Vai trò của radar trong tác chiến hiện đại

11:16 24-09-2021

LTS: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định “phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Để thực hiện định hướng xây dựng Quân đội ta hiện đại, chúng ta cần phải nắm được những xu hướng phát triển công nghệ, công nghiệp quốc phòng trên thế giới, từ đó, đón đầu những công nghệ hiện đại nhất, phát huy trí tuệ Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất, từng bước làm chủ, rồi tự chủ về công nghệ, công nghiệp quốc phòng. Với mong muốn đó, Báo Quân đội nhân dân ra mắt chuyên trang “Công nghiệp Quốc phòng 4.0”. Rất mong nhận được sự cộng tác, đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các cộng tác viên cùng tất cả bạn đọc gần xa.

VBĐVN.vn - Đã 37 năm kể từ ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Đại đội Radar 53, Trung đoàn 293, Sư đoàn 361 cùng với lời nhắn nhủ: “...mắt người Việt Nam rất sáng, luôn luôn sáng! Mà trong mắt người Việt Nam thì mắt các chiến sĩ radar phải sáng hơn tất cả mọi người...” là sự ví von ngành radar như “mắt thần” của Việt Nam, ngày đêm canh gác lãnh thổ quốc gia. Cùng với tình hình khu vực và quốc tế ngày càng phức tạp, sự tinh vi của các vũ khí công nghệ mới như: Máy bay không người lái, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình... vai trò của radar càng trở nên quan trọng.

Những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh Việt Nam

Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược, tuyến đường biển mậu dịch quốc tế, với đường bờ biển trải dài 3.200km cùng nhiều đảo và quần đảo, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, tuy nhiên cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức trong phòng thủ quốc gia. Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, công nghệ quốc phòng trong đó nổi bật là radar là thành phần không thể thiếu.

Bên cạnh vùng biển, các hoạt động kiểm soát vùng trời cũng có vai trò to lớn trong bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Trong tác chiến hiện đại, các cuộc chiến trên thế giới luôn bắt đầu bằng chiến tranh đường không, với các loại tên lửa hành trình, sau đó là các loại máy bay ném bom hủy diệt. Nếu radar không được hiện đại hóa sẽ dẫn đến thông tin tình báo trên không bị chậm đáng kể, không còn nhiều ý nghĩa cho việc quản lý, điều hành bay, sẽ làm lỡ thời cơ hạ lệnh cho các lực lượng chuyển cấp làm nhiệm vụ tác chiến.

Kiểm tra các thông số trên hệ thống radar do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) nghiên cứu, sản xuất.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân: “Ngay trong thời bình, chúng ta phải luôn chủ động, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đánh bại đòn tấn công hỏa lực của đối phương, mà chống tập kích đường không là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặt lên vai người chiến sĩ phòng không-không quân trách nhiệm rất nặng nề. Vì vậy, cùng với mua sắm vũ khí trang bị kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng Việt Nam cần có những bước tiến nhanh, mạnh hơn nữa. Cần chú trọng đúng mức cho nghiên cứu, sản xuất các loại radar hiện đại hơn nữa... qua đó giúp bộ đội phòng không-không quân thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không; quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời quốc gia trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ”.

Vai trò của radar thế hệ cũ bị đe dọa
Từ khi ra đời, radar đã thể hiện rõ vai trò của mình ở việc tạo ra ưu thế trong chiến tranh. Với khả năng xác định được các mục tiêu và bám bắt để tấn công-tiêu diệt, hệ thống radar còn cung cấp các thông tin chiến trường khác như: Địa hình, thời tiết, các địa điểm dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng, các lực lượng đồng minh-những thông tin quyết định thắng bại trên chiến trường.

Tuy nhiên trong chiến tranh hiện đại, với sự phát triển của công nghệ, đã hình thành các khí tài và phương pháp tác chiến mới nhằm hạn chế và triệt tiêu vai trò của radar. Dưới đây là những nhân tố mới trong tác chiến hiện đại thách thức khả năng hoàn thành nhiệm vụ của radar, để từ đó chúng ta có thể nhận thức sâu sắc hơn vai trò của radar trong cục diện chiến tranh hiện đại.

Máy bay không người lái (UAV): Đã trở thành một phần không thể thiếu của chiến tranh hiện đại. Sử dụng UAV (hay còn được gọi là drone) trong chiến tranh đã có từ 20 năm trở lại đây, tuy nhiên, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh đã làm thay đổi hoàn toàn khái niệm về việc sử dụng drone. Trong cuộc chiến trên, drone được sử dụng để xác định mục tiêu, bản thân các drone cũng được trang bị tên lửa để tiêu diệt mục tiêu, hay trong trường hợp cần thiết các drone này cũng trở thành “máy bay cảm tử” sẵn sàng tiêu diệt đối phương. Hiện nay, thiết bị UAV với khả năng bay 10 giờ và tầm bay 100km chỉ có giá vài trăm nghìn USD hay các drone Quadcopter có tầm bay trên dưới 1km chỉ có giá vài trăm USD. Do vậy, không chỉ các quốc gia có thể trang bị, sử dụng mà các lực lượng vũ trang, khủng bố cũng dễ dàng tiếp cận công nghệ này, như tổ chức khủng bố ISIS đã dùng hàng loạt máy bay không người lái để làm vũ khí cảm tử.

Để có thể ngăn chặn những mối nguy hiểm từ UAV, các hệ thống radar cần có kích thước nhỏ gọn (tiện cho di chuyển, triển khai) trong khi vẫn bảo đảm được vùng phủ-khả năng phát hiện. Điều này là thách thức với công nghệ radar hiện đại vì hai yếu tố này thường đi ngược nhau. Tuy vậy, với sự phát triển công nghệ của một số loại radar hiện đại như: Iris của Robin Radar hay radar A400 của tổ hợp chống drone của hãng Blighter hứa hẹn tăng cường khả năng tác chiến của radar.

Chiến tranh điện tử: Quân đội hiện đại ngày càng phụ thuộc vào các hệ thống thông tin vô tuyến, radar, vệ tinh để xác định vị trí; phân biệt địch-bạn, phối hợp tác chiến, các hệ thống dẫn đường tên lửa, máy bay không người lái. Vì vậy, một trong những mục tiêu đầu tiên của chiến tranh hiện đại là vô hiệu hóa hệ thống radar và hệ thống thông tin địch, các hệ thống làm nhiễu (jammer) tác chiến điện tử (electronic warfare) ngày một tinh vi và nguy hiểm. Đối mặt với các hệ thống tác chiến điện tử, radar thế hệ mới đòi hỏi có thể hoạt động ngoài dải tần chống phá của đối phương; ngoài các chức năng phát hiện mục tiêu có thể dùng sóng radar để liên lạc, điều khiển các hệ thống qua đó loại bỏ sự lệ thuộc vào việc dùng vệ tinh khi tác chiến xảy ra.
Hệ thống chống tên lửa: Tên lửa đạn đạo được sử dụng mạnh mẽ trong các cuộc chiến tranh và xung đột tại Afghanistan, Yemen hay dải Gaza, đòi hỏi sự phát triển của các hệ thống chống tên lửa. Thời gian qua, Quân đội ta đã được trang bị một số tổ hợp phòng không hiện đại. Việc làm chủ công nghệ mới, nâng cấp các hệ thống có sẵn, từ đó xây dựng các hệ thống phòng không của riêng Việt Nam là vô cùng quan trọng. Cùng với sự phát triển của công nghệ tên lửa hành trình như tên lửa siêu thanh, radar cũng cần nâng cao khả năng phát hiện, độ chính xác và thời gian phát hiện khi đánh chặn mục tiêu. Các hệ thống radar hiện đại có khả năng kết hợp nhiều công nghệ cảm biến nhằm phát hiện mục tiêu tốt hơn và đề phòng khả năng chống phá. Một yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống phòng không hiện đại là khả năng phối hợp của nhiều radar với các hệ thống tên lửa, tác chiến điện tử nhằm nâng cao nhất khả năng chống lại các tên lửa hay các máy bay của đối phương.

Cần đi ngay vào những công nghệ mới

Với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, nhiều nhu cầu mới-bài toán mới ra đời đã kéo theo sự phát triển vượt bậc của các công nghệ radar vượt ra ngoài phạm vi định nghĩa ban đầu. Vai trò của radar không còn giới hạn trong việc phát hiện và xác định vị trí mục tiêu, mà còn mở rộng ra nhiều loại hình khác đa dạng, phức tạp hơn, như: Quét dựng bản đồ hình ảnh địa hình, phân tích và tái dựng hình ảnh cấu trúc mục tiêu, nhận diện phân loại mục tiêu, dự báo thời tiết... Do đó, chúng ta cần nghiên cứu, đi ngay vào những công nghệ radar mới.

Công nghệ radar SAR: Trong chiến tranh, việc nắm được tình hình chiến trường như: Địa hình, sự phân bổ của quân địch, những khu vực có giá trị chiến lược cao là tối quan trọng. Bài toán do thám đã được đặt ra kể từ khi máy bay ra đời, ngày nay các hệ thống máy ảnh quang phân giải cao được lắp lên máy bay hay vệ tinh để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên kể cả máy ảnh tốt nhất cũng trở nên kém hiệu quả khi hoạt động về đêm hay khi thời tiết nhiều mây mù hoặc khói. Sự ra đời của công nghệ radar khẩu độ tổng hợp (SAR) đã giải quyết điều này, radar SAR được lắp trên các máy bay và vệ tinh sử dụng công nghệ sóng điện từ để “chụp ảnh” các địa hình khi di chuyển qua cho những hình ảnh có độ phân giải cao (< 1m) vùng quan sát rộng (> 10km) khả năng hoạt động 24/7 trong mọi loại điều kiện thời tiết. Radar SAR không chỉ quan trọng trong vai trò quân sự mà còn cả trong lĩnh vực dân sự như: Quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng của thảm họa và biến đổi khí hậu. LOTUSat-1, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên do Việt Nam làm chủ dự kiến sẽ được phóng vào năm 2023 sẽ sử dụng radar XSAR của hãng NEC.

Công nghệ tự động nhận dạng mục tiêu: Việc phân loại được mục tiêu (loại máy bay, tên lửa, địch hay ta) đã xuất hiện từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Một trong những phương pháp sớm nhất được áp dụng là để trắc thủ nghe lại tín hiệu băng gốc phản hồi từ mục tiêu, dựa vào thông tin này để phán đoán kích thước mục tiêu, loại mục tiêu. Tuy nhiên, phương pháp này có rất nhiều giới hạn: Trắc thủ phải được huấn luyện rất dài, nếu mục tiêu di chuyển rất nhanh (tên lửa, máy bay siêu thanh) thì người nghe không thể phân biệt được và cuối cùng tỷ lệ báo sai tương đối cao. Hiện nay, việc phát triển của các công nghệ radar như: Xử lý tín hiệu micro Doppler, công nghệ range profile và đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ machine learning, các hệ thống radar có thể tự động nhận dạng mục tiêu, thậm chí có thể tự động đưa ra quyết định cho các đơn vị tác chiến khác (tên lửa phòng không, máy bay...) bảo đảm khả năng tác chiến nhanh nhất.

Công nghệ radar đa chức năng băng rộng: Một trong những xu hướng lớn của công nghệ radar hiện đại là việc mở rộng băng tần hoạt động, nhằm chống lại các hệ thống tác chiến điện tử, ngoài ra để các radar SAR đạt độ phân giải cao đòi hỏi radar phải có băng thông rất rộng (đến vài GHz). Ý tưởng của radar đa chức năng là tận dụng sóng radar không chỉ để phát hiện mục tiêu mà còn dùng để tác chiến điện tử, vô hiệu hóa hệ thống thông tin của địch; làm kênh truyền thông tin, liên lạc giữa các đơn vị. Radar đa chức năng và đa băng tần luôn đi song hành với nhau, vì việc gia tăng chức năng của radar phụ thuộc vào số tần số và băng thông radar có thể sử dụng. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ Software-defined radio, các thành phần phần cứng cao tần truyền thống (bị giới hạn về tần số) thay bằng các hệ thống phần mềm (không bị giới hạn về tần số) được hy vọng mở ra cánh cửa mới cho các radar đa chức năng băng rộng trong tương lai.

Như thế, có thể thấy, ngày càng nhiều các vũ khí công nghệ mới như: Máy bay không người lái, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình siêu thanh đặt ra một thách thức lớn đối với an ninh thế giới nói chung, quốc phòng, an ninh Việt Nam nói riêng, mà trong đó vai trò của radar trở nên nổi bật hơn cả. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, chúng ta cần có một nền công nghiệp radar mạnh, ứng phó với các thách thức mới.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang