Tình người giữa biển khơi

16:29 25-08-2024

VBĐVN.vn - Được coi là “vành đai thép” bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, ngoài nhiệm vụ làm “tiêu” hàng hải cho tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển; 15 nhà giàn DK1 còn là điểm tựa của bà con ngư dân các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ đánh bắt xa bờ.

Thuyền thúng của ngư dân đưa người bệnh vào nhà giàn cấp cứu. Ảnh: Mai Thắng

Cứu ngư dân - mệnh lệnh từ trái tim

Một ngày đầu tuần tháng 10-2018, trong lúc cán bộ, chiến sĩ (CBCS) vừa ngồi vào mâm cơm chiều sau một ngày huấn luyện dãi nắng cháy da, thì tiếng gọi: “Ghe cá gọi nhà giàn, ghe cá gọi nhà giàn” phát ra từ máy Icom sóng cực ngắn. Đặt bát cơm xuống sàn gỗ, Thượng úy Phạm Thành An đi nhanh vào phòng thông tin cầm tổ hợp trả lời: “Nhà giàn DK1/14 nghe”. Tiếng một người đàn ông khàn đục vọng lại: “Cứu chúng tôi với. Chúng tôi gặp nạn”. “Nhà giàn sẵn sàng giúp đỡ. Ghe cá về kênh 14A” - Thiếu úy An trả lời và hướng dẫn ghe cá giữ liên lạc.

“Tổ cơ động khẩn cấp được triển khai phối hợp với ngư dân tàu cá chuyển người bệnh lên giàn an toàn. Y tá chuẩn bị thuốc, vô trùng thiết bị tiểu phẫu, cáng cấp cứu; radar mở máy quan sát mặt biển, tín hiệu theo dõi tàu cá qua ống nhòm TZK” - mệnh lệnh truyền đi từ Trung tá, Chỉ huy trưởng Trương Văn Thủy. Trong ánh chiều hoàng hôn dần lặn sâu xuống biển, chiếc ghe cá nhỏ như “hạt đỗ” cách nhà giàn 8 hải lý về phía Bắc. Giọng người đàn ông khàn đục tiếp tục nói trong máy thông tin: “Chúng tôi đang tăng hết tốc độ 27 lý/giờ. 20 phút nữa, ghe vô tới nơi nghe”.

Tháng 10 biển động, những con sóng lừng lững dâng cao 3m “quật” vào chân đế nhà giàn. 5 phút trôi qua. 15 phút trôi qua, ghe cá tiến lại cách nhà giàn 30m, nhưng làm sao đưa bệnh nhân lên khi sóng to, gió lớn? Phải khẩn trương cấp cứu người kẻo không kịp nữa. Trong đầu Thiếu tá, y sĩ Phạm Văn Bảy thoáng qua: “Chuyển người bệnh lên giàn bằng kéo dây”. Giữa nhà giàn và tàu cá nhanh chóng kết nối với nhau bằng dây thừng. Băng ca cột chặt, chuyển xuống tàu cá. Người bệnh được cố định chặt trong băng ca, cột vào dây thừng để các chiến sĩ trên giàn kéo lên. Giây phút thót tim qua mau, người bệnh chuyển lên nhà giàn an toàn.

Do lặn sâu xuống đáy biển bắt hải sâm, ngư dân Trần Văn Giá bị tê liệt hai chân do sức ép của nước. Bụng căng to vì bí tiểu. Phải thông hút nước tiểu khẩn cấp, nếu không, bàng quang vỡ, người bệnh sẽ tử vong. Không ngần ngại, Thiếu tá Bảy luồn dây thông tiểu cho ngư dân. Sau gần 30 phút dùng thủ thuật “thông tiểu đặc biệt” và hô hấp nhân tạo, ngư dân Giá đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn không tỉnh. Xác định sẽ bị liệt cả người, nếu không tích cực cấp cứu. Cơ số thuốc dự trữ của nhà giàn được “khui” ra, Thiếu tá Bảy dùng thuốc trợ lực đặc biệt tiêm cho người bệnh kết hợp với xoa bóp “đánh thức vận mạnh”. Sau hơn 4 giờ “lâm sàng khai tử”, ngư dân Giá dần tỉnh lại. Nước mắt trào trên khóe. Câu đầu tiên anh nói là “cảm ơn các anh bộ đội nhà giàn đã cứu sống em”.

Mới đây nhất, trưa ngày 7-4-2024, sau bữa cơm trưa, CBCS Nhà giàn DK1/9 vừa đi nghỉ thì chiến sĩ thông tin báo cáo, ngư dân tàu cá KH 99789 TS bị nạn đứt 3 ngón tay và dập mu bàn tay phải. Ngay lập tức nhà giàn triển khai cứu người khẩn cấp. Sau khi khử khuẩn và tuân thủ các biện pháp chống dịch, y sĩ nhà giàn đã cấp cứu, cầm máu, sát khuẩn, băng bó, nẹp cố định tay cho ngư dân Nguyễn Văn Dũng và chỉ định tàu cá chuyển bệnh nhân đến Bệnh xá đảo Trường Sa, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) điều trị, tránh hoại tử và nhiễm trùng. Nước mắt rưng rưng, tài công tàu cá KH 99789 TS nắm tay y sĩ nhà giàn nói: “Cảm ơn các anh, tình cảm này mãi mãi chúng tôi không bao giờ quên. Cho chúng tôi nhận các anh là anh em kết nghĩa nhé”. Còn ngư dân Dũng không quên hẹn một ngày không xa sẽ gặp lại.

Hy sinh quên mình cho tình quân dân bền chặt

Không nhớ chi tiết bao nhiêu lần cấp cứu ngư dân gặp nạn ngoài biển, chỉ biết, mỗi lần cứu chữa, Thiếu tá, y sĩ Phạm Văn Bảy luôn bình tĩnh, nỗ lực hết sức mình, chưa bao giờ ngần ngại, kể cả hút nước tiểu cho bệnh nhân. “Giữa lằn ranh sinh tử, để cứu ngư dân cần xử trí nhanh, cứu kịp thời, tránh tử vong, nên việc gì tôi cũng làm được. Ngoài trách nhiệm, cứu giúp bà con ngư dân còn là tình quân dân, tình người giữa biển” - Thiếu tá Bảy chia sẻ.

Nhà giàn DK1/9 cấp cứu ngư dân Nguyễn Văn Dũng tại sàn cập tàu. Ảnh: Văn Đường

Là Chỉ huy trưởng của nhiều Nhà giàn DK1, Trung tá Lê Xuân Nam chứng kiến nhiều lần cấp cứu ngư dân gặp nạn giữa biển. Mỗi lần ngư dân gặp nạn, ngoài cấp cứu chữa bệnh, anh đều tặng gạo, muối, dầu ăn, nước ngọt, đường, sữa cho ngư dân. Những lần như thế đã xây đắp nên tình cảm thân tình giữa CBCS Nhà giàn DK1 và ngư dân. “Đồng hành với nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển của Tổ quốc; cứu chữa, giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh trong tim của chúng tôi. Giữa đại dương xa sóng to, gió lớn, chỉ có biển cả mới hiểu hết được nghĩa tình quân dân sâu nặng. Nghĩa tình ấy không đo đếm được, mà thể hiện bằng tình người, bằng sự hi sinh thầm lặng” - Trung tá Lê Xuân Nam tâm sự.

Hiện nay, 15/15 Nhà giàn DK1 đều có y, bác sĩ thực hiện nhiệm vụ. Họ vừa làm tốt công tác quân y, chăm sóc sức khỏe cho CBCS, vừa tham gia tích cực hoạt động cứu giúp ngư dân trên biển. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, các y, bác sĩ của Nhà giàn DK1 đã cứu sống hơn 10 ngư dân gặp nạn; cung cấp hàng trăm khối nước ngọt, rau xanh, muối ăn, gạo cho hàng trăm lượt tàu thuyền và ngư dân. Nghĩa cử cao đẹp, tình quân dân gắn kết từ đây. Bà con ngư dân coi các CBCS Nhà giàn DK1 như những người thân trong gia đình, còn CBCS luôn sẵn lòng giúp đỡ ngư dân, sẻ chia khi gặp khó khăn hoạn nạn trên biển.

Thềm lục địa bắt đầu vào mùa biển động. 15 “pháo đài thép” đang “căng mình” chịu đựng sóng to, gió lớn và luôn sẵn sàng giúp đỡ ngư dân. Ở giữa ngàn khơi ấy, không có sự tính toán thiệt hơn, chỉ có tình đời, tình người, tình quân dân chưa bao giờ vơi cạn.

Mai Thắng

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang