Truy tìm cá trên biển

10:46 05-07-2023

VBĐVN.vn - Với nghề khai thác xa bờ, tàu chạy truy tìm đàn cá ở giữa Biển Đông rộng lớn, manh mối thông tin về đàn cá đang di chuyển dưới biển có ý nghĩa quyết định thắng hay bại cho mỗi chuyến biển. Chính vì vậy, các chủ tàu liên tục nâng cấp hệ thống thông tin của tàu mình, đủ năng lực kết nối với đất liền và với các nhóm tàu “chí cốt” với nhau.

Chiếc tàu đang ở giữa biển khơi xa, hệ thống thông tin liên lạc như “mạch máu” kết nối các đội tàu và với đất liền.

“Gần cả đời đi biển, tôi nghiệm ra hai thứ được xem là trụ cột của tàu cá, nó vừa bảo vệ tính mạng toàn bộ lao động trên tàu, vừa quyết định lỗ lãi mỗi chuyến biển. Đó là máy tàu và máy thông tin. Tàu đang đánh bắt ở giữa Biển Đông, gặp những cơn bão lớn, nếu không có máy thông tin nhận thông báo sớm từ bờ chuyển ra, rất dễ bị bão đè chết sạch”, thuyền trưởng Nguyễn Dũng, phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, chuyên làm nghề lưới vây khơi, mở đầu câu chuyện.

Những đội tàu “hợp tính”

Vùng biển thị xã Hoài Nhơn được xem là “thủ đô” nghề lưới vây khơi và câu cá ngừ đại dương ở dải đất miền trung. Số tàu lớn “thiệt ăn thiệt làm” xa bờ là 2.086 chiếc, trong đó có 541 tàu nghề lưới vây khơi tung hoành khắp các vùng biển của Việt Nam. Thuyền trưởng Dũng làm nghề lưới vây gần 30 năm, thuộc làu “tính nết” của biển cả theo mùa, những dòng hải lưu mang theo siêu đàn cá di chuyển qua lại vùng biển quốc tế.

“Năm 2020, bão lớn đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, đội tàu lưới vây thị xã Hoài Nhơn đang đánh bắt ở ngoài vùng biển xa. Mở máy thông tin lên nghe đài thông tin duyên hải Quy Nhơn báo hướng bão thẳng vào đất liền. Hơn trăm chiếc tàu của tỉnh Bình Định kéo lưới khẩn cấp, tăng ga chạy lệch hướng bão về phía nam. Có mấy tàu chạy không kịp nên bị bão nhấn chìm, đau xót vô cùng”, thuyền trưởng Dũng kể lại.

Chiếc tàu lớn của Dũng làm thuyền trưởng có công suất máy gần 800CV, trang bị bốn máy thông tin liên lạc (người dân biển quen gọi đàm đường dài) và một máy điện thoại gọi trực tiếp từ vệ tinh. Tôi hỏi Dũng: “Tại sao tàu mình sắm nhiều điện đàm thế?”. Như đụng đến điều gì đó trong tâm can sâu thẳm của viên thuyền trưởng đã chinh chiến khắp nơi, liệt kê tường tận: “Chỉ khi nào thật cần thiết mới sử dụng máy điện thoại vệ tinh, vì cước phí rất cao. Chủ yếu dùng bộ đàm đường dài, một máy gọi nội bộ trong nhóm tàu “chí cốt”. Một máy chuyên nghe lén thông tin đánh bắt của tàu khác. Một máy gọi mấy chiếc “tàu cò” (tàu làm nghề khác phát hiện đàn cá lớn gọi tàu lưới vây đến đánh ăn chia phần trăm). Máy dự phòng”.

- Vì sao phải nghe lén tàu khác? - tôi xoay vào chi tiết nhạy cảm.

- Biển rộng mênh mông, những đàn cá lớn thường hay đi theo dòng hải lưu, tàu nào đó may mắn gặp được đàn cá, họ lên máy thông tin gọi cho những chiếc tàu bạn “chí cốt” của họ đến cùng đánh bắt đàn cá. Thông thường các tàu đó nói với nhau bằng các ký ám hiệu đã thống nhất trước. Thí dụ: “Tàu gặp đàn cá gọi: “Đêm nay gió nồm thổi săn quá”. Biển vẫn êm sóng, chiếc tàu bạn “chí cốt” ở xa đã phán đoán ra chiếc tàu hướng gió nồm thôi đang trúng cá, phải có tàu chạy ngược gió nồm. Tàu mình có thể theo hướng gió nồm đến tìm kiếm vận may.

Thông thường khoảng 4 giờ chiều, các tàu trong đội nhóm với nhau mở băng tần “mí mật” trên đài thông tin “giao ban thời sự”. Họ sẽ báo cho nhau về tọa độ của mỗi tàu đang ở vùng biển nào, tình hình đánh bắt đêm hôm qua, dự kiến khả năng đi truy tìm đàn cá theo hướng nào...

Ngư trường đánh bắt của tàu cá xa bờ của người dân từ TP Đà Nẵng trở vào Bà Rịa-Vũng Tàu, ở rất xa đất liền. Vùng biển trọng điểm nhất, là khu vực quần đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa) và các bãi Tư Chính, Phúc Nguyên... “Tàu đi ra ngoài biển xa luôn xảy ra những sự cố bất ngờ, một tàu cũng khó xử lý được. Chúng tôi tự tập hợp 10-20 tàu thành đội nhóm “hợp tính, hợp tình” với nhau ở trong thị xã. Vì tính chất làm ăn trên biển, tôi còn kết bạn thêm bạn tàu ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... giống như tình “huynh đệ” ở giữa Biển Đông. Tất cả đều hết lòng tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, cũng như khi tàu bị gặp nạn”, thuyền trưởng Dũng “triết lý” từ cuộc sống.

Chung sống để cùng tồn tại

Trong hoạt động thực tiễn, người dân làm nghề biển luôn nghĩ ra nhiều cách để đem lại lợi nhuận cao cho tàu và đội nhóm của mình. Ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên có hàng trăm tàu làm nghề lưới vây đánh bắt cá nục. Có nhiều tàu đã sắm máy siêu dò cá trị giá 3-5 tỷ đồng/máy, gốc quét của máy vòng tròn, có thể phát hiện ra đàn cá ở cách xa tàu từ 1-2 hải lý. Hệ thống thông tin liên lạc của nhóm tàu này khá hiện đại.

“Tập đoàn tàu chúng tôi có 22 chiếc, kèm theo 22 chiếc tàu giữ lái cho tàu lưới và dịch vụ hậu cần. Tổng số 44 tàu, có khoảng 600 lao động trên tàu. Các tàu đã kết tình anh em, tự đặt ra quy ước với nhau, tàu nào phát hiện ra đàn cá, phải thông báo lên mạng thông tin nội bộ để cho 22 tàu cùng biết”, chủ tàu và thuyền trưởng (tập đoàn trưởng) Lê Tuấn Anh, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, chia sẻ.

Vỏ tàu của ông Lê Tuấn Anh được làm bằng vật liệu composite, lắp máy gần 1.000 mã lực, sắm máy siêu dò cá trị giá 4,7 tỷ đồng, năm 2022 có doanh thu 13 tỷ đồng. Tàu ông Anh có khả năng phát hiện ra đàn cá từ xa và tăng tốc tàu chạy đến nhanh hơn, là bước lợi thế của tập đoàn. Ông Anh chia sẻ: “Giai đoạn đầu, mới sắm máy siêu dò cá, tôi đã cẩn thận “gọi điện mật” cho các thuyền trưởng trong tập đoàn biết tọa độ đang gặp đàn cá lớn. Một quãng thời gian sau, có cả 100 chiếc tàu từ mọi hướng chạy tới tìm kiếm vận may. Từ đó mới biết bị lộ thông tin ra ngoài với nhóm tàu khác”.

Trên tàu lưới vây có trên dưới 15 lao động, một số thuyền trưởng đã bí mật cài cắm “tình báo” ở các tàu của tập đoàn khác. “Chẳng hạn trên tàu ông A (tập đoàn khác), tôi đã “mua” một lao động và trả “tiền chết” một triệu đồng/tháng, để họ cung cấp tin cho tôi khi tàu ông A đang gặp đàn cá lớn. Nếu cung cấp tin tốt làm cho tàu tôi trúng lớn, vào bờ bồi dưỡng thêm vài triệu đồng. Tàu đánh ở gần vùng biển đảo Phú Quý, Côn Đảo... có sóng điện thoại di động, “tình báo” chỉ nhắn tin qua điện thoại cho tôi là xong. Mình đi cài cắm “tình báo” ở tàu khác, tàu mình cũng có tàu khác cài cắm “tình báo”, coi như phải chung sống với thực tế. Chính vì vậy, mỗi khi tàu ai đó gặp đàn cá lớn chưa đánh được, mọi nguồn tin “xì” ra, có cả trăm chiếc tàu chạy tới, làm dậy sóng cả vùng biển. Ai cũng đặt niềm tin vận may sẽ đến với tàu mình, ở cách xa mấy cũng tăng tốc cho tàu chạy tới”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Lý (tên đã thay đổi), phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tường thuật chi tiết.

Hải Luận (nhandan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang