Trong xanh biển đảo Quảng Ninh. Bài 1: Cuộc chiến xóa phao xốp trên biển

12:23 21-06-2024

VBĐVN.vn - Bằng những quyết sách đúng đắn về bảo vệ môi trường biển nỗ lực xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, Quảng ninh đang thực hiện hướng đi đúng đắn trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển bền vững kinh tế biển xanh.

Nhiều năm về trước, việc đóng bè phao xốp để nuôi hàu, hà, cá phát triển nở rộ tại nhiều địa phương ven biển Quảng Ninh. Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc nuôi biển đem lại việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc nuôi thủy sản đã hiện hữu với hàng nghìn tấn rác từ phao xốp, tre, luồng trôi nổi gây ô nhiễm môi trường biển. Và rồi để bảo vệ màu xanh của biển, Quảng Ninh đã quyết tâm “nói không” với phao xốp trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển.

Giải bài toán xóa phao xốp

Với bờ biển dài 250km, Quảng Ninh có diện tích mặt biển hơn 6.000km², trên 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều và trên 32.000ha NTTS, tập trung ở 8/13 địa phương. Đây được coi là tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành NTTS mặt nước và đáy, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân vùng ven biển.
Trước đây, người dân ở các địa phương ven biển thường sử dụng tre, luồng và phao xốp kết làm giàn bè để nuôi các loại thủy sản như cá, hàu, hà. Việc dùng phao xốp được người dân lựa chọn vì có giá rẻ, có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền không cao, nên chỉ vài năm đưa vào sử dụng, nhất là khi vào mùa mưa bão, các bè NTTS bị sóng to, gió lớn đánh vỡ, phao xốp vỡ nát, tre, luồng trôi dạt trên biển, vừa gây thiệt hại về tài sản, vừa gây ô nhiễm môi trường biển.
Để giải bài toán thay thế phao xốp trong NTTS, hướng tới phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS lợ, mặn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc thay đổi được quy định rõ lộ trình thực hiện là từ ngày 1-1-2021, các cơ sở NTTS lợ, mặn thực hiện đầu tư mới phải đáp ứng đúng theo quy chuẩn. Đến ngày 1-1-2023, các cơ sở NTTS đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn.

Phao xốp người dân sử dụng trước đây.

Quy định là vậy, nhưng khi bắt tay vào thực hiện là cả một quá trình tuyên truyền, vận động và giải quyết “có tình có lý”, bởi nhiều hộ nuôi biển đã đầu tư hàng tỷ đồng để kết bè, mua con giống, thuê người trông nom, thu hoạch hàu, hà.
Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Văn Bắc - Phó Chủ tịch thị xã Quảng Yên cho biết: Việc thay đổi hàng triệu quả phao xốp được người dân NTTS dùng từ hàng chục năm qua là việc không hề dễ, nhưng với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác vận động, tuyên truyền được đẩy mạnh, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người NTTS trên địa bàn tỉnh. Việc tuyên truyền làm rõ hiệu quả của việc sử dụng phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE vừa có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với sóng to, gió lớn, tuổi thọ hàng chục năm so với phao xốp trước đây.

Xã Hoàng Tân, một trong những địa phương có diện tích NTTS lớn nhất của TX. Quảng Yên, trong đó chủ yếu là sử dụng phao xốp nổi làm nhà bè nuôi cá, hàu, hà treo dây. Ông Dương Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân chia sẻ: Thời gian qua, địa phương đã tăng cường tuyên truyền bà con chuyển đổi từ sử dụng phao xốp sang dùng phao nổi đạt quy chuẩn vừa tăng cường sức chịu đựng trước bão, gió đảm bảo tài sản, vừa không gây ô nhiễm môi trường biển.
Còn anh Nguyễn Văn Thế - một trong những hộ nuôi hà treo dây tại xã Hoàng Tân bộc bạch: Được chính quyền địa phương vận động, tôi nhận thấy việc thay thế phao xốp sang phao nhựa HDPE là hợp lý, dù giá cao hơn phao xốp nhưng độ bền gấp hàng chục lần, chịu được sóng, gió và góp phần bảo vệ môi trường biển, vì vậy tôi quyết định chuyển đổi từng bước sang sử dụng phao nhựa.

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Với giải pháp thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE của Quảng Ninh được nhiều địa phương ven biển trong cả nước đánh giá là cách làm sáng tạo, tiên phong, góp phần quan trọng trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện với môi trường trên vùng biển. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong NTTS.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian qua, các địa phương, sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp NTTS thực hiện chủ trương chuyển đổi, xóa phao xốp thay thế bằng phao nhựa đạt quy chuẩn, góp phần bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, cũng như nâng cao giá trị nuôi biển.
Thị xã Quảng Yên có bờ biển chạy dài hơn 30km với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nhiều cửa sông, bãi triều và vùng biển nằm trong vịnh kín và là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị cao. Đây là tiềm năng, lợi thế để địa phương phát triển ngành NTTS, tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Nhằm hướng đến mục tiêu phát triển NTTS trên biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, TX. Quảng Yên đã xây dựng đề án phát triển NTTS trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Mục tiêu đến năm 2025, thị xã sắp xếp lại khoảng 20.000 bè nuôi hàu, hà và có khoảng 66 hộ nuôi cá biển với tổng số khoảng 4.560 ô lồng. Tổng sản lượng nhuyễn thể đạt khoảng 70.000 tấn, cá biển đạt khoảng 1.200 tấn.

Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX. Quảng Yên cho biết: Nghề NTTS trên biển đã và đang là sinh kế của hàng nghìn ngư dân trên vùng biển của địa phương từ nhiều năm qua. Hiện, địa phương đang tích cực vận động người dân chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa đạt quy chuẩn, phấn đấu đạt kết quả theo đề án, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và phát triển ngành NTTS theo hướng bền vững.
Còn tại huyện ven biển Đầm Hà hiện có gần 8.700ha đất, mặt nước biển NTTS, trong những năm qua, phát triển thủy sản của huyện đã có những bước đột phá tích cực, tăng cả về quy mô và sản lượng. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện về việc chuyển đổi phao xốp sang phao hợp quy chuẩn, các xã ven biển như Tân Lập, Đại Bình, Tân Bình và Đầm Hà đã ban hành thông báo về việc di dời, giải tỏa hoạt động NTTS không phép, xử lý vật liệu nổi bằng phao xốp không đạt tiêu chuẩn trên khu vực biển do địa phương quản lý.
Các xã trên địa bàn huyện Đầm Hà cũng đã chủ động làm việc với các hộ dân có hoạt động NTTS trên biển, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã và thực hiện ký cam kết với các hộ dân đang NTTS trên biển về việc chấp hành nghiêm quy định về sử dụng vật liệu làm phao và lồng nuôi đảm bảo theo quy chuẩn, nuôi trồng đúng theo diện tích được giao.

Chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa trong NTTS tại Hợp tác xã Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Toàn tỉnh có trên 6,85 triệu quả phao xốp được các hộ sử dụng trong NTTS. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai chủ trương, việc chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đã cơ bản hoàn thành, tỷ lệ chuyển đổi đạt 99,5%. Hiện, số phao xốp còn lại chủ yếu là ở những bè đang trong quá trình nuôi thủy sản chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Khi người dân thu hoạch xong sẽ tiến hành thay thế hoàn toàn sang phao nhựa đạt quy chuẩn.
Với chủ trương đúng đắn, phù hợp, hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân nuôi thủy sản trong việc xóa bỏ phao xốp trong NTTS. Đây là giải pháp mang tính tiên phong, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển, xây dựng ngành NTTS của tỉnh Quảng Ninh theo hướng bền vững, lâu dài.

Phạm Hoạch - Dũng Thi (baotainguyenmoitruong)

Bài 2: Cá heo, rùa biển đã về

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang