Tỉnh Kiên Giang cắt giảm hơn 700 tàu làm nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi

07:29 24-04-2024

VBĐVN.vn - Thực hiện đề án phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Kiên Giang sẽ cắt giảm, chuyển đổi hơn 700 tàu làm nghề khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Kiên Giang sẽ cắt giảm, chuyển đổi hàng trăm tàu cá sang lĩnh vực ngoài khai thác, nhằm cân bằng giữa cường lực khai thác và khả năng phục hồi của nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Trung Chánh.

Mạnh tay cắt giảm đội tàu

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, lúc cao điểm lên đến hơn 11.000 tàu. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã có chủ trương cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu, ngành nghề khai thác theo hướng giảm dần số lượng, nhất là đối với tàu đánh bắt ven bờ, tàu hành nghề khai thác có tính chất hủy diệt.

Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành nông Kiên Giang tiếp tục cắt giảm, chuyển đổi hơn 700 tàu khai thác sang lĩnh vực ngoài khai thác.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, Sở NN-PTNT Kiên Giang sẽ cắt giảm, chuyển đổi khoảng 107 chiếc tàu làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt, để giảm đội tàu khai thác của tỉnh xuống còn không quá 9.219 chiếc vào cuối năm 2025.

Ngoài ra, tỉnh sẽ chuyển đổi 120 chiếc tàu hoạt động vùng khơi làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ và nghề đánh bắt ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang làm các nghề khai thác thủy sản được khuyến khích phát triển.

Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, tiếp tục cắt giảm, chuyển đổi khoảng 594 chiếc làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt hải sản để giảm số lượng tàu đánh bắt hải sản còn không quá 8.625 chiếc vào cuối năm 2030.

Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi

Để triển khai đề án này, tỉnh Kiên Giang đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân về chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Kiên Giang tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân chuyển đổi sang các nghề khai thác hải sản ít ảnh hưởng đến nguồn lợi và thân thiện với môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Trong đó, đặc biệt tuyên truyền cho ngư dân về tác hại của việc khai thác hủy diệt và khai thác ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, không khai thác trong các vùng ngư trường bị cấm, mùa cấm khai thác. Tuyên truyền về tác hại của thiết bị đánh cá gây ô nhiễm rác nhựa trong đại dương.

Tập trung phổ biến các kinh nghiệm tốt, các điển hình làm ăn giỏi, hướng dẫn các quy trình mới, hỗ trợ mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho gần 3.400 ngư dân và ngư phủ thuộc các tàu cá bị cắt giảm hoặc tàu cá chuyển đổi nghề đánh bắt hải sản. Cải thiện môi trường làm việc và phấn đấu 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.

Mục tiêu cắt giảm đội tàu khai thác, nhất là các tàu làm nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường hệ sinh thái nhằm từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng để bù đắp sản lượng khai thác sụt giảm. Năm 2024 tỉnh có kế hoạch về sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn, giảm 40.000 tấn so kế hoạch năm 2023. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản 435.000 tấn, giảm 45.000 tấn so với kế hoạch năm trước, sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 365.000 tấn.

Đ.T.Chánh (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang