“Truyền miệng” giữa Biển Đông

17:39 03-11-2020

Mỗi chiếc tàu đánh cá xa bờ giống như ngôi nhà, “hàng xóm” của nhau có khi cách xa cả trăm hải lý, nhờ “truyền miệng” qua hệ thống Icom (bộ đàm), lúc “tối lửa tắt đèn” đến hỗ trợ nhau. Đây là cách tương tác, trao đổi giữa các tàu đánh cá ở ngoài biển khơi mênh mông sóng dữ.

3 giờ chiều, thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương Trần Quyết, ở thành phố Nha Trang lên bộ đàm nói chuyện với đồng nghiệp ở cách xa cả trăm hải lý: “Tối hôm qua gặp mấy tàu nước ngoài phá đám, tàu tui đói, bên đó câu có đỡ hơn không để tui chạy qua làm, vớt vát tiền dầu. Thằng Sáu câu ở gần đảo Đá Tây A (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được 7 con bò gù (cá ngừ), cộng lại mấy ngày, hắn đã đủ tổn (chi phí) rồi đó”.

“Trinh thám” trận địa đánh bắt

Bắt đầu từ 3 đến 5 giờ chiều, các đội tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu gọi điện cho nhau hỏi chừng “trận địa” tối nay làm ở đâu. Suốt đêm, họ vừa câu, vừa trao đổi qua lại, thi thoảng, tàu ai đó cất lên tiếng hát cho đỡ buồn ngủ. “Biển rộng bao la, một tàu không thể biết chỗ nào có đàn cá đang di chuyển. Hàng chục chiếc tàu đánh cá rải khắp nơi, giống như “mắt thần” quan sát và dò đàn cá, các thành viên trong tổ đội đoàn kết phải thông báo trên mạng tần số nội bộ hoặc ký ám hiệu riêng. Qua đó, các tàu biết vị trí nào đang làm trúng cá để tàu khác tính toán có nên chạy tới đó đánh bắt hay không” - Thuyền trưởng Quyết nói.

- Vì sao phải dùng ám hiệu riêng? - Tôi hỏi lại.

- Sợ bị lộ “trận địa” đang đánh bắt. Trên mỗi tàu đánh cá xa bờ, trang bị từ 2-4 máy bộ đàm đường dài, một máy mở tần số nội bộ, một máy chuyên “trinh thám” tất cả các tàu đánh cá đang hoạt động cùng vùng biển đánh bắt, trong phạm vi 200 hải lý.

- Nghe “trinh thám” giống như đánh trận quá vậy?

- Mỗi nghề có đối tượng khai thác thủy sản khác nhau. Ví dụ, tàu mành chụp nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến tàu câu bò gù, nhưng nó là mắt xích quan trọng. Chẳng hạn, mấy ông mành chụp gọi điện thông báo cho nhau biết đang đánh trúng. Mình phải nghĩ ngay, con cá bò gù đi tìm thức ăn, chỗ nào có nhiều cá, mực, nó sẽ lao đến ăn. Thuyền trưởng cho tàu chạy đến khu vực mành chụp làm trúng, chắc chắn sẽ câu được cá.

“Trinh sát” qua các cuộc đàm thoại giữa tàu đánh cá với nhau ở giữa Biển Đông, được đẩy lên thành phong trào trong đội tàu đánh cá xa bờ, giữa các đội tàu, kể cả tàu các tỉnh khác đến. Thuyền trưởng Quyết tường thuật: “Có lần, tôi nghe họ hát một đoạn vọng cổ của nhóm tàu Bình Định trên bộ đàm, nói về đảo Trường Sa lớn, có đoạn nhấn “gió thổ mạnh về phía Bắc”. Tui đoán chắc chiếc tàu đó đang đánh trúng cá và gọi đội bạn đến. Ngày mai, tôi chạy tàu về phía Bắc đảo Trường Sa lớn, gặp ngay 3 chiếc tàu cá của ngư dân Bình Định đang thả neo dù. Tối hôm đó, tôi cũng kiếm được gần 11 con bò gù”.

Cùng nhau xua đuổi tàu nước ngoài

Vùng Biển Đông giống như là “trận đồ bát quái” đánh bắt thủy sản, bởi vì dòng hải lưu chảy đủ hướng, sóng gió thất thường. Đặc biệt, tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới này, mỗi ngày có hàng nghìn chiếc tàu hàng, du lịch khổng lồ chạy qua. Mặt khác, nhiều tàu nước ngoài vào vùng biển nước ta “phá đám” tàu đánh cá của ngư dân ta, nhờ vào mạng lưới “truyền miệng” qua vô tuyến điện trên tàu đánh cá, các thuyền trưởng tàu cá xa bờ vững tin cùng nhau bám trụ từ 1-3 tháng liên tục trên biển.

“Tàu nào cũng có bộ đàm đường dài kết nối với mạng viễn thông quốc gia thông qua các đài duyên hải, khi gặp những tàu quân sự hoặc các tàu thăm dò nước ngoài xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam, tôi yêu cầu các thuyền trưởng phải gọi trực tiếp vào số điện thoại của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, báo cho họ biết tình hình ngoài biển” - Chủ tàu Lê Văn Quyền, ở thành phố Nha Trang luôn nêu cao tinh thần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Sản phẩm của tàu mành chụp đánh bắt được. Ảnh: Hải Luận

Những năm trước, nhiều tàu mành chụp ở các tỉnh Nam Trung bộ ra biển hay “né” tàu đánh cá của nước ngoài vào vùng biển Việt Nam đánh trộm thủy sản. Vì tàu nước ngoài trang bị ánh sáng quá mạnh “hút” cá về tàu họ.

Ông Quyền cho biết: “Nhà tôi có 3 chiếc tàu mành chụp cỡ lớn, ông anh của tôi có 7 chiếc đi thành một đội lớn. Khi thấy tàu đánh cá nước ngoài xâm nhập vào vùng biển của nước ta đánh bắt, tôi yêu cầu các thuyền trưởng phải báo ngay cho cơ quan chức năng của ta. Ngư dân phải có tránh nhiệm khẳng định và bảo vệ vùng biển của nước mình. Những lần như thế này, phải lên bộ đàm thông báo cho toàn bộ đội tàu biết tình hình để sẵn sàng hỗ trợ, khi cần 2 - 3 chiếc áp sát “tiễn khách” ra khỏi vùng biển nước ta”.

“Luật bất thành văn” trong đội tàu “chí cốt” với nhau, họ phải thông báo, cập nhật cho nhau về tình hình đánh bắt suốt một đêm, “có sao nói vậy”, không được giấu bất cứ chuyện gì. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tuy, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tâm sự: “Giả sử tàu tui hôm nay đánh trúng nhiều cá, mà nói trên bộ đàm với mấy “chí cốt” tàu mình đang đói. Ngày mai sẽ lòi ra nói dối, anh em nghỉ chơi, cho ra khỏi đội. Đã là “chí cốt” thì hãy gọi nhau đến sát đuôi tàu cùng làm, “ăn cùng ăn, lỗ cùng lỗ”. Nhiều ông nói đang trúng cá, nhưng giấu bạn báo lệch xa vị trí tàu đang đánh bắt mười mấy hải lý. Biển rộng mênh mông, có lúc này, lúc kia, phải “chơi thật” với nhau mới bền lâu. Hãy để con tim tự kết nối với nhau”.

Nguồn:bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang