Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
VBĐVN.vn - Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 4 năm qua, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, song mục tiêu lớn nhất là gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) chưa đạt được.
Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan… có xu hướng giảm dần, nhưng còn diễn biến phức tạp. 8 tháng năm 2021, xảy ra 43 vụ/69 tàu/542 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (giảm 21 vụ/35 tàu so với cùng kỳ năm 2020). Các địa phương có nhiều tàu vi phạm là: Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến. Xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm về khai thác IUU đã có chuyển biến tích cực ở một số địa phương như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử phạt chưa thật sự nghiêm minh, chưa đồng bộ giữa các địa phương.
Đến nay, đã có 27.716 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trong tổng số 30.615 tàu cá phải lắp đặt theo quy định, đạt khoảng 90,5% và 90,53% tàu cá đã đánh dấu tàu cá theo qui định. Một số tỉnh tỷ lệ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn thấp mới đạt dưới 75% gồm: Quảng Ninh, Quảng Trị, Trà Vinh.
Theo Tổng cục Thủy sản, công tác kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng cá cơ bản đã được kiểm soát theo qui định. Tại các địa phương đã bước đầu tăng cường nhân lực, đào tạo tập huấn cho cán bộ, nhân viên; bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền, kết nối dữ liệu; ban hành các quy trình, quy định và tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; giám sát, ghi chép, xác nhận sản lượng bốc dỡ tại các cảng. Hiện tại, Tổng cục Thủy sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh 1 số Nghị định nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.
Tổng cục Thủy sản cho biết, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống khai thác bất hơp pháp; chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá. Tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng giáp ranh có nhiều tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống khai thác bất hợp pháp. Xử lý nghiêm các trường hơp cố tình không lắp thiết bị giám sát hành trình, ngắt kết nối và vi phạm vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, các địa phương cần rà soát, đưa vào danh sách và có kế hoạch giám sát, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá có dấu hiệu, động cơ sang vùng biển nước ngoài hoạt động khai thác bất hợp pháp và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hơp cố tình vi phạm.
Tổng cục Thủy sản cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hơp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 để các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện, góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" của EC.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận