Vận dụng bài học Đường Hồ Chí Minh trên biển vào công tác giáo dục-đào tạo

14:58 17-10-2021

VBĐVN.vn - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bài học kinh nghiệm phong phú về nghệ thuật quân sự của Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển trong mọi hoạt động của bộ đội hải quân, trong đó có hoạt động giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của Học viện Hải quân (HVHQ) nhằm góp phần đào tạo, cung cấp những cán bộ, sĩ quan ưu tú, có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

HVHQ là trung tâm GD-ĐT và nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân chủng Hải quân và quân đội. Nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đặt ra nhiều thách thức đối với Hải quân nhân dân Việt Nam. Lực lượng hải quân cần có những cán bộ có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới. Những bài học kinh nghiệm về hoạt động tác chiến từ Đường Hồ Chí Minh trên biển, đặc biệt là việc tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo và phương thức hoạt động... trong hoàn cảnh khó khăn để phát huy vai trò chi viện chiến lược của tuyến đường hiện vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, kế thừa, phát triển sáng tạo vào hoạt động quân sự, quốc phòng và công tác GD-ĐT. Dưới đây là một số bài học kinh nghiệm của Đường Hồ Chí Minh trên biển được HVHQ vận dụng vào công tác GD-ĐT trong tình hình hiện nay.

Huấn luyện môn thể thao đặc chủng cho học viên ở Học viện Hải quân (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Thứ nhất, thường xuyên coi trọng công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho các đối tượng học viên, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.
Có nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh, làm nên kỳ tích của Đường Hồ Chí Minh trên biển, song qua thực tế chiến đấu và công tác, yếu tố quan trọng nhất để làm nên chiến thắng chính là sức mạnh chính trị tinh thần. Sức mạnh đó được kết tinh trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, trở thành động lực thôi thúc họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh... mưu trí, dũng cảm, tạo nên thiên huyền thoại bất tử trên con đường biển mang tên Bác.
Vận dụng bài học đó, công tác GD-ĐT của HVHQ trước hết phải tập trung vào giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu cho toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ ở mọi lúc, mọi nơi, gắn liền trong mọi hoạt động, nhằm giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng yêu nước, danh dự và khát khao cống hiến cho Tổ quốc; chuyển hóa bản lĩnh chính trị và ý chí chiến đấu thành suy nghĩ và hành động, thành niềm tin chiến thắng trước những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù; xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ-người Chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.

Thứ hai, tập trung bồi dưỡng cho học viên kiến thức chuyên môn; trình độ, khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường khi hoạt động chiến đấu trên biển. Thực tiễn hoạt động vận tải, chiến đấu trên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển của bộ đội hải quân cho thấy, dám đánh, quyết đánh phải đi đôi với biết đánh và biết thắng. Trong điều kiện phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hạn chế, trong hoàn cảnh vừa phải chống chọi với sóng to, gió lớn của biển cả, vừa đấu tranh với sự ngăn chặn quyết liệt của đối phương có trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại, nhưng cán bộ, chiến sĩ ta vẫn vượt qua, chi viện người, hàng hóa cho quân dân miền Nam. Những kinh nghiệm quý báu đó vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trong vận tải, bảo đảm và chỉ huy chiến đấu cho lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay và mai sau.
HVHQ với vai trò đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quân chủng Hải quân và quân đội; thường xuyên coi trọng trang bị những kiến thức cơ bản về công tác quân sự, tham mưu, tác chiến; những bài học tính toán tác nghiệp chiến thuật, điều động tàu, xác định các yếu tố, tham số của mục tiêu; những giờ tập bài chiến thuật-chiến dịch; chú trọng rèn luyện thành kỹ năng, kỹ xảo, rèn luyện tư duy chiến thuật, tác phong và bản lĩnh chỉ huy; không lệ thuộc vào công nghệ, dẫn đến chủ quan duy ý chí, không còn khả năng tư duy, sáng tạo khi gặp tình huống bất lợi.

Thứ ba, GD-ĐT phải bám sát với thực tiễn chiến trường. Mỗi chuyến đi của những con tàu chở đầy vũ khí vào các bến ở miền Nam là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với sóng gió của cán bộ, chiến sĩ. Ngày nay, hoạt động GD-ĐT phải bám sát với thực tiễn chiến trường là một yêu cầu mang tính nguyên tắc trong công tác đào tạo; nhà trường gắn với đơn vị là một trong những phương châm huấn luyện của HVHQ. Thực tiễn những năm qua, HVHQ đã thực hiện tốt chủ trương của quân chủng về gắn công tác GD-ĐT ở nhà trường với huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị. Đồng thời, học viện cử hàng trăm cán bộ, giảng viên đi thực tế nghiên cứu, khảo sát ở các đơn vị có vũ khí, trang bị mới, hiện đại để thu thập kiến thức, nắm bắt những vấn đề mới, kịp thời cập nhật, điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; qua đó thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo tại nhà trường và yêu cầu của đơn vị.

Thứ tư, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm những hoạt động thực tiễn, tìm ra phương thức mới đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Hoạt động tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong công tác GD-ĐT tại HVHQ là vấn đề luôn được chú trọng. Những hoạt động đi thực tế đơn vị, thực tập, khảo sát chiến trường được tiến hành bài bản và ngày càng chuyên sâu. Việc phối hợp với các đơn vị trong quân chủng khi tổ chức diễn tập có bắn đạn thật, bắn tên lửa... cho giảng viên, học viên được tham gia nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao kinh nghiêm hoạt động trên biển thu nhiều kết quả quan trọng. Những chuyến đi biển đường dài áp dụng phương pháp dẫn tàu bằng tính toán tác nghiệp địa văn, thiên văn, trên các vùng biển, trong các mùa khác nhau, trong điều kiện thời tiết phức tạp; kinh nghiệm hoạt động ở các vùng biển phức tạp như Trường Sa, các luồng thủy nội địa; các cuộc diễn tập, kiểm nghiệm các phương án chiến đấu ở các đơn vị, ở trung tâm mô phỏng tác chiến được tổng kết, lưu giữ và truyền thụ cho các thế hệ học viên để có được kiến thức, tư liệu chuẩn bị cho các tình huống hoạt động chiến đấu thực tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sĩ quan hải quân.

Chuẩn đô đốc, PGS, TS NGUYỄN VĂN LÂM, Giám đốc Học viện Hải quân

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang