Tiếng hát gửi lại nơi đảo xa
VBĐVN.vn - Trong chuyến công tác của chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vừa qua, có gần 20 đại biểu là các nghệ sĩ đến từ các Đoàn văn công Quân đội. Họ không chỉ để lại nơi tiền tiêu tiếng hát, lời ca của mình mà còn gửi gắm cả sự cảm mến, yêu thương chân thành dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại 10 điểm đảo và nhà giàn, nơi đoàn công tác đi qua…
Nghệ sĩ “quân hàm xanh” lần đầu đến với Trường Sa
Trước khi đoàn công tác chính thức lên đường một tuần, chúng tôi – các phóng viên, báo cáo viên của một số cơ quan, đơn vị được Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) mời dự họp mặt để lên ý tưởng và phân công nhiệm vụ tuyên truyền xuyên suốt chuyến đi. Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Mai Chi xuất hiện trong cuộc họp với mái tóc dài, làn da trắng và đôi mắt to tròn. Em tự giới thiệu em là ca sĩ Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng. Ồ, ca sĩ có khác, xinh xắn và duyên dáng thật, ai cũng trầm trồ! Sau khi trao đổi số điện thoại của nhau, chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên đến khi tập trung tại Vùng 2 Hải quân.
Mai Chi là ca sĩ thính phòng. Giọng em cao vút, mỗi khi em cất giọng thì đôi mắt lại ánh lên lấp lánh. Em đã hát trên tàu, trên đảo nhiều lần, giữa hàng trăm đại biểu. Nhưng có một lần tôi không bao giờ quên, đó là khi tàu ra khơi được hai ngày, mấy chị em nhớ nhà, đêm ấy không ngủ được. Nghe nói trên cabin chỉ huy có cách liên lạc, tôi và Mai Chi bèn lấy hết sức can đảm, 11 giờ đêm mạnh dạn lên cabin tàu. Đồng chí Quách Hữu Quang, thuyền trưởng Tàu kiểm ngư KN-290 cùng các đồng chí trên cabin vui vẻ đón tiếp chúng tôi với lời đề nghị: “Mai Chi tặng cho các anh một bài hát nhé!”. Sau khi trao đổi nhanh với người thân, Mai Chi giữ đúng lời hứa, em hát tặng cả cabin bài “Địu con đi nhà trẻ” – một ca khúc của nhạc sĩ Đào Ngọc Dung mà nhiều thế hệ Bộ đội Biên phòng rất yêu thích… “Của con đấy con ơi, cả đồng lúa cả nương đồi, cả bốn năm phương trời, cả ngày mai, cả cuộc đời…”. Tiếng hát của em miên man và có hồn, mặc dù em chưa từng làm mẹ. Đêm đó, giữa cabin tối om, chúng tôi chỉ có vài người, được nghe Chi hát. Và không ai nhìn thấy rõ mặt ai. Nhưng tôi biết, tất cả đều rất nhớ nhà, đồng đội tôi đang nhớ vợ, còn tôi cũng nhớ con trai mình…
Khi đi đến các điểm đảo, Mai Chi đều hăng hái đến hỏi thăm, trò chuyện và đương nhiên là không quên gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo một vài bài hát. Cô ca sĩ trẻ giản dị và hồn nhiên, trên vai đôi quân hàm xanh biên phòng, đứng biểu diễn cho đồng đội, giữa trời nắng gắt và gió biển thổi vào mằn mặn. Nhìn em, tôi hỏi, biểu diễn liên tục như vậy có mệt không, em cười tươi, vén lọn tóc trên vầng trán lấm tấm mồ hôi: “Em làm sao mệt bằng bộ đội ngoài đảo được ạ? Họ vất vả hơn mình gấp nhiều lần!”. Tiếng hát của Mai Chi đã từng vang lên ở nhiều sân khấu, từ các hội diễn, hội thi trong nước, đến các đấu trường quốc tế lớn như Army Games. Nhưng chuyến công tác lần này, với những “sân khấu” đơn sơ chỉ có trời và biển sẽ là một kỷ niệm mà em không bao giờ quên trong đời quân ngũ.
Đem câu vọng cổ gửi tặng bộ đội
Đoàn công tác của chúng tôi đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 9. Văn công là một trong những lực lượng rất vất vả, thường phải đi chuyến xuồng sớm nhất lên đảo và sẽ rời đảo bằng chuyến xuồng cuối cùng. Bộ đội ngoài đảo ai cũng háo hức đợi các nghệ sĩ lên biểu diễn, giao lưu. Đại tá Phan Thị Thanh Thủy, Trưởng Đoàn Văn công Quân khu 9 chia sẻ với chúng tôi: “Từ trước khi bắt đầu chuyến công tác nhiều ngày, anh chị em nghệ sĩ đã chuẩn bị dàn dựng, tập luyện hàng chục tiết mục. Chúng tôi mong được gửi đến các bộ, chiến sĩ trên đảo niềm tin yêu của đất liền luôn hướng về các đồng chí!”. Và không phụ lòng bộ đội, trên các điểm đảo và nhà giàn nơi đoàn công tác tới thăm, các nghệ sĩ của Đoàn luôn biểu diễn nhiệt tình. Những lời ca, tiếng hát, những câu vọng cổ cứ ngân lên mãi, giữa cái nắng gắt mùa khô nơi đảo xa.
Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Cẩm Hoa và Thiếu úy QNCN Trần Thị Bảo Ngọc là 2 nghệ sĩ trẻ nhất đoàn, lần đầu được đi công tác Trường Sa. Cẩm Hoa là nhạc công guitar, còn Bảo Ngọc là nghệ sĩ ca vọng cổ. Nếu Cẩm Hoa cá tính, phóng khoáng thì Bảo Ngọc lại nền nã, dịu dàng. Bản thân tôi nể phục các em vì để theo đuổi nghệ thuật, các em đã phải xa gia đình, lên các thành phố lớn để đi học từ khi còn rất nhỏ. Tốt nghiệp ra trường, được về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 9, các em cũng đã từng đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở nhiều nơi. “Nhưng đây là chuyến đi vui nhất của chúng em!” – Cẩm Hoa hào hứng nói, tay vuốt ve chiếc giấy chứng nhận “đã công tác tại Quần đảo Trường Sa” do đồng chí Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa trao tặng. Bảo Ngọc ngồi bên cạnh, nói thêm, mắt hướng xa xăm: “Vui nhất mà cũng tốn nhiều nước mắt nhất nữa chị à!”.
Tôi nhớ lại về đêm cuối cùng của hải trình, trước khi tàu chia tay đảo Trường Sa. Các đại biểu đã lên tàu, nhưng quân và dân trên đảo vẫn đứng dàn hàng ngang nơi cầu cảng, hướng mắt về chúng tôi, vẫy tay, bắt nhịp hát cùng đoàn công tác. Khi người dưới đảo, người trên tàu cùng hô vang khẩu hiệu: “Tổ quốc vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc!”, chúng tôi – những nữ quân nhân lần đầu đến đảo, ai nấy đều rưng rưng xúc động. Ở một góc khuất, Bảo Ngọc cũng đang lặng lẽ lau vội dòng nước mắt. Sau chuyến đi này, em đã ngày một trưởng thành và từ đây, mỗi câu hát về biển đảo quê hương được em cất lên sẽ thật có hồn và đong đầy cảm xúc.
HUYỀN ANH / qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận