Tỉnh Quảng Nam: Đẩy mạnh các giải pháp chống khai thác hải sản trái phép

10:53 11-09-2023

VBĐVN.vn - Nhằm chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản khai thác của Việt Nam, tỉnh Quảng Nam đang triển khai các giải pháp, trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấm dứt tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản, nâng cao năng lực truy suất nguồn gốc thủy sản.

Cán bộ Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá Quảng Nam theo dõi tàu cá hoạt động trên biển qua Hệ thống giám sát tàu cá. Ảnh: Bích Nguyên

Ngư dân nhận thức đúng nhờ được tuyên truyền

Chúng tôi có mặt tại cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vào đúng ngày ngư dân từ các vùng biển xa trở về sau hành trình khai thác kéo dài khoảng 2 tháng. Tàu thuyền vào bến nhộn nhịp, khiến không gian cảng cá náo nhiệt hơn. Anh Hoàng Thanh Vương, thuyền trưởng tàu cá QNa 90370 TS vừa trở về từ ngư trường Trường Sa cho biết, chuyến này anh khai thác được hơn 20 tấn mực, dự kiến bán được khoảng 3,4 tỉ đồng.

Qua thông tin tuyên truyền từ các lực lượng chức năng, đặc biệt là BĐBP, anh Vương luôn ý thức phải khai thác hải sản đúng vùng biển nước mình. “Tàu tôi lắp thiết bị giám sát hành trình từ năm 2019, khi Nhà nước có quy định bắt buộc tàu có chiều dài trên 15m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thỉnh thoảng, tàu tôi bị mất tín hiệu kết nối về bờ do sự cố sét đánh, hoặc lỗi kỹ thuật của máy chủ. Tôi không bao giờ ủng hộ việc ngắt thiết bị giám sát hành trình hay vượt qua ranh giới vùng biển của mình sang nước ngoài khai thác hải sản trái phép”. Theo những người lính Biên phòng, những người có nhận thức đúng đắn như anh Vương ngày càng nhiều lên sẽ giúp cho công tác tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam sớm đến được đích.

Tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá Quảng Nam, anh Võ Công Tài, Thanh tra kiểm ngư, thuộc Phòng Thanh tra kiểm ngư, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đang miệt mài làm việc trên hệ thống sổ sách theo dõi thông tin tàu cá. Văn phòng có các lực lượng cùng làm việc là Chi cục Thủy sản, BĐBP, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và thành viên Ban quản lý cảng cá. Công việc nhiều, lực lượng mỏng, nên các cán bộ ở đây thường xuyên phải làm việc 200% sức lực.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá Quảng Nam có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ số lượng tàu cá ra vào cảng. Đối với số tàu cá có chiều dài trên 24m, Văn phòng thực hiện giám sát 100% việc ghi nhật ký tàu cá, giấy đăng ký, đăng kiểm, sản lượng xem có đúng chủng loại cá khai báo trong nhật ký không. Nếu vượt quá 20% sản lượng khai báo thì sẽ tiến hành phạt chủ tàu cá.

Theo các cán bộ của Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá Quảng Nam, lỗi mà ngư dân hay mắc phải nhất là mất tín hiệu giám sát hành trình của tàu cá, tàu cá vào cảng không báo trước 1 giờ... Với những lỗi như thế này, Văn phòng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc lên Chi cục Thủy sản để có biện pháp nhắc nhở, xử phạt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá Quảng Nam ghi nhận 130 vụ/130 tàu bị mất tín hiệu giám sát hành trình, chủ yếu do lỗi chủ quan. Số tàu trên đã bị xử phạt hành chính, nhắc nhở và yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Cùng với đó, tỉnh cũng xử lý rất “mạnh tay” với các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài để sớm chấm dứt tình trạng này.

Một trong những tín hiệu tích cực trong nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Quảng Nam là đã giảm dần tình trạng ghi nhật ký khai thác một lần. “Trước đây, sau mỗi chuyến biển, ngư dân mới hồi tưởng rồi ghi ra sổ nhật ký kiểu như hồi ký. Thế nhưng, từ giữa năm 2020, qua công tác tuyên truyền, ngư dân đã ghi nhật ký khai thác tương đối tốt. Người dân đã ý thức được những tác động tiêu cực của khai thác IUU” – anh Tài chia sẻ. Hiện, 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đã được đăng ký; 98,5% tàu cá 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Cần tháo gỡ các điểm nghẽn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác phòng, chống khai thác IUU của Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Anh Tài cho biết, một trong những khó khăn là lực lượng làm việc tại Văn phòng rất mỏng, trong khi yêu cầu công việc đòi hỏi phải tổ chức trực 24/24 giờ. Văn phòng hiện tại cũng chưa có trụ sở, phải thuê phòng làm việc. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ hiện chưa được đào tạo bài bản về chống khai thác IUU, chủ yếu là cán bộ làm việc kiêm nhiệm. Hơn nữa, các chế độ dành cho cán bộ làm công tác này lại chưa bảo đảm.

100% tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thực hiện sơn màu cabin để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Ảnh: Bích Nguyên

Theo anh Tài, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác hải sản hiện đã giảm do ý thức của người dân đã được nâng lên sau nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các lực lượng chức năng, đặc biệt là BĐBP, Kiểm ngư... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những "điểm nghẽn" cần tháo gỡ của Quảng Nam hiện nay chính là vấn đề truy suất nguồn gốc. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, số lượt tàu cá cập cảng và sản lượng hải sản được bốc dỡ qua 2 cảng chỉ định là Tam Quang và An Hòa (Núi Thành) là rất ít so với thống kê sản lượng hải sản khai thác 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân là hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu, lại thiếu nguồn nhân lực tại các cảng để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá và sản lượng hải sản khai thác theo quy định.

Nhằm khẩn trương gỡ “thẻ vàng” cùng cả nước, hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục quản lý chặt chẽ đội tàu, thường xuyên theo dõi, cảnh báo các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài. BĐBP Quảng Nam cũng đã rà soát, thống kê, thông báo và tham mưu cho địa phương về thực trạng các tàu cá không về địa phương neo đậu, để có biện pháp theo dõi, nâng cao trách nhiệm của địa phương trong quản lý tàu cá hoạt động.

Hướng tới nghề cá bền vững và đảm bảo chống khai thác IUU hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trên tàu khai thác hải sản xa bờ, nhằm giúp ngư dân tiết kiệm thời gian, quản lý tốt sản lượng khai thác, tạo điều kiện thuận lợi trong truy suất nguồn gốc hải sản.

Bích Nguyên (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang