Tổ đoàn kết trên biển trợ lực cho nghề đánh bắt xa bờ

10:22 06-11-2023

VBĐVN.vn - Nghề đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn vì nguồn lợi thủy sản suy giảm, nguy hiểm bủa vây. Trong bối cảnh này, tổ đoàn kết trên biển càng phát huy hiệu quả.

Tàu cá của ngư dân Bình Định trong tổ đoàn kết hỗ trợ nhau trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Tổ đoàn kết tạo ra sức mạnh

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, trên địa bàn tỉnh này hiện có trên 7.340 tàu cá khai thác hải sản với khoảng 2.600 tàu khai thác xa bờ. Đến nay, ngư dân Bình Định đã tự nguyện xây dựng 265 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 1.049 tàu cá tham gia.

Trong đó, thị xã Hoài Nhơn thành lập được 204 tổ với 800 tàu thuyền tham gia, huyện Phù Mỹ thành lập 25 tổ với 134 tàu tham gia, thành phố Quy Nhơn thành lập 36 tổ với 115 tàu tham gia. Ngoài ra, tại phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn) đã thành lập 1 hợp tác xã khai thác trên biển với 7 tàu cá tham gia cùng góp vốn làm ăn.

Các mô hình liên kết đánh bắt hải sản trên biển được hình thành với các tàu làm cùng nghề, đánh bắt cùng ngư trường, về bờ thì cùng địa bàn cư trú và cùng gia đình, dòng họ, bạn bè và hợp tác sản xuất theo phương thức tự nguyện. Ưu điểm của các mô hình này là tạo được sức mạnh trong khai thác thủy sản, cùng hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ đoàn kết còn thay phiên nhau đưa sản phẩm đánh bắt của cả tổ vào bờ bán, cách làm này vừa giảm được thời gian bảo quản, tăng chất lượng sản phẩm vừa giảm chi phí chuyến biển. Ngoài ra, những tàu cá có nhiệm vụ chở sản phẩm về bờ bán khi quay lại ngư trường đánh bắt sẽ tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho các tàu trong tổ đang khai thác trên biển. Cách làm này vừa giúp giảm rủi ro trên biển, vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

“Phát huy những ưu điểm của các mô hình liên kết sản xuất trên biển trước đây, Hội Nông dân tỉnh Bình Định, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam phối hợp với UBND phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) thành lập ban điều hành tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là mô hình mới gắn phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới”, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho hay.

Tuyên truyền Luật Thủy sản thông qua tổ đoàn kết

Theo Trung tá Hàn Trung Hậu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định), hằng tháng, đơn vị này tổ chức tuần tra trên biển và cử cán bộ tham gia sinh hoạt với các tổ đoàn kết sản xuất trên biển để vận động ngư dân tham gia vào tổ đoàn kết, nhằm tiếp cận kịp thời thông tin về tình hình trên biển để phục vụ hoạt động đánh bắt.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) tuyên truyền trong buổi sinh hoạt Vạn Cửu Lợi, khu phố Cửu Lợi Đông, phường Tam Quan Nam. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Chiến, Trưởng Ban công tác mặt trận khu phố Cửu Lợi Đông, Vạn trưởng Vạn Cửu Lợi thuộc phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn), cho biết thêm: Vào mùa trăng, đặc biệt là các ngày rằm tháng Giêng, khi tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân vào bờ nghỉ trăng, Vạn Cửu Lợi tập hợp bà con ngư dân để sinh hoạt, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Những vấn đề chúng tôi thường xuyên phổ biến cho ngư dân là các giải pháp cấp bách trong công tác chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Việc làm thường xuyên của Vạn Cửu Lợi là góp phần quản lý chặt chẽ 120 tàu thuyền của ngư dân trong Vạn, trong đó có 70 tàu đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, nhiều năm nay tàu thuyền của ngư dân trong Vạn không có trường hợp nào đánh bắt vi phạm IUU”, ông Trần Chiến cho biết.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, địa phương này hiện có gần 2.500 tàu cá, trong đó hơn 1.800 tàu chuyên khai thác xa bờ, chủ yếu làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương.

Để quản lý chặt tàu thuyền trên địa bàn, thị xã giao cho từng tổ chức cơ sở Đảng và từng đảng viên nhiệm vụ theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của từng phương tiện. Giao Phòng Kinh tế thị xã, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, Ban quản lý Cảng cá Tam Quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát hành trình hoạt động tàu cá thông qua thiết bị giám sát hành trình. Tất cả các phương tiện ra vào cảng phải thực hiện các thủ tục theo quy định.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá ra vào cảng được kiểm soát chặt chẽ, tàu cá đủ điều kiện mới cho xuất bến. Các xã, phường ven biển thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản và Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời có thư gửi cho các chủ tàu cá và ngư dân nêu rõ 4 khuyến cáo của EC. Nếu địa phương nào có tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển bị nước ngoài bắt giữ, lãnh đạo địa phương đó phải làm rõ trách nhiệm trước Thị ủy Hoài Nhơn và địa phương ấy sẽ bị xếp loại đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đó.

“Thông qua thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá, trong những năm qua, thị xã Hoài Nhơn đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định khi đi đánh bắt thủy hải sản trên biển, chủ yếu là vi phạm không bật kết nối thiết bị giám sát hành trình”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn chia sẻ.

Vũ Đình Thung (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang