực trạng và kế hoạch sử dụng đất cho trồng rừng vùng ven biển; xem xét thu hồi đối với những diện tích đất thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê, diện tích quy hoạch trồng rừng ven biển bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả để khôi phục và trồng rừng theo quy định.

Tiến hành giao rừng, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật, đặc biệt diện tích rừng hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; tăng cường quản lý rừng cộng đồng.

c) Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn; rà soát, xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển theo các nguồn vốn theo quy định.

d) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng vùng ven biển theo các quy định hiện hành.

đ) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các dự án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển trên địa bàn; theo dõi, cập nhật cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển; định kỳ đánh giá hằng năm, 5 năm kết quả thực hiện, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo.

6. Các bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nguồn:thuvienphapluat.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang