Trường Sa thời 4.0

17:38 03-11-2020

Mùa hè năm 2019, khi tôi ra Trường Sa lần hai, thì cụm từ "thời 4.0" đã trở thành rất phổ biến.

Hầu như mọi hoạt động, phát triển lớn của đất nước đều chịu ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. "Thời 4.0" như một bước phát triển mang tính quy luật của lịch sử phát triển xã hội loài người, không muốn nó cũng đến, đánh dấu bước tiến kỳ diệu của con người. Tôi cho rằng, một thời đại huyền thoại đang rảo bước đến với loài người. Có những điều ngỡ như chỉ lấp lánh trong các câu chuyện cổ bỗng trở thành hiện thực. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ở nhiều nước; nó thực sự mang đến cho nhân loại những cơ hội để đổi thay diện mạo các nền kinh tế và đương nhiên đi kèm với nó là những chuyển biến tương thích của đời sống xã hội. Từ lâu, người ta đã nói đến sự hội nhập, toàn cầu hóa như một xu hướng không thể cưỡng lại của sự phát triển nhân loại. Chẳng nghi ngờ gì nữa, đây là thời đại của những xu hướng sản xuất công nghệ số như công nghệ sản xuất 360 độ; công nghệ in 3D; sản xuất trên hệ thống tự động cùng việc khai sinh những nhà máy thông minh; sự lên ngôi của robot do con người điều khiển. Vạn vật kết nối không còn là điều giả tưởng và sẽ có những thành phố thông minh... ở trên hành tinh xanh này. Để không bị tụt hậu, Việt Nam cũng nhanh chóng hòa vào dòng chảy của nhân loại; không rụt rè, không chần chừ khi tiếp cận nền công nghệ số. Những xu hướng, quy trình sản xuất hiện đại nhất đã, đang và sẽ được áp dụng với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có quân sự. Với Trường Sa, quần đảo yêu thương, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thì cuộc cách mạng 4.0 ấy có ảnh hưởng đến cuộc sống của những người lính, người dân thân yêu của chúng ta không? Những người lính trên biển, đảo xa xôi của đất nước sẽ có biến đổi gì trước những tác động trước mắt và dài lâu của nền công nghệ số?

Biển mênh mông và xanh thẳm. Con tàu của Quân chủng Hải quân khá hiện đại chở chúng tôi đến với Trường Sa bằng một lập trình chuẩn xác chỉ có trong thời 4.0. Tuy nhiên, những biến động khác thì không ai lường hết được. Dù biển có phẳng lặng, dịu êm đến bao nhiêu thì trong hải trình đến Trường Sa, người lính tàu vẫn phải luôn chuẩn bị tinh thần đối phó với những tình huống bất lợi.

Đến Trường Sa lần này, tôi tận mắt thấy muôn vàn đổi thay mừng đến rơi nước mắt của quần đảo yêu thương, từ cảnh quan đến các công trình và cuộc sống của bộ đội và nhân dân trên các đảo. Nhưng có một điều vẫn vẹn nguyên không hề suy suyển, đó là tinh thần giữ nước của chiến sĩ và nhân dân ta. Tinh thần bất khuất, can trường, kế sách phòng giặc từ xa được truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôi lại muốn nói bằng một khái niệm khác, đó là văn hóa dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, dẫu rằng nội hàm của nó chỉ là một. Tất cả các đảo đều dựng bia khắc ghi bài thơ "Nam quốc sơn hà" của danh tướng Lý Thường Kiệt. Bài thơ được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhất của dân tộc Việt Nam. Dưới lồng lộng trời cao, trong chói chang nắng biển, tôi đứng lặng yên trước tảng đá khá lớn khắc trọn vẹn bài thơ "Nam quốc sơn hà" trên quần đảo Trường Sa. Bài thơ ngân vọng trong lòng tôi như từng vang lên trên phòng tuyến sông Cầu khi giặc Tống đang hung hăng tiến vào bờ cõi nước ta: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Thế đấy, rành mạch, rõ ràng như lời thề giữ nước sắt son: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!

Trong chuyến ra Trường Sa vừa rồi, tôi đã tận mắt chứng kiến sự đổi mới đến ngỡ ngàng của vùng biển, đảo mình đặt chân lên hai mươi năm về trước. Tôi đang đi giữa một Trường Sa sạch, xanh, đẹp và hiện đại theo nhiều nghĩa. Càng hiểu hơn Trường Sa ở chiều sâu văn hóa giữ nước của con người Việt Nam. Lẽ nào ta không lãng mạn với Trường Sa khi vùng biển, vùng đảo này đã là một phần chủ quyền được xác lập của Tổ quốc ta. Xác lập bằng những cột mốc ghi rõ vĩ độ, kinh độ cụ thể và quan trọng hơn nó được khẳng định bởi văn hóa Việt đã được gieo cấy, vươn cành tỏa bóng trên vùng biển này. Những tán cây xanh, vườn rau tươi tốt, hoa cảnh khoe sắc làm dịu đi những ngày nóng bức và làm cho đất liền gần hơn. Tiếng gà gáy sớm gáy trưa, tiếng lợn ủn ỉn, tiếng chó sủa, tiếng chim hót... với đất liền là chuyện không mấy ai để ý, nhưng với Trường Sa, đấy là thanh âm quê nhà.

Tuy nhiên, khi phác thảo hình ảnh người lính Trường Sa thời công nghệ số ta phải nhìn vào chiều sâu đời sống của họ. Giữa hiện thực đẹp đẽ vốn được phản ánh nhiều trong các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, trong chuyến đi này, tôi gặp ở Trường Sa những góc khuất lặng lẽ. Như nốt nhạc trầm, thoảng rung trong bản giao hưởng Trường Sa vậy. Đó là lòng yêu thương và sự lo toan của người lính. Thiếu tá Trịnh Xuân Huân, Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa, người bám trụ ở đây từ năm 2009, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Tôi hỏi anh: “Trong mấy năm ở đảo, Huân có kỷ niệm nào sâu sắc nhất?”. Huân cười hồn hậu, trả lời luôn: “Em nhớ mãi lần vợ em ra Trường Sa thăm chồng anh ạ!”. Xa nhau đến mười chín tháng, Lô Thị Thu Hiền mới được theo tàu Trường Sa 571 ra đảo thăm chồng vào năm 2012. Tại cầu cảng, hai người ôm chặt nhau như chẳng muốn rời ra nữa. Hiền khóc, những giọt nước mắt mặn hơn vị biển thấm ướt vai áo chồng. Vợ chồng ở với nhau được một tuần. Giọng Huân bồi hồi: “Một tuần hạnh phúc nhất của vợ chồng em bác ạ, đêm tân hôn cũng chẳng được như thế!”. Tôi tin lời chàng Thiếu tá, anh nói thật, rất thật nỗi lòng mình chứ không hề thi vị hóa những ngày chồng vợ hiếm hoi của người lính biển. Chuyến tàu ra Trường Sa lần ấy có hai mươi thân nhân của bộ đội. Họ là mẹ, là vợ của cán bộ, chiến sĩ. Có cả mẹ vợ ra thăm con rể. Mẹ của thầy trụ trì chùa Trường Sa cũng đi trong đoàn. Có cả người bố ra thắp hương cho con đã hy sinh ở Trường Sa... Chuyện vui, chuyện buồn cứ trộn hòa như thế. Nụ cười. Nước mắt. Có trong Trường Sa một năm bảy, tám tháng biển động. Có trong Trường Sa đã đổ máu vì chủ quyền đất nước. Có trong Trường Sa là Tổ quốc ở phía mặt trời lên. Có trong Trường Sa của những người lính mặt trẻ tóc già, tuổi mới mười tám, đôi mươi mà tóc đã lấm tấm bạc. Có trong Trường Sa của những đứa bé thả diều chiều nay trước Nhà khách Thủ đô, bên những cây phong ba đang hồi sức sau cơn bão dữ dội năm ngoái. Có trong Trường Sa ngân vọng tiếng chuông chùa, rung rinh những bông sen mới nở...

Đây nữa, trên đảo Núi Le... Khi vào một căn phòng ở của cán bộ, tôi bắt gặp bộ sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 2. Chủ nhân của nó là Thượng úy Đào Quốc Doanh. Anh thuộc quân của Hải đội 4 Vùng 1 tăng cường cho Vùng 4 từ tháng 7-2018. Doanh kể: “Hai lần vợ sinh con, em đều ở trên biển. Con trai đầu của em đang học lớp 2 anh ạ. Em mang theo bộ sách giáo khoa này để đêm đêm học bài với con...”. Tôi ngạc nhiên: “Cách xa thế, em học với cháu thế nào?”. Doanh kể: “Em mua gói điện thoại V90 của Viettel và mỗi đêm cùng học với cháu một giờ. Em nghe cháu tập đọc rồi chỉnh sửa lỗi cho cháu nếu có, hay hướng dẫn cháu làm toán. Khi được bố khen, cu cậu khoái lắm anh ạ. Thỉnh thoảng lại nhắc, lúc nào bố về nhớ mua siêu nhân cho con nhé”.

Có một Trường Sa như thế. Những người lính bám trụ nơi đây hiểu rõ trách nhiệm của mình với Tổ quốc, với nhân dân. Lòng yêu nước vẹn nguyên trong lớp cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hôm nay. Đó là sức mạnh vô tận của chúng ta, một dân tộc anh hùng chưa hề khuất phục trước một kẻ thù xâm lăng nào dù nó to lớn, giàu mạnh, hung bạo đến đâu. Biển, đảo sẽ vững vàng hơn, phên giậu của giang sơn sẽ bền chặt hơn bởi tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, sự sáng tạo của quân và dân ta. Vũ khí, phương tiện khi được những con người giàu lòng yêu nước, dũng cảm, sáng tạo sử dụng chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh gấp bội. Lịch sử giữ nước của dân tộc ta đã minh chứng hùng hồn điều đó. Và Trường Sa, biển, đảo của Tổ quốc chúng ta vẫn là niềm tin vững chãi của mọi người trong thời 4.0 này.

Nguồn:qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang