Ứng dụng công nghệ đại dương vào vùng biển Trường Sa
VBĐVN.vn - Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là sẽ xây dựng huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để hiện thực hóa chủ trương này, tỉnh Khánh Hòa cần ứng dụng công nghệ đại dương hiện đại vào vùng biển Trường Sa, để nghiên cứu khoáng sản đáy biển sâu, nguồn lợi thủy sản, chế biến xuất khẩu...
Căn cứ hậu cần nghề cá trên biển
Trước đó, ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ: “Huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam đánh giá: “Nếu xét góc độ khoa học đại dương và hàng hải, thì Trường Sa mang tầm vóc quốc tế. Chúng ta cần hiểu chữ “trung tâm” ở đây không phải như những trung tâm bán buôn, trung tâm đánh cá, trung tâm du lịch như ở đất liền. Đánh cá, nuôi trồng thủy sản, chế biến, du lịch... ở Trường Sa mang tính đặc thù về địa lý, khoảng cách với đất liền”.
Vùng biển Trường Sa là ngư trường khai thác thủy sản bậc nhất của nước ta. Từ năm 1927, Sở Nghề cá Đông Dương (Viện Hải dương học Nha Trang ngày nay) đã sử dụng tàu nghiên cứu biển và hải quân tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng ở vùng biển Trường Sa, về dòng hải lưu, nhiệt độ, gió, rạn san hô, nguồn lợi thủy sản...
Các nhà khoa học hải dương đã đo vẽ bản đồ địa hình Trường Sa khá chi tiết, đánh dấu các bãi rạn nào có nhiều cá, hải sâm, các loại ốc... và cảnh báo dòng chảy nguy hiểm cho tàu đánh cá biết; phát hiện vùng biển Trường Sa có dòng nước trồi (chảy dưới đáy lên), các dòng hải lưu lớn hợp lưu tại đây, tạo nên môi trường đa dạng đặc tính sinh học, đặc biệt trữ lượng nguồn lợi thủy sản rất lớn.
“Trong nhiều năm qua, biển Trường Sa đã thu hút những đoàn tàu đánh cá từ các tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang..., cùng nhau ở lại đánh bắt hải sản dài ngày.
Có nhiều tàu đánh cá bán sản phẩm ngay ở giữa vùng Trường Sa, các tàu hậu cần mua cá, trao đổi hàng hóa giống như chợ nổi trên biển. Riêng đội tàu câu khơi (mực xà) tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, họ ở lại Trường Sa liên tục từ 2 - 3 tháng mới quay vào bờ một lần. Nếu có gió bão thì họ đưa tàu vào ẩn nấp ở các âu tàu” - thuyền trưởng Nguyễn Văn Trai, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thông tin.
Cả nước đã dồn sức xây dựng các đảo của huyện Trường Sa trở thành những cụm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, căn cứ hậu cần nghề cá ở giữa biển khơi... Tại thị trấn Trường Sa, đã có đường băng cho máy bay dân dụng, máy thủy phi cơ, trực thăng, hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời. Có ngọn hải đăng phục vụ tàu thuyền qua lại an toàn, xây dựng âu tàu khá rộng và cầu cảng để cho tàu vào tránh trú bão, có trạm cấp nước ngọt, dầu cho ngư dân.
“Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây là nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, dầu nhớt, nước đá cây phục vụ ngư dân đánh bắt trên ngư trường quần đảo Trường Sa. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần hỗ trợ, phục vụ ngư dân, giúp đỡ bà con yên tâm vươn khơi, bám biển. Những tàu nào gặp các sự cố máy, hỏng hóc cần sửa chữa, chúng tôi sửa chữa nhưng không lấy tiền công. Giá các dịch vụ như dầu, lương thực, thực phẩm được bán bằng với giá ở đất liền. Bà con lên âu tàu được cung cấp nước ngọt và thuốc men miễn phí” - ông Nguyễn Xuân Mới, phụ trách Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.
Lấy tri thức làm cốt lõi
Vùng biển Trường Sa có những bãi rạn san hô bao bọc xung quanh, ở giữa có vùng nước sâu rất rộng, thích hợp nuôi trồng thủy sản bằng lồng lớn, ứng dụng công nghệ cao và gắn với du lịch. Theo đề xuất của các nhà khoa học, nên đầu tư nuôi rong biển, sử dụng thức ăn tự nhiên, không cần cho ăn gì thêm. “Hiện nay, nguồn lợi rong biển đã tiêu thụ thị trường trong nước khá mạnh. Ở Philippines, họ đã chế biến rong biển ra 28 mặt hàng khác nhau.
Theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, các nhà khoa học cần tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến đại dương vào nuôi rong ở Trường Sa. Vì đảo xa đất liền, có thể phơi khô ở ngoài đó 2-3 tháng rồi chở vào đất liền chế biến chuyên sâu ra nhiều sản phẩm, tăng giá trị lợi nhuận cao. Đối tượng nuôi thích hợp với điều kiện và môi trường Trường Sa là hải sâm, loại này dễ sơ chế, đưa vào đất liền chế biến ra nhiều sản phẩm” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi đề xuất giải pháp.
Theo Nghị quyết 09, sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương tại Khánh Hòa. Công nghệ đại dương bao gồm cả nghiên cứu trong lòng biển, sử dụng nền tảng số, vũ trụ... Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nêu ra hướng đi táo bạo: “Công nghệ hiện đại có thể ứng dụng sản xuất ra những loại thuốc chống ung thư từ rong biển, hoặc chế biến sâu ra nhiều sản phẩm từ những loại khoáng sản dưới đáy biển, các sản phẩm này sẽ bán khắp toàn cầu.
Chính vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt để sớm thành lập trung tâm này, hoạt động với hàm lượng trí tuệ cao, lấy tri thức làm cốt lõi, để thu hút các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước cùng tham gia. Ngày 13-3-2022, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ vào thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa có nói: “Cần phải quản trị công, đầu tư tư”. Đây là hướng mở cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng những công nghệ đại dương tiên tiến nhất thế giới, phù hợp với thực tiễn biển, đảo của Việt Nam”.
“Trong thời gian qua, UBND huyện Trường Sa đã phối hợp với các đơn vị quân đội và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo, thực hiện tốt việc giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại ngư trường quần đảo Trường Sa; tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân gặp nạn trên biển, sửa chữa tàu thuyền của ngư dân khi bị hỏng hóc. Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo Bệnh viện Quân y 175 cử đội ngũ y, bác sĩ điều trị của bệnh viện luân phiên ra công tác ở Trường Sa, đã cấp cứu và điều trị nhiều ca bệnh phức tạp. Trường Sa là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển” - Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận