Trọn lời thề giữ biển Bài 3: Đảo nhỏ, nơi tình yêu đơm hương (Tiếp theo và hết)
VBĐVN.vn - Ở nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống còn nhiều gian nan, nhưng đã có nhiều đôi vợ chồng trẻ chắt chiu, gieo mầm hạnh phúc.
Họ coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương, màn hiện sóng là chiến trường”. Tình yêu ấy nhân lên thành sức mạnh để góp phần gìn giữ và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc...
Đại tá Nguyễn Duy Long, Chính ủy Trung đoàn 351 (Vùng 3 Hải quân) cởi bỏ áo khoác ngoài rồi dẫn tôi "bò" lên đỉnh dốc “ngựa hý”. Sau một giờ đồng hồ “đánh vật” với con đường độc đạo, chúng tôi cũng lên tới khu A Trạm Ra-đa 550 giữa chênh vênh vách đá.
Dõi mắt về phía biển xa, nơi ấy thấp thoáng những chiếc tàu cá ngư dân neo đậu, anh Long giải thích: “Bây giờ trông bình yên vậy nhưng mùa hạ nắng như đổ lửa, còn mùa mưa thì lạnh thấu xương, gió gào rít đến ghê người. Mùa biển động có khi cả tháng trời quân dân trên đảo ca mãi “điệp khúc” cá khô, nước mắm.
Gian khổ là thế nhưng nơi đầu sóng ngọn gió này đã có “làng quân nhân” rồi đấy. Ở vài hôm anh sẽ biết, những người lính trên đảo nhỏ này giàu niềm tin và nghị lực như thế nào. Biết vượt gian khổ, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là phẩm chất quý giá của người chiến sĩ giữ đảo”.
Đúng như lời Chính ủy Nguyễn Duy Long tâm sự, tình yêu đã giúp họ vững vàng kiên trung giữa sóng cuồng, bão giật. Buổi ban đầu chỉ có vài cặp vợ chồng dũng cảm khăn gói từ đất liền ra đây, vậy mà bây giờ đã thành “làng quân nhân”.
Đây chính là cơ sở đặt nền móng xây dựng, củng cố “chiến hạm” Lý Sơn thành phên giậu vững vàng bảo vệ cả một vùng biển miền Trung rộng lớn. Cứ mỗi ngày nhìn khói lam chiều vương vấn sẽ vợi bớt nỗi nhớ đất liền trong lòng người lính trẻ. Câu chuyện về những cặp vợ chồng trên đảo nhỏ này đều sáng trong như ngọc.
Đầu tiên phải kể tới là câu chuyện tình yêu của Đại úy QNCN Hoàng Đình Hinh, nhân viên trạm nguồn Trạm Ra-đa 550. Ra đảo từ năm 1994, nhưng mãi tới năm 1998 Hinh mới dám “tiếp cận” cô giáo trẻ Bùi Thị Bích Thuận trong lần giúp Trường THCS An Vĩnh khắc phục hậu quả sau bão. Một thời gian sau, cô giáo trên đảo chẳng ngại ngần tặng chàng lính trẻ nụ hôn mặn mòi của biển. Và sau 3 năm thử thách, mùa xuân 2001, họ nên duyên chồng vợ.
Hơn một năm sau, Thuận sinh con trai đặt tên là Hoàng Ngọc Lam. Nhưng cuộc đời chẳng chiều theo ý muốn của riêng ai. Từ cuối năm 2003, những cơn đau đầu và chóng mặt liên tục hành hạ Thuận. Đi khám, bác sĩ kết luận chị bị suy thận giai đoạn 1. Vậy là vợ chồng Hinh dồn hết tiền lương lo chạy chữa, thuốc thang hằng tháng. Đời sống gia đình hết sức khó khăn, lại mang trong mình bệnh nặng, nhưng chị Thuận vẫn bám trường, bám lớp. Tuy vợ thường xuyên đau ốm, nhưng Hinh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hễ có chút thời gian là anh lại “xuống núi” chăm sóc vợ tại phòng vô trùng. Anh thay chị làm hết mọi việc nội trợ trong gia đình. Gian khổ là thế nhưng trong mái ấm của anh chị luôn tràn đầy sự lạc quan, tin tưởng.
Tôi nhớ mãi câu nói của chị Thuận trong bữa cơm tất niên trên Trạm Ra-đa 550 vào dịp Xuân 2015: “Trên đời này còn nhiều gia đình cực khổ hơn em nhiều. Bao thế hệ cha anh dày công xây dựng và bảo vệ đảo, còn sống ngày nào em sẽ cố gắng đóng góp sức gieo chữ, ươm mầm tri thức cho con em mình”. Câu nói ấy đã khiến tôi và nhiều người có mặt hôm đó thêm khâm phục ý chí và nghị lực phi thường của chị. Những tưởng chị Thuận còn sống thêm nhiều năm với chồng con, nhưng rồi chị đã ra đi vào năm 2017...
Cũng chính vì kính trọng đức hy sinh, tận tụy 16 năm trời đằng đẵng nuôi vợ trong cảnh đau ốm triền miên và thương cảm hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của anh lính đảo Hoàng Đình Hinh nên cô thiếu nữ cùng quê Xuân Sơn (Đô Lương, Nghệ An) là Nguyễn Thị Bình đã chấp nhận từ biệt làng quê để vào Quảng Ngãi làm dâu lính đảo. Vốn chịu thương, chịu khó nên chị Bình tất tả buôn bán nhỏ, cùng chồng chắt chiu nuôi cháu Hoàng Ngọc Lam (con vợ đầu của anh Hinh) đang là sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh....
Có lẽ may mắn nhất trong chuyện xây hạnh phúc trên đảo nhỏ phải kể tới Đại úy QNCN Nguyễn Trung Ngư, nhân viên quản lý Trạm Ra-đa 550.
Trong buổi chiều tà của 21 năm về trước, chiếc xuồng máy vừa cập vào âu tàu, Ngư đang loay hoay với chiếc ba lô trĩu nặng ở ngã ba đường thì trông thấy một cô gái đạp xe về hướng mình. Chỉ đợi có vậy, Ngư lập tức hỏi thăm ngay. Cảm thông với người chiến sĩ lần đầu tiên ra đảo nên cô gái chẳng ngại ngần đèo Ngư về tận cổng đơn vị. Vì đoạn đường ngắn, cả hai lại ngập ngừng nên họ chẳng kịp hỏi tên nhau. Bẵng đi một thời gian, hôm ấy, trạm cử lực lượng về giúp dân thu hoạch hành, tỏi. Có lẽ do “trời xui đất khiến” nên Ngư lại tới giúp đúng gia đình cô gái. Thế là hai người quen nhau rồi bén duyên.
Đám cưới được tổ chức trong niềm hân hoan thắm tình đoàn kết quân, dân. Bây giờ họ đã có hai con. Con trai đầu lòng của anh chị là cháu Nguyễn Trung Anh, sinh năm 2002, hiện là sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, con gái út là cháu Nguyễn Thị Chung Thúy, sinh năm 2008, đang học lớp 7. Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mỹ (vợ anh Ngư) thật thà tâm sự: “Anh ấy cứ trực miết trong đơn vị. Công việc gia đình “khoán gọn” luôn cho em. May mà có ông bà ngoại ở gần. Đôi lúc em nổi cáu mà “ông xã” vẫn cứ cười trừ, người đâu mà hiền khô à...”.
Chuyện tình của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Định, ngành trưởng ra-đa khởi nguồn trong một đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa đơn vị với Chi đoàn xã An Hải. Đêm đó, nữ sinh duyên dáng Trương Ánh Hồng thấy MC dẫn chương trình là một chàng hải quân to con, đẹp trai, có giọng nói nghe thật quyến rũ nên đã ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Còn MC Văn Định lại bị hớp hồn bởi giọng ca ngọt ngào của cô gái miệt biển duyên dáng nhất nhì xứ đảo.
Đợi cho Ánh Hồng hát xong ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, Định mới bối rối tặng cô nữ sinh ngành kế toán cành hoa muống biển. Mùa xuân 2008, hai người nên duyên chồng vợ. Kết quả của mối tình ấy là hai công dân lần lượt chào đời trên đảo nhỏ tiền tiêu. Cháu lớn Nguyễn Chí Công, sinh năm 2009, còn cháu thứ hai là Nguyễn Chí Thành, sinh năm 2013. Vì Định bận trực liên miên trong đơn vị, còn Hồng thì lo công việc ở xã nên họ gửi con cho bà ngoại (cùng ở đảo Lý Sơn) trông giúp. Và “tiền lệ” này đang được các chàng rể là quân nhân trên đảo “tận dụng triệt để”.
Trên đảo còn có nhiều gia đình “quân-dân” tiêu biểu như cặp vợ chồng Đại úy QNCN Lê Trọng Chung, ngành trưởng thông tin với chị Trần Thị Mai Hương, y tá Bệnh viện Quân dân y kết hợp; Đại úy Trần Công Tài, Chính trị viên Trạm Ra-đa 550 với chị Phan Thị Kim Khuê... Tất cả những cặp vợ chồng ấy đều chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng thêm giàu đẹp.
Tôi nhớ lần đến thăm “làng quân nhân”, đồng chí Võ Xuân Huyện, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn đã khẳng định: “Làng quân nhân” với những cặp vợ chồng “quân-dân” là một mô hình lý tưởng. Mô hình ấy cần được nhân rộng ở những nơi đảo xa. Đây là cơ sở, nền tảng để phát triển cư dân, góp phần bảo vệ phên giậu của Tổ quốc”.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, cuộc sống còn nhiều gian nan, nhưng đã có nhiều đôi vợ chồng trẻ chắt chiu, gieo mầm hạnh phúc. Tình yêu mặn nồng chan chứa ấy đã nhân lên thành sức mạnh để họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc. Chiều nay, tiếng ru con ầu ơ của người mẹ trẻ từ đảo xa cất lên nghe tha thiết, nồng ấm cả một vùng biển, đảo. Thanh âm ngọt ngào ấy là lời ru của những người gieo mầm hạnh phúc trên đảo nhỏ.
Những ngày đến với cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân, tôi cảm nhận được rằng, nắng, gió và những khó khăn, vất vả đã rèn luyện cho họ bản lĩnh, niềm tin chiến thắng.
Mỗi nhân vật tôi gặp, mỗi gương mặt tôi quen, dù đó là tướng lĩnh, cho tới những thủy thủ đều tỏa sáng nét đẹp mộc mạc, chân tình như chính cuộc đời của họ. Thế nên, những tập thể đơn vị, những cá nhân tôi đề cập trong loạt bài này mới chỉ là nét chấm phá về cuộc đời của họ. Song bấy nhiêu thôi cũng đã nói lên sự hy sinh thầm lặng và những chiến công của những người chiến sĩ trọn lời thề giữ biển.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận