Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Côn Đảo
VBĐVN.vn - Tại Cầu tàu 914 huyện Côn Đảo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và UBND huyện Côn Đảo tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030".
Huyện Côn Đảo là huyện đảo có ý nghĩa lịch sử cách mạng rất quan trọng không những với nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn đối với nhân dân cả nước. Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo trong việc bảo tồn, khai thác và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, Côn Đảo còn có vị trí chiến lược trong hệ thống biển đảo Việt Nam đối với công tác bảo đảm quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia. Với thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cùng với các giá trị lịch sử, du lịch và dịch vụ đang là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện đảo, chiếm khoảng 90% tổng thu hàng năm của nền kinh tế huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và thành tựu đạt được về kinh tế-xã hội, trong những năm gần đây, Côn Đảo đã và đang phải đối diện với không ít những vấn đề thách thức về môi trường cần được đánh giá, quan tâm như: vấn đề xử lý rác thải; thực trạng thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt; các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên của Côn Đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu.
Những diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động khai thác du lịch, giảm sản lượng sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước ngọt dự trữ. Ngoài ra, những cơn bão lớn kết hợp nước biển dâng có thể xâm lấn sâu vào đảo và ảnh hưởng chất lượng nước ở các hồ chứa. Bên cạnh đó, khi nước biển ấm lên dẫn đến hiện tượng chết trắng ở san hô, các loài sinh vật mất sinh cảnh sống gây suy giảm sản lượng ở các ngư trường thuỷ sản xung quanh; có thể làm suy thoái các hệ sinh thái cỏ biển quanh đảo và tác động không nhỏ tới loài bò biển còn lại ở Việt Nam.
Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên tinh thần tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực nhằm xây dựng các chuỗi kết nối, gia tăng giá trị, đặc biệt là giữa cơ quan nghiên cứu, chính quyền, doanh nghiệp, người dân cùng các bên liên quan khác nhằm đưa ra các giải pháp có tính khoa học và thực tiễn cao.
Đề án chú trọng các giải pháp huy động đa nguồn lực từ việc nghiên cứu lồng ghép các chương trình quốc gia, địa phương, nghiên cứu giải pháp huy động nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế thông qua đóng góp các chương trình toàn cầu (bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, phát huy các giá trị văn hóa, xã hội), huy động nguồn kinh phí từ tư nhân, doanh nghiệp thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm. Đề án xây dựng chính sách quản lý, khuyến khích thúc đẩy nền kinh tế hiện tại dịch chuyển theo định hướng của nền kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường bao gồm năng lượng, nước, vật liệu, bảo tồn thiên nhiên.
Ông Nhật chia sẻ, lộ trình triển khai, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2022-2025: chuẩn bị các cơ sở pháp lý, giải pháp công nghệ, các phương án hành động và quy chế quản lý cho các đề án, dự án thuộc đề án; triển khai thử nghiệm các chính sách tuần hoàn, các đề án thử nghiệm từ kết quả của các đề án nghiên cứu, kêu gọi đầu tư cho các dự án tích hợp. Trong đó, năm 2023 được xác định là năm bản lề, triển khai gần như toàn bộ các giải pháp, nhiệm vụ trong giai đoạn 2023-2025. Giai đoạn 2026-2030, triển khai mở rộng đề án trên cơ sở thành tựu và bài học rút ra từ giai đoạn 2023-2025.
Trước những khó khăn thách thức từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Côn Đảo, việc tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh-tăng trưởng kinh tế bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu và hài hòa với hệ sinh thái đặc trưng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Do vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn đối với huyện Côn Đảo có thể xem là một trong những giải pháp chiến lược nhằm tạo bước đột phá trong giải quyết các tồn tại mang tính đa mục tiêu như hiện nay, giúp Côn Đảo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững của huyện đảo. Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường (bao gồm biến đổi khí hậu, nước biển dâng) đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, trong năm 2023, huyện Côn Đảo đề xuất ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ có tính chất kế thừa nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay cũng như định hướng chiến lược cho phát triển bền vững của huyện như: xây dựng sản phẩm du lịch Côn Đảo tuần hoàn; tổ chức điểm du lịch tuần hoàn tại Vườn Quốc gia Côn Đảo; xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tuần hoàn, sản phẩm du lịch tâm linh-lịch sử tuần hoàn; sản phẩm khách sạn tuần hoàn, ứng dụng năng lượng tái tạo...
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường; nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng các chương trình cung cấp nước sạch và tái sử dụng nước thải; tăng tỉ lệ xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải cho các mục đích khác nhau trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh dịch vụ tại Côn Đảo; khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường.
Thông qua việc triển khai đề án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho Côn Đảo, một mặt có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện, mặt khác giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, sinh thái, chủ động ứng phó với những thay đổi môi trường đáp ứng các yêu cầu, chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra. Đồng thời, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phục vụ thúc đẩy tăng trưởng bền vững của huyện đảo, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phạm vi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cả nước.
Huỳnh Sơn /TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận