Tình quân - dân ở Trường Sa

16:38 03-03-2022

VBĐVN.vn - “Sau 42 năm đất nước thống nhất và hàng ngàn năm lịch sử nối tiếp truyền thống ông cha bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lần đầu tiên có một đồn Biên phòng được thành lập trên quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về biên giới trên vùng biển, đảo của Tổ quốc” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng phát biểu tại Đồn Biên phòng Trường Sa, Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa khi mới thành lập, ngày 17-5-2017.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam cùng cán bộ, chiến sĩ tham gia vận chuyển các loại vật tư để thành lập Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Tây A, Đồn Biên phòng Trường Sa, tháng 5-2017. Ảnh: Hải Luận

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, trưởng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng hành quân ra đảo thành lập Đồn Biên phòng Trường Sa và 2 Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Tây A và thị trấn Trường Sa, đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ: “Theo quyết định của Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Đồn Biên phòng Trường Sa là: Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển...; đấu tranh, ngăn chặn các tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam; tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển; hướng dẫn, bảo vệ, đăng ký cho tàu cá của ngư dân Việt Nam khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam; hướng dẫn, đăng ký thủ tục, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh cho người, tàu thuyền nước ngoài khi gặp thiên tai xin phép vào trong vùng biển Việt Nam”.

Tiếng vang thợ máy Biên phòng giữa biển khơi

Thời gian đầu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa ở nhờ Nhà văn hóa thị trấn Trường Sa, điều kiện sinh hoạt khá chật hẹp. Trong lúc đơn vị đang xây dựng cơ bản thì bão giật cấp 13 đổ bộ trực tiếp vào thị trấn Trường Sa, 2 chiếc tàu đánh cá tỉnh Bình Định chạy vào đảo tránh trú, Đồn trưởng Phan Lê Giáp đã yêu cầu 48 ngư dân vào đồn ở cho an toàn. “Đồn mới thành lập còn nhiều khó khăn, cả lương thực và thực phẩm dự trữ, tôi yêu cầu đội hậu cần nấu cơm, lấy thực phẩm dự trữ ra cho bà con ăn mấy ngày giống như suất ăn của bộ đội. Sóng biển êm, an toàn, tôi mới cho tàu của bà con rời âu thuyền đi đánh bắt” - Thượng tá Phan Lê Giáp, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, nguyên Đồn trưởng đầu tiên của Đồn Biên phòng Trường Sa nhớ lại.

Câu chuyện sửa chữa máy tàu đánh cá của Thiếu tá Trần Văn Huyền, nhân viên tàu thuyền, Đồn Biên phòng Trường Sa (hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Cầu Bóng, Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa) đã lan truyền rộng khắp nhiều tỉnh, thành phố ven biển.

“Năm 2017, có một chiếc tàu lưới vây của ngư dân tỉnh Bình Định đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa bị hỏng máy. Tàu vào âu thuyền, tôi xuống hầm máy khám xét kỹ lưỡng, phát hiện bị hỏng bộ phận bơm dầu, tôi đã sửa chữa hơn 3 giờ, máy nổ lại bình thường, tàu rời đảo đi thai thác. Thế là mấy ông thuyền trưởng “truyền tai” qua hệ thống thông tin liên lạc với nhau, hễ có tàu nào gặp sự cố về máy móc trên biển ở khu vực Trường Sa là họ gọi điện vào Trạm Kiểm soát Biên phòng Trường Sa gặp tôi nhờ trợ giúp” - Thiếu tá Huyền chia sẻ.

Thông thường, tàu đánh cá bị hỏng máy ở cách đảo Trường Sa khá xa, thuyền trưởng gọi điện gặp anh Huyền nhờ “chẩn bệnh” qua điện thoại, sau đó mới quyết định cho tàu vào đảo gặp thợ sửa máy Biên phòng. Thiếu tá Huyền kể chi tiết: “Khi họ kể tình trạng máy qua điện thoại, tôi sẽ phán đoán máy đang bị hỏng bộ phận nào. Nếu hỏng những bộ phận cần có phụ tùng thay thế, tôi sẽ giới thiệu họ chạy ra đảo Đá Tây A (thuộc huyện Trường Sa) có trạm sửa chữa chuyên nghiệp để thay thế phụ tùng. Nếu tàu không cần thay thế phụ tùng, tôi sẽ nói với thuyền trưởng chạy tàu vào âu thuyền Trường Sa để tôi sửa chữa giúp, hoàn toàn miễn phí”.

Một lần, tàu lưới vây tỉnh Quảng Ngãi bị gãy đôi cốt bánh răng hộp số cuốn lưới (dân biển gọi là cảo), thuyền trưởng chuẩn bị cho tàu quay mũi chạy về đất liền sửa chữa. Chủ tàu có nguy cơ bị lỗ gần 200 triệu đồng chi phí nhiên liệu, đá lạnh... Thiếu tá Huyền trao đổi với thuyền trưởng, cứ cho tàu chạy vào đảo làm thử, thành công chỉ 50%. “Không có phụ tùng thay thế, tôi phải tính toán mài bằng tay ở hai đầu trục nhỏ lại, rồi hàn đắp lên cho nó chịu lực. Hàn xong, phải mài lại bằng tay cho bằng phẳng giống như trục cũ. Sau 3 ngày nỗ lực làm, lắp vào hộp số hoạt động bình thường, tàu tiếp tục ra biển khai thác” - Thiếu tá Huyền kể lại.

2 lần Thiếu tá Trần Văn Huyền ra công tác ở Trường Sa, với thời gian 39 tháng, anh đã sửa chữa nhiều tàu đánh cá và các loại máy móc trên đảo, từ máy phát điện của dân, các đơn vị trên đảo đến máy bơm dầu, bơm nước... “Còn 1 ngày tôi sẽ lên tàu chuyển vào đất liền công tác, đêm hôm trước, nhiều đơn vị trên đảo tranh thủ “cú chót” mang máy đến để đầy ở cửa phòng nhờ sửa chữa. Tôi thức trắng đêm nỗ lực sửa bằng xong thiết bị của đồng đội. Một chiến sĩ Hải quân thấy tôi làm vất vả, chạy về chỗ tăng gia của đơn vị hái trái đu đủ mang đến nói: “Cháu tìm mãi không có cái gì để tặng chú khi vào bờ, cháu hái trái đu đủ tặng chú”. Nhìn mà thương chiến sĩ kia quá, nó bằng tuổi con mình” - Thiếu tá Huyền day dứt câu chuyện rất đời thường.

Người dân thị trấn Trường Sa chào đón cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trường Sa những ngày đầu mới thành lập đơn vị, tháng 5-2017. Ảnh: Hải Luận

Đồn trưởng dạy tiếng Anh ở đảo

Thượng tá Phan Lê Giáp nhớ lại câu chuyện mở lớp dạy tiếng Anh đầu tiên ở quần đảo Trường Sa: “Sau một thời gian ngắn ổn định nơi ăn chốn ở cho cán bộ, chiến sĩ, thấy các cháu học sinh trên đảo không được học tiếng Anh, tôi trao đổi với anh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa và phụ huynh học sinh để Đồn Biên phòng Trường Sa mở lớp học tiếng Anh cho các cháu vào ban đêm. Cũng có nhiều tiếng “bàn lùi”, cho rằng khó thực hiện, tôi nói mạnh quá nên mọi người cũng đồng ý”.

Lúc ở đất liền, Đồn trưởng Giáp có học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ nên vốn tiếng Anh khá “cứng”, trực tiếp đứng lớp dạy các em tại phòng chỉ huy đồn. “Thị trấn Trường Sa có máy phát điện, chỉ ưu tiên phục vụ các tủ đông lạnh bảo quản thực phẩm. Đêm nào có lớp học tiếng Anh, đồn phải nổ máy phát điện riêng để phục vụ. Môi trường học tiếng Anh xung quanh đảo gần như bằng 0, tôi phải vừa thuyết phục, vừa động viên, vừa nỗ lực luyện tập các em phát âm từng chữ cái, tập viết từng nét chữ. Lúc rảnh, các em ghé qua đồn, vừa làm việc, vừa tập nói tiếng Anh với các em, qua những câu chào hỏi, hỏi thăm..., dần dần kích thích tính tò mò và ham học cho các em. Thời gian sau, có Trung tá Mai Đăng Hồ, nhân viên cơ yếu cùng tham gia dạy tiếng Anh tại đồn” - Thượng tá Giáp nhớ lại.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang