Trong biếc Cù Lao Xanh

14:32 04-05-2020

Khi chúng tôi đến bến Hàm Tử, xế góc phía Bắc của bãi biển vành trăng Quy Nhơn, chuyến tàu khách đầu giờ chiều ra Cù Lao Xanh - xã đảo Nhơn Châu vừa rời bến. Những ngư dân trên bến cảng lúi húi lao động trên tàu cá quanh đó tỏ ý tiếc nuối giùm khi chúng tôi trễ chuyến tàu cuối cùng trong ngày ra đảo. Vậy là nương theo đó, tôi đề nghị bao riêng một chuyến tàu cá đi Nhơn Châu mà sau đó cảm thấy may mắn vì đã gặp được ông chủ tàu hay chuyện. Suốt hành trình, lão ngư kể về Cù Lao Xanh như mảnh đất ruột thịt của những người đi biển Bình Định.

Cuộc sống thường ngày của ngư dân Cù Lao Xanh bên bãi biển tuyệt đẹp

Đảo gần mà xa

Chẳng bao lâu, tôi không thể nghe rõ người lái tàu nói gì vì tiếng sóng biển ào ào cấp 5 khi con tàu chao lắc bất thường lúc vừa qua khỏi cửa Hàm Tử. Cù Lao Xanh hiện ra ở đường chân trời trên con đường biển dài 24km, nhưng con tàu cứ mải miết đè sóng suốt gần 2 giờ đồng hồ mới tới. Đi hoài mà cái chấm xanh biếc ấy vẫn ở phía xa, trong khi thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mờ dần phía sau. Tượng đài Trần Hưng Đạo trên bán đảo Phương Mai tạc vào màu cát của đất liền cứ khuất dần. Chủ tàu chỉ tay về phía eo gió giữa vách đá dựng nói: “Chỗ này hiểm, hôm trước vừa có tàu hàng bị đắm còn chưa trục vớt hết được”.

Người lái tàu nói, biển Quy Nhơn xanh hơn và trong hơn hẳn những vùng biển khác. Bờ biển thoáng rộng hướng thẳng ra đại dương. Khu vực này chính là vị trí của thị cảng Nước Mặn trong lịch sử. Vào thời phồn thịnh thế kỷ 17, thị cảng cổ này và đầm Thị Nại là trung tâm thương mại, kinh tế và văn hóa của xứ Đàng Trong. Những trầm tích văn hóa mờ dần cũng là vận động quy luật của thời thế. Chỉ có dân đi khơi hay ghé Cù Lao Xanh mỗi khi có gió lớn, tàu đuối không chạy nổi về đất liền.

Cuối cùng, Cù Lao Xanh cũng hiện ra ngay trước mũi tàu. Cầu tàu phía Nam gió lớn quá, chúng tôi không thể cập vào đảo, đành chọn cách tiếp cận bờ phía Bắc, sau đó nhảy ào xuống bãi cát. Bằng cách ướt nhẹp và nhơm nhớp nước biển, chúng tôi chào Cù Lao Xanh, bắt đầu trải nghiệm như thế với viên ngọc bích giữa biển miền Trung.

Trước đây, Cù Lao Xanh là đơn vị hành chính của tỉnh Phú Yên. Nhìn trên bản đồ, hòn đảo xếch chéo về mé biển ngoài vịnh Xuân Đài. Ngày nay, hòn đảo - thường gọi là cù lao theo tập quán địa phương thuộc xã đảo Nhơn Châu của thành phố Quy Nhơn. Ra đến đảo rồi, tôi mới hay nơi này gần như khác lạ với phần lớn tuyến đảo gần bờ của duyên hải miền Trung. Cùng với sự bùng nổ của cách làm du lịch làng chài ven bờ, hải đảo rất hiệu quả hiện nay, các hòn đảo đều thay đổi chóng mặt, đông đúc khách du lịch, tốc độ xây dựng chóng mặt. Nhưng với Cù Lao Xanh - hình như mọi thứ mới đang ở điểm xuất phát.

Đêm trước ánh sáng

Điều thiệt thòi nhất là Cù Lao Xanh chưa có điện lưới quốc gia. Trạm phát điện nhận hỗ trợ 4 tỉ đồng ngân sách mỗi năm duy trì được 12 tiếng mỗi ngày có điện máy phát. Từ 9 giờ tối cho đến sáng hôm sau, hòn đảo im lìm, mọi hoạt động dùng pin sạc dự phòng kéo dài thêm được độ 1 giờ đồng hồ nữa rồi tắt hẳn.

Đêm trước ánh sáng, xã đảo Nhơn Châu càng nôn nóng chờ đợi có điện lưới, càng làm tăng cảm giác như hòn đảo xa cách diệu vợi. Cầu tàu trên đảo xây dựng năm 1998 hứng nhiều trận bão khiến nó rách toang tơi tả. Mỗi tối, bà con trên đảo và khách du lịch tập trung ở chỗ cầu tàu này ăn uống, hóng gió biển. Có người ngủ luôn trên cảng cho mát, khỏi muỗi. Nhịp sống trên đảo không thể tránh khỏi việc phụ thuộc vào những chuyến tàu chợ đến và đi. Những lần có bão cô lập, lại là một lần hòn đảo có vị trí chiến lược an ninh - quốc phòng trọng yếu này dấy lên niềm lo lắng, đau đáu không yên cho những người ở đất liền.

Hòn đảo trong xanh, sạch đẹp chỉ còn chờ nguồn điện lưới trong nay mai

Xã đảo Nhơn Châu rộng đến 352ha nhưng chỉ có 650 hộ dân với khoảng 2.500 nhân khẩu. Điện lực Bình Định đối phó với sức ép quá tải điện máy phát trên đảo bằng cách lắp đặt thêm máy phát và cải tạo đường dây để trước mắt không bỏ lỡ cơ hội phát triển của Cù Lao Xanh. Sau là để người dân bắt đầu tiến hành đầu tư đón trước thời điểm có điện lưới. Quan trọng hơn nữa, câu ca bao đời nay ở Nhơn Châu sẽ có cơ hội thay đổi.

Ngư dân Nguyễn Mười trầm ngâm nói với tôi, đã thành định kiến, xưa nay, thanh niên Cù Lao Xanh đến tuổi lao động thường là bôn ba khắp nơi kiếm sống. Chỉ khoảng 1 năm trở lại đây, hòn đảo bắt đầu phát triển du lịch. Tôi tìm gặp người đàn ông được cho là người tiên phong mở rộng cửa nhà mình cho khách du lịch tới ở lại khi ra đảo. Căn nhà vợ chồng Mạnh - Lan ở ngay bến tàu đi lên trông cũ kỹ và bừa bộn, giống một vựa hải sản hơn là một nhà nghỉ homestay kinh doanh du lịch. Như bao gia đình khác, vợ chồng anh giờ cũng gửi các con vào đất liền học trung học. Nhà neo người quá, hôm nào vợ vào đất liền thăm con hoặc đi mua gom hải sản là anh quýnh quáng, việc nhiều quá không xuể, anh đành đóng cửa hàng luôn. Khách hàng quen miệng tới gõ cửa, xông vào tủ lạnh mang cả hải sản ra tự làm, tự nhậu.

Anh phân trần: Hồi mới mở dịch vụ homestay, khách đông vui lắm. Nhà anh như cái trạm nghỉ trên đảo. Khách tới là liệng đồ đây rồi đi tắm biển, đi ngắm san hô, đi leo núi lên ngọn hải đăng, lên cột cờ Nhơn Châu, tối khuya mới về nhà anh ngủ. Từ hồi có công ty du lịch mở ra tới giờ, độ tháng nay, khách qua bên mấy cái nhà nghỉ mới xây ở, chi phí đắt hơn, nhưng ai chả thích tiện nghi. Mỗi cuối tuần, thanh niên và BĐBP đều đặn vận động bà con đi nhặt rác, làm sạch bãi biển. Dù ở chợ hay trong đường làng không được xả rác bừa bãi, có thùng gom rác.

Mỗi lần bọn trẻ kéo nhau ra đảo, mặc áo cờ đỏ sao vàng lên chào cột cờ trên đỉnh núi Nhơn Châu, đi làm sạch bãi biển, trong lòng những dân Nhơn Châu cũng thêm phần tự hào vì đã qua thời gian khó họ trụ lại được với hòn đảo mà chính họ biết sẽ rất phát triển trong nay mai.

Điện lưới ra đảo sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho sự phát triển, Cù Lao Xanh sẽ không còn đứt đoạn với đất liền.

Nguồn:bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang