Tổ đoàn kết nhân đôi sức mạnh ngư dân, làm 'tai mắt' trên biển

15:46 22-04-2025

VBĐVN.vn - Đà Nẵng có gần 100 tổ đoàn kết với 700 tàu cá cùng hỗ trợ nhau vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản bền vững và chấp hành quy định chống khai thác IUU.

Nhân đôi sức mạnh giữa biển khơi

Để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới, thuyền trưởng Nguyễn Bình cùng các thuyền viên khác khẩn trương kiểm tra, đại tu máy móc, sơn sửa tàu cá. Khâu quan trọng được vị thuyền trưởng này đặc biệt quan tâm là đảm bảo thiết bị kết nối, giữ liên lạc thường xuyên với thành viên Tổ đoàn kết Thắng Lợi, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Anh Bình chia sẻ, khi đi biển đều cùng với 11 tàu khác trong tổ đội. Biển cả chan hòa nhưng cũng đầy bất trắc, bởi vậy muốn đánh bắt chuyên nghiệp, an toàn trên biển buộc ngư dân phải xích lại gần nhau. Ngoài việc thường xuyên liên lạc khi phát hiện luồng cá để cùng hợp tác đánh bắt, không mạnh ai nấy làm như trước kia, các thành viên trong Tổ đoàn kết còn tương trợ, cứu hộ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn.

Ngư dân Đà Nẵng tất bật cho chuyến vươn khơi dài ngày ở vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Lan Anh.

Anh Bình nhớ lại, vào khoảng giữa tháng 6/2019, khi các tàu đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa thì bất ngờ gặp lốc lớn. Tàu cá ĐNa 91202 của ngư dân Lê Chiến không may bị chìm. Nhận được tín hiệu cầu cứu, dù đang trúng luồng cá, anh Bình không ngần ngại quay mũi tàu đến hiện trường. Nhờ hành động kịp thời, anh và bạn thuyền đã cứu sống 4 ngư dân gặp nạn.

“Đi theo tổ đội các tàu chỉ cách nhau 3 - 5 hải lý. Ai nấy đều bật máy bộ đàm liên lạc tầm xa ICOM 24/24 giờ để theo dõi, liên lạc, nắm chắc vị trí của nhau, kề vai sát cánh cùng nhau trong lúc hoạn nạn, nguy khó. Điều đó giúp chúng tôi thêm tự tin, có chỗ dựa vững chắc khi vươn khơi”, anh Bình chia sẻ.

Ngư dân Đặng Thành Vĩnh, thành viên Tổ đoàn kết Thành Đạt, chủ tàu ĐNa 91252 (phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho hay, đoàn kết chính là yếu tố then chốt khi hành nghề trên biển. Tàu nào thiếu nguyên liệu, nhu yếu phẩm… các tàu khác sẽ chủ động giúp đỡ. Thậm chí anh em trong tổ đội cũng không hề “giấu nghề" khi thấy tàu bạn đánh cá “không ăn”.

“Ngư dân của các tổ đoàn kết như người một nhà, mình thấy lưới tàu mình đánh cá “ăn” hơn thì sẵn sàng chia sẻ cho tàu bạn để cải thiện thu nhập. Khi thành lập tổ đội, anh em cũng có trách nhiệm hơn hẳn. Ai nấy đều chủ động liên lạc, nắm chắc vị trí của nhau. Sức mạnh ngư dân nhờ vậy được nhân lên nhiều lần”, anh Vĩnh cho biết.

"Tai mắt" trên biển

Bên cạnh hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn, các tàu cá trong tổ còn nhắc nhở nhau tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU, tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài được các tàu khác nhắc nhở ngay.

Theo Chi cục Biển đảo và Thủy sản thành phố Đà Nẵng, tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện và tổ chức hoạt động theo Quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 22/3/2018 của UBND Thành phố về hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết sản xuất trên biển áp dụng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là khung pháp lý để hình thành các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, chuyển hoạt động khai thác đơn lẻ, chưa có sự gắn kết thành có tổ chức.

Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã thành lập 94 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 680 tàu cá tham gia (vùng khơi 85 tổ với 575 tàu, vùng lộng và vùng ven bờ 9 tổ với 105 tàu).

Cùng nhau vươn khơi giúp ngư dân có thêm sức mạnh. Ảnh: Lan Anh.

Ông Đặng Duy Hải, Chi cục phó Chi cục Biển đảo và Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, việc hoạt động khai thác hải sản trên biển theo tổ đội đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con ngư dân, giúp ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập trên cơ sở cùng ngành nghề, cùng ngư trường…, qua đó trao đổi kinh nghiệm đánh bắt, thông tin về ngư trường khai thác; phối hợp để tổ chức dịch vụ trên biển, tiêu thụ sản phẩm, giảm thời gian di chuyển, tăng thời gian bám biển.

Thông qua hệ thống thông tin liên lạc, các tổ còn là “tai mắt” trên biển, kịp thời cung cấp hàng trăm tin báo có giá trị cho bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng về hoạt động tàu cá nước ngoài, an ninh trật tự và các sự cố xảy ra trên biển. Nhờ đó, công tác điều động lực lượng bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ ngư dân diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ quốc phòng.

“Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và bộ đội biên phòng để rà soát, củng cố hoạt động của các tổ đoàn kết. Đồng thời tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia tổ chức khai thác theo mô hình tổ đội, xây dựng phương án hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động”, ông Đặng Duy Hải, Chi cục phó Chi cục Biển đảo và Thủy sản thành phố Đà Nẵng chia sẻ.

Lan Anh (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang