Từ lúc cựu chiến binh (CCB) Hoàng Minh Huề tham gia công tác của thôn, bà con đoàn kết xây dựng đời sống mới, đưa Văn Phú thay đổi, đạt nhiều kết quả khởi sắc Với sự gần gũi, hết lòng vì dân, bà con ai cũng kính phục, trìu mến gọi ông Huề là “trưởng bản” nơi cửa biển.

Nhập ngũ năm 1972, sau 20 năm làm chiến sĩ Trường Sơn, ông Huề về nghỉ hưu ở làng chài Văn Phú. Những ngày đầu về quê, ông Huề phải đối diện với bao gian nan thử thách. Thôn không có ruộng làm nông nghiệp, đa số người dân bám sông, bám biển kiếm sống. Những lúc biển động hoặc mưa lũ, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, có lúc phải nhờ trợ giúp lương thực của Nhà nước. Văn Phú cũng như một số làng xóm ven sông, biển, dân làng chài thường sinh đẻ nhiều con nên sự thiếu thốn vật chất và thất học thường song hành; gây khó khăn cho công tác vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Cũng từ đặc điểm ấy nên hệ thống cơ sở chính trị trước đây ở địa phương không thực sự vững mạnh. Chi bộ chỉ có từ 6 đến 8 đảng viên và công tác phát triển Đảng cũng rất khó; các tổ chức quần chúng nền nếp sinh hoạt yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào chung của xã, huyện.


"Trưởng bản" Hoàng Minh Huề phổ biến chủ trương của Nhà nước cho ngư dân

Cởi chiếc ba lô và bộ quân phục nghỉ ngơi chưa được bao lâu, CCB Hoàng Minh Huề được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm bầu lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong thôn. Nhận thấy người CCB chững chạc, gương mẫu, nói đi đôi với làm, cấp ủy chính quyền và bà con muốn gửi gắm niềm tin để ông cùng cán bộ thôn lãnh đạo đưa đời sống và phong trào đi lên.

Trước những khó khăn, ông Huề suy nghĩ: Muốn dân tin và làm theo thì phải có chủ trương đúng và hành động cụ thể, hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân, nhất là cán bộ phải thực sự gương mẫu. Ban đầu, ông được bầu làm Chi hội trưởng CCB thôn Văn Phú kiêm Phó chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Văn. Ông và đồng đội phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng phát triển hội vững mạnh, vừa động viên hội viên tích cực góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Chi hội CCB thôn Văn Phú từ gần 20 người, đến nay đã có 29 đồng chí, là nòng cốt trong các mặt hoạt động. Ông Huề làm Chủ tịch hội CCB xã thì có một ít đồng phụ cấp nhưng cán bộ từ chi hội trở xuống chỉ “vác tù và hàng tổng”, ăn cơm vợ nuôi, làm việc xóm. Thấu hiểu khó khăn và để động viên cán bộ các chi hội, phân hội hoạt động tốt, hằng tháng, ông Huề dùng khoản lương ít ỏi của mình để làm phụ cấp cho họ. Nếu có hội viên hoàn cảnh khó khăn và đau ốm, ông dùng tiền lương để tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời. Mỗi năm, ông ủng hộ hơn 20 triệu đồng cho hội CCB xã và làm việc thiện. Bởi vậy, hoạt động của hội CCB xã lúc nào cũng được duy trì hiệu quả, ấm áp tình đồng đội.

Còn nhớ cách đây 3 năm, có một việc mà các tổ chức xã hội khác dù đã cố gắng nhưng cũng “bó tay”, cấp ủy giao chi hội CCB làm và đã có kết quả tốt. Chuyện là: Trong khuôn viên trường tiểu học của xã có hai ngôi mộ rất lớn do lịch sử để lại, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của nhà trường. Chính quyền muốn di dời đi chỗ khác để làm sân trường nhưng hai ông trưởng họ không nhất trí vì lý do tâm linh. Hai ông ấy lại ở mãi tận Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Huề vừa trực tiếp đi vận động, vừa viết thư kêu gọi để họ đồng thuận. Kiên trì thuyết phục gần một năm, hai ông trưởng họ mới đồng ý. Ông Huề tự làm bản vẽ khu lăng mộ mới, rồi thuê thợ tiến hành xây dựng. Sau vài tháng thì khu lăng mộ hoàn thành, chính quyền và ban giám hiệu nhà trường rất phấn khởi.

Đối với công tác nhân đạo và nghĩa tình đồng đội, hội CCB do ông Huề chỉ đạo có nhiều việc làm rất hữu ích, ví như việc chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã. Ông tổ chức cho hội viên CCB trồng nhiều cây bóng mát, cắt cử các chi hội làm vệ sinh hằng tuần, tạo cảnh quan nghĩa trang đẹp nhất vùng.

Hết nhiệm kỳ công tác hội CCB, chưa kịp nghỉ ngơi thì cán bộ, đảng viên và bà con lại bầu ông làm Phó bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Văn Phú. Đây cũng là thời điểm đang tiến hành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giao thông khó khăn, môi trường không bảo đảm… cùng nhiều tiêu chí về nông thôn mới khó có thể thực hiện, Trưởng thôn Hoàng Minh Huề đã tổ chức nhiều cuộc họp cán bộ cốt cán, rồi họp dân để bàn bạc, tháo gỡ khó khăn. Do động viên khéo léo, hợp lòng dân nên nhiều công trình, đường giao thông nông thôn mới đã hoàn thành bằng phương thức xã hội hóa. Đường làng, ngõ xóm khang trang, thôn Văn Phú đã góp phần quan trọng cùng xã về đích nông thôn mới năm 2018.

Một điều khiến ông Huề từng trăn trở là làng chài Văn Phú có tiềm năng về nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản nhưng lâu nay, bà con làm kinh tế hiệu quả chưa cao, còn nhiều hộ nghèo. Ông đề nghị với xã cho bà con được tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện giúp ngư dân vay các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để nuôi trồng và đóng thuyền đánh bắt hải sản xa bờ. Với sự vào cuộc tích cực, giúp đỡ tận tình, động viên bà con phát huy hết khả năng nên đến nay, toàn thôn Văn Phú đã có đội thuyền hơn 40 chiếc, trong đó 30 thuyền công suất lớn để khai thác xa bờ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho gần 600 người, nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng khấm khá. Nếu như gần 10 năm trước, số hộ nghèo của thôn chiếm đến 38% thì hiện nay trong thôn chỉ còn 2,7% hộ nghèo và phấn đấu cuối năm 2020 sẽ xóa hết hộ nghèo. Hằng ngày, ông Huề tranh thủ lên các thuyền trao đổi kinh nghiệm khai thác hải sản, phổ biến pháp luật, dặn dò ngư dân ra khơi đánh cá vừa làm giàu cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nhưng cũng không vi phạm vùng biển của nước khác…

Cơ sở chính trị ở thôn Văn Phú vài năm trước đây cũng là vấn đề khiến cho cấp ủy và trưởng thôn trăn trở. Ngoài chi bộ hoạt động ổn định thì các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng hiệu quả hoạt động chưa cao. Thậm chí như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Văn Phú gần 20 năm qua là một “điểm trắng” trong hoạt động. Thanh niên học xong đi làm ăn xa, phần lớn lênh đênh trên tàu đánh cá, không tham gia sinh hoạt đoàn nên cũng khó khăn để tập hợp và phát triển. Với trách nhiệm của lớp người đi trước, hội CCB đã nhận “đỡ đầu" tổ chức đoàn. Ông Huề cùng các đồng chí trong chi ủy vận động thành lập được một chi đoàn, từ chỗ chỉ có 3 đoàn viên, nay đã có 13 người, hoạt động nền nếp. Thế hệ trẻ nơi đây đều xem ông là “thủ lĩnh” của họ, mọi việc đều xin ý kiến.

Là một thôn Công giáo toàn tòng, việc phối hợp với linh mục và hội đồng mục vụ nhà thờ để vận động giáo dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định và hương ước của địa phương rất quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Vừa cùng ban cán sự tuyên truyền chủ trương đúng đắn, ông Huề vừa trực tiếp đến gặp cha xứ để cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, tạo không khí thân thiện, cùng hợp tác.

Đến với thôn Văn Phú hôm nay, con đường nông thôn mới bằng bê tông chạy vòng quanh bán đảo tạo nên khung cảnh rất đẹp. Thuyền đánh cá vào ra, học sinh tung tăng đến trường, xóm đạo bình yên, nhà ngói san sát. Có được viễn cảnh tươi sáng ấy, mọi người dân đều biết ơn Trưởng thôn Hoàng Minh Huề. Bởi thế, mọi người ở thôn Văn Phú đều gọi ông Hoàng Minh Huề là “già làng”, “trưởng bản”.