Từ 6-10: Quảng Nam cấm tàu thuyền ra khơi

20:21 06-10-2021

VBĐVN.vn - Ngày 6-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Ban Chỉ huy) đã ra công điện nhằm chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.

Theo đó, Ban Chỉ huy yêu cầu BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố ven biển nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 12 giờ ngày 6-10 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị hướng dẫn người dân đưa tàu thuyền đến nơi an toàn. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Tiếp tục thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Các đơn vị cũng hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão. Hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 17 giờ ngày 7-10. Ban Chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch Covid-19 đến cộng đồng để nhân dân biết, chủ động ứng phó.

Các địa phương cần kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Ưu tiên đến mức tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn. Kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất. Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Chỉ đạo nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 đến 10 ngày.

Các địa phương cùng ban, ngành liên quan phối hợp tổ chức hướng dẫn, bố trí nơi tránh trú tạm thời cho các đoàn người đi xe về quê đảm bảo an toàn.

Theo sggp.org.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang