Tiên Hải phát triển kinh tế dựa trên 2 mũi nhọn
VBĐVN.vn - Từ mảnh đất nghèo khó, cách trở sóng nước, đến nay, xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã vươn lên, trở thành một trong những xã đảo đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nền kinh tế của Tiên Hải đang phát triển mạnh mẽ dựa trên 2 trụ cột chính là khai thác, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch.
Xã đảo Tiên Hải có 16 đảo nổi và 2 đảo chìm nằm trong quần đảo Hải Tặc, gồm Hòn Tre Lớn (còn gọi là Hòn Đốc), Hòn Tre Nhỏ, Tre Vinh, Đồi Mồi Lớn, Đồi Mồi Nhỏ, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Ụ, Bánh Tét, Bánh Ít, Hòn Ruồi, Bánh Lái, Kiến Vàng, Bánh Quy, Bánh Tổ, Hòn Phụ Tử, Đá Nổi 1 và Đá Nổi 2. Theo đường biển, xã cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 20km, tiếp giáp với nước bạn Campuchia và cách huyện đảo Phú Quốc khoảng 40km.
Toàn xã Tiên Hải hiện có 442 hộ dân với gần 1.700 nhân khẩu sinh sống chủ yếu ở Hòn Tre Lớn, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Trong đó, đảo Hòn Tre Lớn là đảo lớn nhất, cũng là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của xã Tiên Hải. Đảo cũng là nơi đóng quân của Đồn Biên phòng Tiên Hải, BĐBP Kiên Giang và Tiểu đoàn 519, Trung đoàn 893, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang. Các đơn vị quân đội đã phối hợp với chính quyền xã đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội trên quần đảo này.
Hiện, xã Tiên Hải có 4 phương tiện vận tải hàng hóa và hành khách hoạt động thường xuyên nên việc đi lại từ thành phố Hà Tiên ra đảo và ngược lại rất thuận tiện. Thủa sơ khai, Tiên Hải vốn là vùng đất nghèo khó, không đường, không điện, không trạm. Theo lời kể của những người dân trên đảo, diện mạo của Tiên Hải đổi thay nhiều nhất trong những năm gần đây một phần do có sự đầu tư của Nhà nước, một phần do chính quyền và người dân tận dụng lợi thế biển đảo để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Công Thược, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho biết: Xã Tiên Hải được thành lập năm 1983. Thủa ban đầu, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, cơ sở hạ tầng của Tiên Hải đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân. Kinh tế của xã cũng dần phát triển do tận dụng được các lợi thế của tự nhiên để khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Năm 2000, tổng sản lượng khai thác hải sản của Tiên Hải đạt hơn 3.300 tấn, tổng giá trị khai thác đạt hơn 87 tỉ đồng, tăng hơn 42% so với năm 2019. Cùng với khai thác, xã Tiên Hải đang tập trung đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các loài có giá trị kinh tế cao như ốc hương, cá bống mú, cá chẽm, cá bớp…
Hiện, toàn xã có 160 bè nuôi các loại, với tổng sản lượng thu hoạch khoảng 580 tấn, giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 162,4 tỉ đồng. Tiên Hải còn có lợi thế nữa là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bãi biển đẹp. Trong những năm gần đây, người dân đã tận dụng lợi thế này mở các dịch vụ du lịch. Tiên Hải có 95 hộ kinh doanh, trong đó có 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, 12 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách.
Ông Hoàng Tư Kim, một trong số những cư dân đầu tiên ra sinh sống, lập nghiệp ở Tiên Hải cho biết: “Mấy năm gần đây, khách du lịch đến thăm xã đảo ngày một nhiều. Người dân trên đảo nắm bắt được nhu cầu của khách liền mở các dịch vụ du lịch cộng đồng”. Trong phong trào phát triển du lịch cộng đồng ở Tiên Hải, ông Kim chính là người đi tiên phong. Ông cải tạo ngôi nhà của mình thành homestay cung cấp chỗ nghỉ cho khách du lịch và phục vụ cả các món ăn từ hải sản tươi sống. Ông Kim cũng không ngại làm hướng dẫn viên, đưa khách đi thăm thú quanh đảo, chỉ dẫn khách câu cá, lặn bắt nhum...
Không chỉ phục vụ du khách trên đảo, ông Kim còn chế biến các loại cá đánh bắt được trên biển thành đồ khô để du khách có thể mua về làm quà. Ông Kim chia sẻ: “Từ ngày làm du lịch cộng đồng, kinh tế của gia đình tôi khấm khá và ổn định hơn trước đây nhiều”.
Theo thống kê năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến với xã đảo biên giới Tiên Hải là hơn 71.000 lượt người, mang lại nguồn thu hơn 31 tỉ đồng, tăng hơn 14,9% so với năm 2018. UBND xã Tiên Hải cho biết, trong năm 2020, người dân và doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, xây dựng thêm nhiều loại hình tham quan, vui chơi, giải trí cho du khách.
Các cơ sở lưu trú cũng đang dần hiện đại hóa để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Nhờ vậy mà trong năm 2020, tỉ lệ khách tham qua, du lịch lưu trú qua đêm tăng so với năm trước. Doanh thu từ du lịch đạt 27 tỉ đồng trong tổng số 106 tỉ đồng doanh thu từ thương mại, dịch vụ du lịch, giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là bước lùi bất khả kháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhìn tổng thể, cùng với nuôi trồng thủy sản, lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch được đầu tư, phát triển mạnh mẽ đã đóng góp đáng kể vào tổng giá trị sản xuất của xã Tiên Hải. Năm 2000, tổng giá trị sản xuất của Tiên Hải đạt hơn 363 tỉ đồng, tăng 0,64% so với năm 2019, trong đó, dịch vụ chiếm gần 30%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/năm. Trong năm 2020, xã Tiên Hải đã được UBND tỉnh Kiên Giang ra Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Thược cho biết: “Dựa trên lợi thế tự nhiên, chúng tôi xác định trong những năm tới tiếp tục tập trung vào hai mũi nhọn kinh tế là phát triển du lịch và nuôi cá lồng bè”. Hiện tại, Tiên Hải đang định hướng nền kinh tế chuyển dịch từ ngành sản xuất trực tiếp sang các lĩnh vực về dịch vụ du lịch, chế biến. UBND xã Tiên Hải khẳng định tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch mô hình mới như câu cá, lặn biển, tham quan các đảo. Đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư nâng cao công nghệ sơ chế hải sản và phục vụ nghề cá.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận