Tự hào Trường Sa thiêng liêng. Bài 1: Bản hùng ca bất tử bảo vệ chủ quyền biển, đảo

07:34 02-08-2023

VBĐVN.vn - Xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã triển khai các biện pháp xác lập, kế thừa liên tục trong việc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong quá trình đó, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã anh dũng hi sinh trong khi chiến đấu với kẻ địch xâm lăng và ứng phó với thiên tai khắc nghiệt, viết nên bản hùng ca bất tử về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tiếp bước các thế hệ tiền nhân, được sự chung tay của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, Đảng bộ và quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa luôn vững vàng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai vào thực tế đang từng bước đưa huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phút nghẹn lòng giữa biển khơi

Khi bình minh đến, tàu 571, Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân chở gần 300 đại biểu từ đất liền trên hải trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã thả neo tại vùng biển Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Tất cả thành viên đoàn công tác nhanh chóng tập trung nghiêm trang trên boong tàu chuẩn bị dự Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh trên vùng biển Trường Sa do Chuẩn Đô đốc Phan Tuấn Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác chủ trì. Qua tìm hiểu được biết, thời điểm đồng đội chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, chàng sĩ quan trẻ Phan Tuấn Hùng đang là thuyền phó trên tàu thực hiện nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn (quần đảo Trường Sa).

Các đại biểu từ đất liền dự Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh trên vùng biển Trường Sa. Ảnh: Viết Lam

Tại vùng biển diễn ra sự kiện lịch sử, cùng bài diễn văn chân thực, lễ tưởng niệm đã tái hiện cuộc chiến đấu, hi sinh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng. Theo đó, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã sử dụng tàu chiến tấn công, cùng lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo chìm Gạc Ma do Hải quân Việt Nam quản lý. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên các con tàu vận tải và đảo Gạc Ma đã tổ chức đội hình, quyết tâm bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền. Trong điều kiện kẻ địch có quân số đông, trang bị hỏa lực mạnh, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng chiến đấu, hi sinh.

Trong đó, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma bị trúng đạn nhưng vẫn hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ của Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”. Trước thế không thể giữ được Gạc Ma, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 đã mưu trí chỉ đạo đơn vị vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. Tên tuổi và sự chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã làm cho kẻ địch run sợ, chùn bước.

Tại buổi lễ tưởng niệm, nhiều thành viên đoàn công tác đã xúc động, không cầm được nước mắt, cảm phục trước sự anh dũng, hi sinh của những người giữ đảo. Đặc biệt, hình ảnh nữ quân nhân trẻ luôn hướng mắt về đảo Gạc Ma với hai hàng lệ tuôn rơi in sâu vào tâm trí chúng tôi. Tìm hiểu mới biết, Đại úy Trần Thị Thủy (sinh năm 1988, công tác tại Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) là con gái của Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương, hi sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

Trong câu chuyện Thủy chia sẻ rằng, theo lời kể của bà nội và mẹ, khi bố đang nghỉ phép ở quê (Quảng Bình) thì nhận được lệnh trở lại đơn vị ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ, rồi bố đã chiến đấu, hi sinh ở Gạc Ma. Chồng của Thủy hiện công tác trong lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, thường xuyên theo tàu thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. "Dẫu mẹ con em có chịu nhiều thiệt thòi nhưng luôn động viên anh yên tâm bám tàu thực hiện nhiệm vụ, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc và làm điểm tựa cho bà con ngư dân" - Thủy cho biết.

“Mặt trận” không tiếng súng

Sau sự kiện Gạc Ma, nhận thấy rõ âm mưu, tham vọng bành trướng, ngày 5/7/1989, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định thành lập “Cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học kỹ thuật” trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là Nhà giàn DK1) để tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trải qua thời gian, hệ thống Nhà giàn DK1 nằm hiên ngang giữa biển khơi khẳng định ý chí quật cường của người Việt Nam, trở thành pháo đài vững chắc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, trực tiếp là Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vượt qua những khó khăn thử thách, bám trụ nhà giàn thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đại úy Trần Thị Thủy xúc động, không cầm được nước mắt khi dự Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Hải quân hi sinh trên vùng biển Trường Sa. Ảnh: Viết Lam

Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và đồng bào luôn ưu tiên tập trung các nguồn lực chăm lo để cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1 giảm bớt những khó khăn. Nhưng trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên, đặc biệt là những trận bão lớn vào các năm 1990, 1996, 1998, 2000, một số nhà giàn đã bị đổ sập, nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh, nằm lại giữa lòng biển cả.

Ngày 4/12/1990, cơn bão giật cấp 12 quét qua nhà giàn. Dưới sự chỉ huy của Trung úy Bùi Xuân Bông, Trạm trưởng và Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Trạm trưởng Chính trị Nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần), cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã gồng mình ứng phó. Trong đêm đen bủa vây, sức gió mỗi lúc một mạnh hơn, Nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần) bị quật đổ khiến 8 cán bộ, chiến sĩ bị cuốn trôi trên biển, khiến 3 người hi sinh.

Trong phút giây hiểm nguy, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Bí thư Chi bộ Nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần) đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho chiến sĩ trẻ nhất có cơ hội được sống để rồi thanh thản yên nghỉ giữa lòng biển sâu... Còn rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã anh dũng hi sinh thân mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngày đoàn chúng tôi đến sát Nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân), biển có sóng to, gió lớn, kế hoạch thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên “pháo đài” giữa biển khơi buộc phải thay đổi. Không thể trực tiếp lên nhà giàn, thành viên đoàn công tác chỉ có thể trò chuyện, động viên những người làm nhiệm vụ “từ xa” qua hệ thống thông tin liên lạc kết nối giữa cabin tàu và nhà giàn. Thực tế chứng kiến sóng gió giữa biển khơi, chúng tôi càng hiểu thêm sự dũng cảm, hi sinh của người lính Hải quân quanh năm bám nhà giàn bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài 2: Vững vàng làm chủ biển, đảo quê hương

Viết Lam - Ngọc Lâm - Thùy An

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang