Tổ quốc nhìn từ Biển

17:25 23-06-2024

VBĐVN.vn - Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Biển đảo Trường Sa đã ghi tạc trong trái tim của mỗi người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Thế hệ tiếp nối thế hệ đã quên mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho đất nước liền một dải, cho Trường Sa và biển đảo là một phần không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu.

Hải trình yêu thương

Đúng 8h sáng ngày 21-5-2024, con tàu KN-390 đưa Đoàn công tác số 23 do Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính ủy Vùng 3 Hải quân làm Trưởng đoàn; nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên làm Phó trưởng đoàn tới thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Chúng tôi mỗi người đều mang trong mình một cảm xúc đặc biệt, trong đó nhiều người lần đầu ra đảo, có người lần hai, lần ba và thậm chí là lần thứ 7 ra với Trường Sa.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cùng Đoàn công tác thăm và làm việc tại đảo Song Tử Tây.

Đảo Song Tử Tây là hòn đảo cao nhất về phía Bắc trong quần đảo Trường Sa, nơi có những công trình, di tích, di sản đặc biệt. Bia chủ quyền, tượng đài quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn sừng sững hướng ra Biển Đông và Chùa Song Tử Tây đều là “cột mốc”, “mắt thần” đánh dấu tọa độ, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đảo xa. Đây cũng là một trong nhiều hòn đảo có người dân sinh sống và còn là nơi đặt Trạm Khí tượng Hải văn Song Tử Tây - một trong 2 Trạm Khí tượng Hải văn trên quần đảo Trường Sa có cán bộ làm nhiệm vụ “đo mưa, đếm gió” để đưa những thông tin về thời tiết phục vụ nhân dân trên đất liền, quân và dân trên đảo cũng như ngư dân ngoài khơi.

Hơn 30 giờ từ cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tàu KN-390 cập đảo Song Tử Tây. Sau đó là hành trình tới 5 điểm đảo: Sinh Tồn Đông, Len Đao, đá Đông A, đá Tây B, Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/12 - Tư Chính.

Ngay khi đặt chân lên đảo, nhà giàn DK1/12, tâm trạng hồi hộp và tự hào là cảm xúc lúc bấy giờ của chúng tôi. Mỗi thành viên trong đoàn đều dành những lời hỏi thăm ân cần, sự chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần các chiến sĩ và người dân đang ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng đảo và vùng trời của Tổ quốc. Đã có nước mắt rơi của người đến và người ở lại, sự xúc động nghẹn ngào trào dâng, những cái bắt tay, những lời nhắn nhủ, những cái ôm vội vàng mà da diết… Thương lắm Trường Sa ơi!

Đến với các đảo chìm: Len Đao, đá Đông A, đá Tây B và Nhà giàn DK1/12 - Tư Chính, chúng tôi thật sự choáng ngợp với vẻ đẹp và sự uy nghi, kiêu hãnh giữa trùng khơi. “View triệu đô” là cách chúng tôi thường nói vui về “Ngôi nhà có nhiều ô cửa”. Ở trong những ngôi nhà ấy, mỗi cán bộ, chiến sĩ của chúng ta là “tỷ phú” thiên nhiên. Nói vui vậy thôi, chứ cuộc sống của chiến sĩ ngoài đảo khắc nghiệt vô cùng, chông chênh giữa đại dương bốn bề là nước.

Tại những điểm dừng chân, Đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình sinh hoạt, đời sống của chiến sĩ và người dân trên đảo (đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn có người dân sinh sống - pv), kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của cán bộ chiến sĩ. Đồng thời, Đoàn công tác đã tặng quà, giao lưu văn nghệ với cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1/12.

Trung úy Đỗ Trung Nghĩa - Chính trị viên đảo Len Đao cho hay: “Nhiều năm trở lại đây, được Đảng và Nhà nước cũng như người dân, kiều bào quan tâm, tới thăm, động viên nên chúng tôi luôn thấy ấm lòng, chúng tôi đón nhận tình cảm từ đất liền chân thành như đón những người thân yêu trong gia đình mình vậy. Tình cảm của đất liền, của hậu phương là nguồn động viên lớn lao, củng cố niềm tin và quyết tâm canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Vui cùng màu xanh trên đảo

Trong tình cảm thân thương ấy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên xúc động chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa. Chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn gian khổ, tận đáy lòng, tôi rất cảm kích trước sự hi sinh, cống hiến to lớn của cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo. Phía sau các đồng chí là đất liền, là cả 100 triệu đồng bào luôn luôn hướng về biển đảo. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối và gửi gắm tới các đồng chí niềm tin về sự bình yên, toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”.

Hải trình thân thương nhắc chúng tôi nhớ về ngày 14-3-1988, trên vùng đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam với tinh thần yêu nước cháy bỏng, ý chí bất khuất quật cường, đã bám trụ đến hơi thở cuối cùng để giữ đảo. Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đúng 16h ngày 23-5-2024, Đoàn công tác số 23 đã tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Trong cái nắng rực cháy giữa biển trời bao la, những giọt nước mắt, giọt mồ hôi của các thành viên đoàn công tác hòa vào lòng biển mặn.

Các anh mãi mãi không về vì sự bình yên của Tổ quốc, xin gửi tặng các anh những cánh hoa tươi thắm, cánh hạc chao lên trong nắng chiều Gạc Ma, đó cũng là sự ghi ơn, tưởng nhớ của hơn 100 triệu người dân đất Việt hôm nay gửi tới các anh với mong ước “các anh hãy yên nghỉ trong lòng đất mẹ, trong sự thương nhớ, biết ơn vô hạn của người thân và toàn thể nhân dân. Biển, đảo quê hương hôm nay đã có lớp lớp các thế hệ con cháu đất Việt thay các anh canh giữ bình yên”.

Diễn viên Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Nghiệp (xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) - đại biểu người dân tộc thiểu số - thành viên Đoàn công tác số 23, chia sẻ: “Đến với huyện đảo Trường Sa, em được khám phá, được sống với những cảm xúc đặc biệt. Đó là tình yêu quê hương đất nước, là Tổ quốc thiêng liêng. Bản thân em cảm nhận rõ hơn tinh thần anh dũng kiên cường và sự hi sinh thầm lặng của những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Trải qua chuyến công tác, em đã hiểu hơn về đời sống của chiến sĩ và người dân trên đảo. Những cuộc gặp “ngắn chẳng tày gang” nhưng để lại nhiều tình cảm xúc động, gần gũi, cởi mở chia sẻ về nhiệm vụ và cuộc sống ở đảo. Điều này làm cho em hát hay hơn, xúc động hơn”.

Cùng chung cảm xúc ấy, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Duyên - giảng viên Trường Đại học Thành Đông xúc động chia sẻ: “Đây là lần thứ 7 tôi ra với Trường Sa. Mỗi lần đi là một cảm nhận khác nhau, mỗi điểm đảo, nhà giàn cũng khác nhau, ví dụ ở đảo chìm hay nhà giàn, giữa đại dương bao la chỉ có một, hai ngôi nhà mọc lên, cảm giác rất chông chênh, lúc đó mình không cầm được nước mắt vì thấy thương và thấy tự hào về các chiến sĩ. Họ đã gác lại hạnh phúc cá nhân để ra đảo, ra nhà giàn làm nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng. Do đó, tôi xác định ra đảo với tâm thế không phải là người dân hay đại biểu, mà là chiến sĩ Trường Sa thực sự”.

Qua các hoạt động của Đoàn công tác số 23 đã góp phần cổ vũ quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1/12 - Tư Chính yên tâm, phấn khởi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trách nhiệm với biển đảo quê hương

Chuyến công tác tuy ngắn ngủi nhưng Đoàn công tác số 23 đã đến thăm quân và dân tại 6 điểm đảo, nhà giàn DK1/12. Đặc biệt, Đoàn công tác đã tham gia chào cờ, duyệt đội ngũ tại đảo Trường Sa Lớn; tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại quần đảo Trường Sa; dâng hương tại tượng đài quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở đảo Song Tử Tây; dâng hương tại chùa: Song Tử Tây, Trường Sa; Sinh Tồn Đông, Nhà tưởng niệm Bác Hồ… Đoàn công tác đã để lại những dòng lưu bút khẳng định sự cảm phục, tin tưởng vào nghị lực và ý chí quyết tâm của quân, dân huyện đảo đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại đảo Trường Sa Lớn

Trường Sa Lớn là một đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa, có quân và dân sinh sống, nằm cách Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khoảng 254 hải lý và cách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 500 km theo đường biển. Thảm thực vật ở đây chủ yếu là cây bàng vuông, muống biển, phong ba, phi lao… người dân còn trồng rau: Cải, muống, mồng tơi, đu đủ, cây gia vị và chăn nuôi gà, ngan, vịt, chó. Đặc biệt, đảo có các công trình: Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tượng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa, chùa Trường Sa, ngọn hải đăng, Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa, trung tâm y tế, trung tâm cứu hộ - cứu nạn, trường học đến cấp tiểu học.

Chia sẻ về cuộc sống trên đảo Trường Sa Lớn, anh Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, cháu lớn thì gửi vào đất liền với ông bà nội để đi học cấp 2, còn cháu bé ở đây cùng với vợ chồng tôi. Tôi tham gia vào Đội dân quân tự vệ trên đảo, còn vợ thì làm nội trợ. Những năm qua, nhờ được Đảng, Nhà nước và Hải quân Vùng 4 quan tâm nên cuộc sống của bà con được cải thiện rõ rệt, chúng tôi yên tâm bám biển, bám đảo và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh”.

Nói về cuộc sống của người dân trên đảo Trường Sa Lớn mà không nhắc tới vai trò của Hội phụ nữ Thị trấn Trường Sa thì thiệt thòi cho các chị. Họ là số nữ giới ít ỏi sinh sống trên đảo nhưng đang đóng vai trò vô cùng to lớn. Họ là hậu phương vững chắc của gia đình, là người mẹ, người bạn và người hàng xóm thân thiết của quân và dân trên đảo.

Chị Phạm Thị Bảy - Hội trưởng Hội phụ nữ Thị trấn Trường Sa (quê ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cho biết: Chị ra đảo được hơn 1 năm. Ngoài việc nhà, các chị còn tham gia thu dọn rác thải nhựa trôi dạt vào đảo, chăm lo vệ sinh môi trường trên đảo như quét dọn, tạo cảnh quan cây xanh, hỗ trợ các chiến sĩ đón tiếp các đoàn khách từ đất liền ra thăm và khi cần, chính các chị sẽ là chiến sĩ sẵn sàng cầm súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Được làm lễ chào cờ, hát Quốc ca giữa Trường Sa, bốn bề là biển thật xúc động và thiêng liêng vô cùng, một cảm giác khó tả. Nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ: Chúng ta đã dự rất nhiều buổi lễ chào cờ và hát Quốc ca nhưng ở tại Trường Sa Lớn thực sự là một trải nghiệm đặc biệt. Qua đây tôi lại càng thấm thía hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Sáng nay, nghe các chiến sỹ tuyên thệ 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng không chỉ là chiến sĩ đâu mà tất cả những người dân chúng ta, đặc biệt trong Đoàn công tác số 23 này phải thề sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đảo Trường Sa Lớn lưu luyến tiễn Đoàn công tác số 23.

Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết thêm: Qua chuyến hải trình lần này, phần nào chúng ta có thể mường tượng được sự thiếu thốn, khó khăn, sự kiên cường, kiên định của quân và dân trên các điểm đảo. Bốn bề là biển, chông chênh, cách xa đất liền và giữa các điểm đảo cách xa nhau, giao thông hạn chế, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhất là nước, thực phẩm tươi và rau xanh. Nhưng các cán bộ, chiến sĩ Hải quân vẫn kiên định, vững vàng và rất lạc quan, điều này khiến chúng ta thêm vững chắc niềm tin ở các anh.

Đại diện cho thế hệ trẻ thể hiện quyết tâm với đoàn công tác, diễn viên Ma Thị Nghiệp cho biết: “Sau chuyến hành trình lần này, bản thân em sẽ tích cực tuyên truyền tới các bạn trẻ về biển đảo, về Hoàng Sa - Trường Sa là một phần không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu. Đồng thời, chúng em xin hứa sẽ có những hành động thiết thực, việc làm ý nghĩa và hun đúc thêm trong mình tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước, chung tay giữ gìn và bảo vệ biển đảo tươi đẹp và thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tôi nhớ mãi những lời tâm sự của Chuẩn đô đốc Nguyễn Đăng Tiến - Chính ủy Vùng 3 Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 23 trên con tàu KN-390: Hoạt động đưa đại diện các tổ chức, đoàn thể, người dân và kiều bào từ đất liền ra thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa sẽ được duy trì đều đặn hàng năm, có thể sẽ tăng số lần ra đảo trong thời gian tới. Đưa đất liền ra với biên cương của Tổ quốc, qua đó các đại biểu chứng kiến được cảnh sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân trên các điểm đảo, thấy được sự khó khăn vất vả, sự kiên trung, đoàn kết của các lực lượng trên đảo và thấy được ý chí sắt đá của quân và dân ta, trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang. Đồng thời, để tất cả người dân, kiều bào ta ở nước ngoài và nhân dân trên thế giới hiểu được, thấy được chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam.

Trong suốt hải trình, được tận mắt chứng kiến, đặt chân lên đảo, nhà giàn, chúng tôi mới thấy biển cả thật rộng lớn, hùng vĩ và thân thương đến nhường nào! Biển đảo là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể chia cắt. Rời Trường Sa, tôi càng cảm nhận lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng/ Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển/Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Doãn Xuân - Phạm Khải (baotainguyenmoitruong)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang