Tin tưởng vào tầm quan trọng của Luật Biển năm 1982

09:13 11-05-2022

VBĐVN.vn - Nhiều quốc gia trên thế giới mới đây có những động thái mạnh mẽ phản đối mọi động thái đơn phương làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào cuối tháng 4-2022. Ảnh: SFGATE

Vào cuộc ngày càng quyết liệt

Đầu tháng 5-2022, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thăm Đức và hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Nổi bật trong nội dung thảo luận, Thủ tướng Ấn Độ đánh giá cao các hướng dẫn của Đức về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với đó, hai Thủ tướng cùng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Ấn Độ xây dựng.

Trong cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ở tất cả các vùng biển, bao gồm cả Ấn Độ Dương và Biển Đông. Đồng thời hoan nghênh các động thái củng cố mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước, cũng như nhất trí thực hiện các hành động hữu nghị để mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng phát triển tích cực.

Trong tháng trước, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tới Nhật Bản và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Hai Thủ tướng đã tuyên bố phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Đồng thời nêu bật tầm quan trọng của hợp tác quân đội hai nước. Tại cuộc gặp này, Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Nhật Bản đã khởi động các cuộc đàm phán về thỏa thuận chia sẻ thông tin như một phần của quan hệ hợp tác an ninh song phương.

Trước đó, cũng trong tháng 4, Ngoại trưởng Teodoro Locsin và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana của Philippines đã tới thăm Nhật Bản và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nhật Bản và các Bộ trưởng của Philippines cùng nhất trí về việc phản đối mọi động thái đơn phương làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Thể hiện mạnh mẽ lập trường của “xứ sở hoa anh đào”, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh những kỳ vọng cùng Philippines phối hợp hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cùng với đó, hai nước sẽ tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, chú trọng an ninh. Các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Philippines cùng khẳng định sự phản đối của hai nước này đối với mọi hành động làm rung chuyển nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, bao gồm UNCLOS.

Trong cuộc đối thoại Nhật Bản - Philippines theo hình thức 2+2 tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng hai nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như an ninh hàng hải của khu vực.

Đáng chú ý trong Tuyên bố chung được đưa ra sau khuôn khổ đối thoại lần đầu tiên theo định dạng này, hai nước nhấn mạnh, UNCLOS là thành tố thiết yếu đối với hòa bình và thịnh vượng khu vực. Nhật Bản ủng hộ lập trường kiên định của Philippines về việc phản đối những yêu sách chủ quyền hàng hải phi pháp, những hoạt động quân sự hóa và những hoạt động chèn ép, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông.

Nhật Bản cũng ủng hộ phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan, đưa ra hồi năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines nhấn mạnh rằng phán quyết này là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý. Nhật Bản và Philippines cũng nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác an ninh thông qua các cuộc tập trận chung.

Củng cố sức mạnh đa phương dựa trên luật pháp

Theo giới quan sát, những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng vào cuộc mạnh mẽ trong vấn đề Biển Đông theo những phương diện khác nhau. Nhật Bản đang có những động lực và thiện chí mạnh mẽ để can dự vào vấn đề Biển Đông. Các phân tích từ giới chuyên gia chỉ ra rằng, trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vai trò của Nhật Bản trong cơ chế an ninh tiểu đa phương ở khu vực do Mỹ dẫn đầu này trở nên nổi bật hơn. Các công tác điều phối của Nhật Bản với các nước đồng minh của Mỹ cũng sẽ ngày càng tăng cường. Nhật Bản có thể có những hành động quyết đoán và cụ thể hơn nữa đối với những vấn đề tranh chấp trên biển trong những năm tới.

Vùng biển thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thanh Trúc

Trong một diễn biến khác, mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã bày tỏ quan ngại về những động thái đơn phương trên Biển Đông. Đồng thời cho biết, Anh, Australia và Mỹ là các thành viên của Hiệp ước an ninh ba bên AUKUS đang nỗ lực việc đẩy nhanh tiến độ nâng cấp lực lượng quân đội, bao gồm việc đẩy mạnh cách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào.

Bên cạnh sự vào cuộc ngày càng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông, giới chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố căn bản nhất là luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Tại cuộc hội thảo đánh giá 40 năm thành tựu của UNCLOS (1982-2022) được tổ chức vừa qua ở Singapore, Giáo sư Laurence Boisson de Chazournes thuộc Đại học Geneva (Thụy Sỹ) đánh giá, trong hành trình UNCLOS ra đời và được duy trì hiệu lực xuyên suốt 4 thập kỷ, quy chế pháp lý đối với lãnh hải đã trở thành biện pháp giải tỏa cho các yêu sách xung đột giữa các quốc gia với nhau.

Giáo sư Carlos Esposito thuộc Đại học Madrid (Tây Ban Nha) cho rằng, để sử dụng thủ tục bắt buộc giải quyết tranh chấp của UNCLOS, các bên tranh chấp phải đáp ứng điều kiện trao đổi và chưa ký kết văn bản thỏa thuận nào loại trừ thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Để bảo đảm, trừ một số ngoại lệ được quy định, thì tranh chấp có thể được đưa ra giải quyết tại cơ chế bắt buộc là Tòa trọng tài. Cơ chế này đã được một số nước sử dụng. Dù vẫn có những sự phản đối từ một bên trong tranh chấp, song, phán quyết của tòa vẫn có giá trị chung thẩm và ràng buộc pháp lý, ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp không tham gia tranh tụng.

Cũng theo, Giáo sư Esposito, những năm qua, phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS đã góp phần giải thích đúng đắn các quy định của UNCLOS, giúp làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ hoặc gây tranh cãi, hoặc yêu sách và hành động trái với quy định của UNCLOS. Các quốc gia có biển ở khu vực Đông Nam Á đều tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của UNCLOS. Bởi lẽ, luật pháp quốc tế là sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia lớn và nhỏ.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang