Ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Bài 3: Biến thách thức thành cơ hội (tiếp theo và hết)
Xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, chủ trương và định hướng chiến lược của Chính phủ trong phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là phải biến thách thức thành cơ hội; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực.
Khi lúa gạo không còn là ưu tiên số một
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), hiện tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ÐBSCL là 4,19 triệu héc-ta, chiếm 54,3% diện tích cả nước, diện tích sử dụng giống lúa xác nhận mới chiếm 65%. Cây ăn trái có khoảng 335.000 ha, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như: Thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa… Nhiều giống cây ăn trái khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng điều kiện vùng ÐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu. Diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn. Năm 2019, toàn vùng có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ ương cá giống với diện tích khoảng 3.500 ha, tập trung chủ yếu tại Ðồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, số lượng giống sản xuất được gần bốn tỷ con, trong đó ba tỷ con giống đạt chất lượng, đáp ứng 75% nhu cầu thả nuôi. Diện tích nuôi tôm nước lợ có khoảng 669.000 ha, chiếm 92,9% diện tích cả nước.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, nhiều chục năm qua, vùng ÐBSCL tập trung cho sản xuất lúa gạo cho nên hạ tầng giao thông, thủy lợi chỉ phục vụ cho mục đích này. Nay dưới tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH), tình trạng hạn, mặn diễn biến ngày càng phức tạp làm cho điều kiện sản xuất của vùng đã thay đổi và lúa gạo không còn là ưu tiên số một. Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với BÐKH đã xác định sản xuất nông nghiệp phải thích ứng điều kiện tự nhiên, sinh thái của vùng, trong đó ưu tiên là thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo. Vì vậy, Giáo sư Võ Tòng Xuân đề xuất, có thể chia vùng ÐBSCL thành ba tiểu vùng là vùng nước ngọt quanh năm có thể trồng lúa, cây ăn trái; vùng nước ngọt - mặn đan xen có thể trồng lúa theo mùa và nuôi trồng thủy sản và vùng nước mặn hoàn toàn để nuôi trồng thủy, hải sản giá trị cao. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái để sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực. Việc đầu tư các công trình này cần chú trọng đến tính kết nối giữa các tiểu vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế. Việc này cần quyết tâm lớn, tầm nhìn dài hạn của Chính phủ đối với người dân vùng ÐBSCL vì đầu tư cơ sở hạ tầng cần nguồn vốn rất lớn.
Vấn đề liên kết trong đầu tư, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau, Tô Quốc Nam phân tích: Trong nghiên cứu Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 đã xác định mục tiêu dài hạn có điều kiện chuyển một phần lượng nước ngọt hoặc có độ mặn thấp theo trục kênh Chắc Băng - Sông Trẹm - Sông Ðốc về Cà Mau để phục vụ các mô hình sinh kế khác nhau. Tuy nhiên, khi cống Cái Lớn - Cái Bé và âu Ninh Quới vận hành có thể giúp kiểm soát mặn vùng bắc sông Cái Lớn và một phần phía nam sông Cái Lớn (khoảng 42.000 ha). Nhưng nếu chỉ Cái Lớn - Cái Bé và âu Ninh Quới thì chưa thể tiếp nước ngọt cho Cà Mau và huyện An Minh, một phần huyện An Biên (Kiên Giang). Vậy nên, cần có thêm giải pháp để tiếp nước ngọt cho các vùng này.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng BÐKH
Ðể nâng cao năng lực cho hệ thống công trình cấp nước từ sông Hậu về sông Cái Lớn, Cái Bé, đồng chí Tô Quốc Nam đề đạt, cần nạo vét các hệ thống kênh trục; mở rộng, nâng cao khả năng kiểm soát mặn, ngọt phục vụ sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; xây dựng, nâng cao khả năng cho hệ thống chuyển nước từ sông Cái Lớn, Cái Bé về phía bắc Cà Mau, gồm xây dựng đồng bộ các công trình cống, trạm bơm, đê bao hoặc đường ống, cầu máng; xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi khép kín khu vực phía bắc Cà Mau (sửa chữa âu Tắc Thủ, một số cống trong vùng). Ngoài việc nghiên cứu giải pháp công trình chuyển nước cho vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh (Cà Mau) theo phương án công trình dọc kênh Chắc Băng, cũng cần nghiên cứu thêm phương án chuyển nước bằng cầu máng...
Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hậu Giang, Trần Chí Hùng: Hiện nay, Hậu Giang chưa có công trình ngăn mặn từ triều Biển Ðông, do đó rất cần Trung ương hỗ trợ nguồn lực đầu tư các công trình kiểm soát mặn từ triều Biển Ðông dọc sông Hậu, cũng như hỗ trợ tỉnh đầu tư các hệ thống kênh mang tính chất liên vùng thuộc các danh mục công trình thuộc dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2, với kinh phí hơn 1.340 tỷ đồng. Ðồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để Hậu Giang phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc định hình, phát triển nền nông nghiệp của Hậu Giang theo hướng "thuận thiên" gắn với ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, giúp tăng năng suất, giá trị nông sản và nguồn thu nhập cho người dân. Tuy các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng BÐKH đã dần hình thành, nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, mô hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tuy có phát triển nhưng còn rất ít. Ðịa phương sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng BÐKH tại các tiểu vùng sinh thái, nhất là triển khai thực hiện hiệu quả đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BÐKH giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.
Tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng BÐKH, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Lê Quân nêu rõ ba thách thức của Cà Mau hiện nay để ứng phó trong quá trình phát triển là "giữ đất, giữ nước, giữ người". Trong đó, "giữ nước" là quản lý có hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Từ thách thức đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ NN và PTNT hỗ trợ Cà Mau thực hiện thí điểm "Dự án mô hình tái cơ cấu, bố trí lại sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời thích ứng với BÐKH". Mục tiêu của dự án là thí điểm quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống công trình hồ chứa nước ngọt quy mô lớn, cải tạo, nâng cấp hệ thống sông rạch hiện có để nâng cao khả năng trữ nước. Theo đó, Bộ NN và PTNT sớm đánh giá hiệu quả của dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, nhằm nghiên cứu đầu tư xây dựng cống điều tiết nước kết hợp cầu giao thông ở các cửa biển lớn như Gành Hào, Sông Ðốc của tỉnh Cà Mau.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Lê Tiến Châu cho rằng: Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra phương châm thích ứng BÐKH, phát triển đa dạng các lĩnh vực phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của mỗi khu vực. Tuy nhiên, chúng ta hiện tập trung quá nhiều vào phát triển cây lúa - loại cây không thể sinh trưởng và phát triển tốt tại những khu vực nhiễm mặn, phèn. Do đó, đã đến lúc cần nghiên cứu lại chính sách an ninh lương thực theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi để thích ứng BÐKH, tạo ra giá trị trên từng diện tích đất cao hơn, để BÐKH không phải là thách thức mà là cơ hội để nông dân thoát nghèo và làm giàu…
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, sản xuất nông nghiệp nhiều năm nhưng nông dân vùng ÐBSCL vẫn khó khăn tìm đầu ra cho nông sản, chịu thiệt trong chuỗi sản xuất. Mặc dù Chính phủ có những chính sách hỗ trợ tiêu thụ nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Vì thế, bên cạnh quy hoạch định hướng sản xuất cho từng vùng sinh thái, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và mỗi nông dân cần tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc sản xuất theo chuỗi giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tạo ra được sản lượng lớn, chất lượng cao, đồng đều và bán được với giá cao nhờ liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Muốn sản xuất lớn cần có chính sách lớn cho nên Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật Ðất đai, tạo điều kiện để người dân, các tổ chức dồn điền, dần hình thành những đơn vị sản xuất quy mô lớn và liên kết với nhau tạo ra giá trị cao cho nông sản…
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận