Triển khai cấp thẻ ngư dân 'vùng xanh' đánh bắt hải sản gần bờ

21:15 19-09-2021

VBĐVN.vn - Ngày 18-9, UBND huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức lấy ý kiến ngư dân về kế hoạch triển khai hoạt động đánh bắt trên biển, đây là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai cho ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản gần bờ.

Toàn cảnh bãi ngang thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN

Theo Kế hoạch UBND huyện Đất Đỏ trình UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ ngày 19-9, ngư dân làm nghề thúng máy, đò nan hoạt động gần bờ sẽ được ra biển đánh bắt thủy sản trên cơ sở phương án đã chuẩn bị và được phê duyệt. Sau 10 ngày áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện tiếp tục đạt được kết quả khả quan: Từ ngày 8-9 đến nay không phát sinh ca F0 mới; toàn huyện có 8/8 xã, thị trấn tiếp tục giữ vững trạng thái bình thường mới.

Ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, tổng số phương tiện hoạt động gần bờ (có chiều dài dưới 12 m) của huyện gồm đò nan, thúng máy là 836 phương tiện/1.380 ngư dân với sản lượng hải sản dự kiến khoảng 14,8 tấn/ngày. Mỗi ngày ngư dân đánh bắt hải sản trên biển trung bình khoảng 4 - 5 giờ, phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở lại thuộc vùng biển huyện Đất Đỏ. Thời gian bắt đầu đi, về từ 4 - 9 giờ và từ 11 - 15 giờ trong ngày tùy theo con nước, hải sản đánh bắt chủ yếu là mực, cá nhỏ. Thời gian qua, ngư dân trên địa bàn huyện đã chấp hành quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tạm thời không ra biển.

Theo phương án của huyện Đất Đỏ, ngư dân được phép đi biển phải là người thường trú trên địa bàn huyện Đất Đỏ; bắt buộc các ngư dân phải đánh bắt cá gần bờ và có xác nhận của địa phương (ngư dân khi đi đánh bắt hải sản phải có thẻ in plastic do địa phương cấp). Mỗi ngày huyện sẽ bố trí luân phiên 30% trên tổng số phương tiện xuất bến hoạt động (250 phương tiện, sản lượng ước khoảng 3,7 tấn). Một phần hải sản sẽ được chủ phương tiện bán trực tiếp tại bãi ngang khi cập bờ cho người dân và các thương lái trên địa bàn Phước Hải, Lộc An; số còn lại bán tại các chợ trên địa bàn huyện, việc tiêu thụ sản phẩm đánh bắt trên biển phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tùy theo con nước thực tế, địa phương sẽ cấp giấy xác nhận đi biển cho ngư dân trong khung giờ phù hợp theo từng loại ngành nghề, đảm bảo thuận lợi cho người dân đi đánh bắt hải sản.

Các lực lượng chức năng sẽ phối hợp cùng lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư, giám sát việc hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, nhất là những vùng giáp ranh với các huyện vẫn đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Sau khi UBND huyện họp, thống nhất ý kiến với bà con ngư dân, lực lượng chức năng tiến hành cấp thẻ để bà con ngư dân hành nghề mưu sinh. Lực lượng kiểm soát căn cứ theo thẻ này để chấp thuận cho ngư dân xuống biển.

Mỗi ngày bố trí luân phiên 30% trên tổng số phương tiện xuất bến hoạt động với số lượng 250 phương tiện (sản lượng khoảng 3,7 tấn). Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN

Anh Nguyễn Văn Lợi, ngư dân thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ cho biết "hiện nay thị trấn Phước Hải có trên dưới 600 phương tiện đánh bắt hải sản, tôi cho rằng nên chia thành 3 nhóm, cấp thẻ đánh bắt thành 3 màu, 1 ngày 1 nhóm sẽ ra biển đánh bắt để đảm bảo công bằng. Nguyên nhân là do nghề biển rất thất thường, không thể đi theo khung giờ và người ra trước sẽ được ưu thế về sản lượng, người ra sau đã không có sản lượng mà khi về bờ lại phải bán giá thấp hơn, đó là băn khoăn của người dân".

Ông Nguyễn Văn Hạnh, chủ tàu sinh sống tại thị trấn Phước Hải cũng bày tỏ rất hoan nghênh việc được phép đánh bắt hải sản trở lại, ngư dân cần nhắc nhở nhau, vừa đi biển vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo sức khỏe bản thân.

Ngư dân chuẩn bị ngư lưới cụ chuẩn bị đi biển tại bãi ngang thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ. Ảnh: Ngọc Sơn/TTXVN

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, huyện Đất Đỏ đã chi hỗ trợ 18.311 người với số tiền hơn 32 tỷ đồng. Riêng các trường hợp ngư dân đánh bắt gần bờ, trong ngày 17 và 18-9, huyện thực hiện tạm ứng ngân sách chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người để bà con vượt qua khó khăn do quãng thời gian không được đánh bắt vừa qua.

Ông Huỳnh Sơn Thái, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, để giữ vững "vùng xanh", khôi phục hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện, lãnh đạo huyện đã thống nhất các giải pháp thực hiện đến ngày 22-9 sẽ vừa chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt người đến và đi về từ vùng dịch, không để phát sinh ca bệnh ngoài cộng đồng; chuẩn bị các điều kiện để mở các chợ truyền thống đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Huyện tiếp tục duy trì 4 chốt tại địa bàn giáp ranh với các huyện lân cận và các chốt bảo vệ "vùng xanh" trên địa bàn các xã, thị trấn; kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn, kể cả các thùng đựng hàng hóa, tuyệt đối không để người lạ vào địa bàn huyện, kiểm soát giờ ra vào của từng phương tiện để xử lý kịp thời; kiểm soát đối với người đi khám bệnh ngoài tỉnh về huyện, xử lý theo đúng quy định về phòng chống dịch.

Ngoài ra, Huyện Đất Đỏ cũng tạo điều kiện, hỗ trợ người dân thu hoạch Hè Thu chính vụ, các loại cây trồng đang vào vụ; duy trì đảm bảo an toàn "vùng xanh" tại các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”; hướng dẫn các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh các thủ tục để hoạt động trở lại, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang