Tư liệu quý chứng minh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa

15:10 26-04-2021

Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên Biển Đông được chứng minh và khẳng định qua ba nguồn tư liệu chính.

"Đại Thanh đế quốc toàn đồ" (1908)

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Chử Đình Phúc (bút danh Chử Đông Anh), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên Biển Đông được chứng minh và khẳng định qua ba nguồn tư liệu chính.

Tư liệu của Việt Nam

Các tư liệu Việt Nam ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa xuất hiện muộn nhất là vào thế kỷ XV, bao gồm ba loại chính:

Một là, các thư tịch cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam. Đây là các công trình lịch sử và địa lý do nhà nước chỉ đạo biên soạn như “Đại Việt sử ký tục biên” (1775), “Đại Nam thực lục tiền biên” (1821), “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ” (1851), “Đại Nam nhất thống chí” (1882)... Các tư liệu này thể hiện rõ quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam qua các thời kỳ, trong đó đều ghi chép thống nhất sự kiện các chúa Nguyễn “... đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về nộp...”;

Hai là, những công trình khảo cứu của các học giả đương thời như “Giáp Ngọ Bình Nam đồ” (1774) của Bùi Thế Đạt, “Phủ biên tạp lục” (1776) của Lê Quý Đôn, “Quảng Thuận đạo sử tập” (1785) của Nguyễn Huy Oánh, “Lịch triều hiến chương loại chí” (1821) của Phan Huy Chú, “Việt sử cương giám khảo lược” (1877) của Nguyễn Thông ... Trong số đó, “Phủ biên tạp lục” đã ghi chép và mô tả tương đối đầy đủ vị trí, điều kiện tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa và cơ cấu tổ chức, hoạt động của hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải.

“Đại Nam nhất thống toàn đồ” (1838).

Ba là các bản đồ được vẽ trong các thế kỷ XV-XIX, trong đó vẽ và ghi chú về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong cương vực của Việt Nam, tiêu biểu có “Hồng Đức bản đồ” (1490), “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (1686), “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (1838), “Bản quốc địa đồ” (1853)...

Bốn là các Châu bản triều Nguyễn. Đây là những văn các bản quốc gia có dấu Châu phê bằng mực màu son đỏ của nhà vua cùng với các loại dấu ấn của vương triều, trong đó có một số tờ Châu bản thể hiện cụ thể việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo như việc phái người ra Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ, cắm cột mốc, khai thác sản vật...

Tư liệu của phương Tây

Sau các cuộc phát kiến địa lý, từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, người phương Tây đã đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Những tư liệu của phương Tây liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa đã ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Trong đó bao gồm ba loại:

Một là, ghi chép của các nhà hàng hải, thương gia, nhà quân sự, nhà truyền giáo đã từng đến vùng Biển Đông, tiêu biểu có: “Nhật ký Batavia” (xuất bản 1631, 1634, 1636) của Công ty Đông Ấn Hà Lan, tường thuật quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh hải Việt Nam do chúa Nguyễn hành xử để kiểm soát các tàu biển qua lại khu vực này; “Nhật ký về xứ Đàng Trong” (Mémoire sur La Cochinchine) (1744) của Pierre Poivre, ghi nhận việc quản lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa dưới thời chúa Nguyễn; “Hồi ức về xứ Đàng Trong” (Le Mémoire sur Cochinchine) (1820) của Jean Baptiste Chaigneau và bài viết “Ghi chép về địa lý xứ Đàng Trong” (Note on the Geography of Cochinchina) (1837) của Jean-Louis Taberd đều khẳng định sự kiện vua Gia Long tuyên bố chủ quyền bằng việc sai người đến cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816...

Hai là, các công trình địa lý, lịch sử được xuất bản ở các nước Âu-Mỹ miêu tả Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, tiêu biểu có “Địa lý vương quốc Đàng Trong” (Geography of Cochin-China Empire) (1849) của Gutzlaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels (Hoàng Sa); “Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Xây Lan” (1850) của M.A.Dubois de Jancigny chép việc triều Nguyễn đã chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa được 34 năm (tức từ năm 1816); “Địa lý tóm tắt” (Compendio di Geografia) (1850) do Adriano Balbi biên soạn, trong phần mô tả địa lý Vương quốc An Nam viết Paracels thuộc vương quốc này.

Ngoài ra, còn có hàng trăm đầu sách địa lý của phương Tây có ghi rõ Paracel (Hoàng Sa) thuộc “Vương quốc An Nam” được viết bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan...

Ba là, các bản đồ phương Tây thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi, tiêu biểu có bản đồ “Atlas Thế giới” (1827) của Philippe Vandermaelen, “An Nam đại quốc họa đồ” (1838) của Jean-Louis Taberd...

Tư liệu của Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu sau khi khảo cứu các tư liệu, thư tịch cổ của người Trung Quốc cho đến trước thế kỷ XX đi đến một số kết luận sau:

Một là, Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng được đề cập trong các sách lịch sử và địa lý của Trung Quốc. Theo ghi chép của các bộ chính sử Trung Quốc trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử dưới thời phong kiến, các triều đại quân chủ của nước này chưa từng quản lý về đất đai và hành chính đối với những đảo ở phía Nam đảo Hải Nam. Không những thế, một số tư liệu Trung Quốc còn ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ví dụ trong “Hải ngoại kỷ sự” (1696) của Thích Đại Sán, khi mô tả vị trí của “Vạn Lý Trường Sa” đã viết “Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tất vào”;

Hai là, Hoàng Sa và Trường Sa chưa từng được ghi nhận trong phương chí và bản đồ hành chính của Trung Quốc. Các bản đồ Trung Quốc có niên đại sớm nhất từ năm 299 TCN cho đến đầu thế kỷ XX đều thể hiện cực Nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, tiêu biểu như “Hoàng triều địa dư toàn đồ” (1728), “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (1904), “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” (1908), “Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh tân đồ” (1933)...

Như vậy, các nguồn tư liệu phong phú trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc, chứng tỏ ít nhất là từ thế kỷ XVII, Việt Nam là nước chiếm hữu và thực thi chủ quyền thực sự, liên tục, hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên Biển Đông là không thể tranh cãi. Vì vậy, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là hành động xâm phạm trái phép chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

CHỬ ĐÔNG ANH

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang