Về miền di sản văn hóa cửa biển Tuy An

15:23 14-06-2021

VBĐVN.vn - Miền biển Tuy An của tỉnh Phú Yên nằm bên sông Kỳ Lộ là điểm cuối của dãy Trường Sơn hướng ra biển. Nơi đây, trải qua quá trình vận động địa chất hàng triệu năm từ đất liền ra duyên hải còn để lại ghềnh Đá Đĩa. Có thể vì thế nơi này cho đến nay vẫn còn lắng lại muôn màu trầm tích cho "xứ Nẫu" Phú Yên.

Ít người biết rằng, ở Tuy An có một ngôi nhà thờ cổ lưu giữ bảo vật công giáo là một cuốn sách tồn tại đã 370 năm - cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam và không dễ để tiếp cận như báo chí thường nói. Theo lý thuyết, cuốn sách được trưng bày để du khách thưởng lãm trong đền thờ Á thánh Anre và tưởng niệm giáo sĩ Alexandre de Rhodes của nhà thờ Mằng Lăng.

Kiến trúc cổ kính của nhà thờ Mằng Lăng. Ảnh: TTH

Trong một ngày tịnh vắng phía sân sau công trình kiến trúc gothic tuyệt đẹp và cổ kính này, Linh mục Phero Trương Minh Thái, Chánh xứ Giáo xứ Mằng Lăng đương nhiệm chấp thuận để tôi tự tay cầm cuốn sách gốc quý giá, soi từng tờ giấy lên nguồn sáng như cách ông nói, một cách kiểm tra xem cuốn sách có thực là bản gốc hay không.

Đây chính là cuốn sách đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam in năm 1651 tại Roma (Italia). Tôi run rẩy khi nghĩ rằng, mình được cầm lên, giở từng trang một cuốn sách đã “sống” gấp hàng chục lần tuổi của mình. Trừ một vài lần gián đoạn do yếu tố lịch sử, cuốn sách hầu như được lưu giữ thông thường như nhiều tài liệu khác trong nhà thờ Mằng Lăng, tắm trong không gian, khí hậu của miền đất biển Tuy An. Nó đã từng có mặt trong hầu hết các buổi lễ thánh của giáo xứ. Ban đầu, cũng có thời gian cuốn sách được đặt trong đền Á thánh Anre, tuy nhiên lo ngại an ninh và sợ cuốn sách bị hư hại, Linh mục Trương Minh Thái mang cất bản gốc, chỉ để lại trưng bày phiên bản của nó.

Ở giáo xứ miền biển Tuy An này, những kỷ vật của giáo sĩ Alexandre de Rhodes luôn được kính trọng. Vị giáo sĩ truyền giáo kiêm nhà ngôn ngữ học châu Âu sống ở giữa thế kỷ XVII có công quy chuẩn hóa chữ quốc ngữ từ việc phát minh dùng chữ quốc ngữ trong giảng đạo của nhóm các nhà truyền giáo và giáo dân ưu tú ở vùng Nam Trung bộ lúc bấy giờ.

Không chỉ được khám phá về văn hóa, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình minh tại Đầm Ô Loan

Cuốn sách quý này vừa mới đây được đưa vào hồ sơ đề xuất kỷ lục Việt Nam và bộ hồ sơ của Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Hội kỷ lục gia Việt Nam vẫn nằm trên bàn của Linh mục Trương Minh Thái. Ông trò chuyện với tôi say sưa về lịch sử của nhà thờ Mằng Lăng, về bộ bàn ghế cũ 130 năm lên nước đen bóng mà chúng tôi đang ngồi. Nhà thờ Mằng Lăng xuất hiện còn là dấu ấn sự dịch chuyển tầm ảnh hưởng của công giáo vào Đàng trong, sự ra đời của chữ quốc ngữ và sự phát triển của giáo phận, đặt con người trong khuôn phép của giáo lý, duy trì bản tính hiền hòa và tâm hồn lành lặn của người "xứ Nẫu" cho đến ngày nay.

Điều đáng nói là căn phòng khách của Linh mục Trương Minh Thái cũng cổ kính tựa như một bảo tàng nhỏ. Ngoài bộ bàn ghế gỗ bằng lăng quý giá, ông lưu giữ rất nhiều hiện vật cổ xưa, nhiều chân đèn, giá nến cũ kỹ, bàn là con gà kiểu Pháp, kỷ vật mang văn hóa công giáo nhiều loại mà nói về niên đại và câu chuyện sưu tầm vất vả ra sao là nhiều câu chuyện dài. Giữa khung cảnh linh diệu, cổ điển đó, cuốn sách cổ “Phép giảng 8 ngày” in tại Roma cất kỹ trong rương. Cuốn sách bọc ngoài bìa bằng vải, trông cũ kỹ và sờn ố. Lật ra để đọc trang đầu, những chữ quốc ngữ sơ khai đầy âm ngữ địa phương cho thấy ngay thăng trầm của quá trình lịch sử mà công giáo du nhập vào nước ta. Một sự bản địa hóa kỳ diệu nhưng dấu ấn của văn minh châu Âu vẫn còn đó.

Khi tôi giơ những trang giấy còn nguyên chữ màu mực đen bóng lên ánh đèn vàng, dấu in chìm trong giấy in của nhà in Vatican vào thời điểm năm 1651 hiện rõ mồn một. Dấu tích này khẳng định bản in gốc được chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes mang về Roma in những tài liệu đã biên soạn của mình thành cuốn sách này. Ông đã in sách tại nhà in Vatican rồi lại mang sang Việt Nam và sử dụng nó trong các buổi giảng đạo của mình. Vào thời điểm đó, kỹ thuật in chìm trong giấy mà chữ hoặc dấu chìm chỉ hiện lên khi giơ giấy trước nguồn sáng là một trong những kỹ thuật in tiên tiến chỉ có vài nhà in làm được.

Toàn cảnh Gành Đá Dĩa (hay Gành Đá Đĩa)

Cuốn sách có thể sẽ mãi là bảo vật của riêng Tuy An, nằm ngoài những tranh cãi về chữ quốc ngữ cũng như hành trình bản địa hóa của tôn giáo vào Việt Nam. Từ câu chuyện về cuốn sách cổ “Phép giảng 8 ngày” này, tôi đã tìm thấy và gặp gỡ ở Tuy An rất nhiều nhà sưu tầm hiện vật cổ. Có thể miền trầm tích "xứ Nẫu" sắp bước vào một thời kỳ náo nhiệt khi số lượng nhà sưu tầm cổ vật đông lên bất thường. Khi mới đây, công chúng xôn xao đồn đoán phao tin một hiện vật giả cổ là đồ cổ giá hàng chục tỉ đồng, thì miền biển Tuy An ngay lập tức cảm nhận được sự tăng nhiệt.

Đã và sẽ có nhiều người lập bảo tàng tư nhân, liên kết với các khu du lịch để làm du lịch văn hóa riêng của họ. Phía sau những khao khát đó, ẩn giấu sau những bờ thửa cánh đồng bên sông Kỳ Lộ hướng về phía biển Tuy An, rất nhiều hiện vật cổ nằm trong kho của các nhà sưu tầm, không bị thất lạc qua bao nhiêu năm, bao nhiêu đổi dời của thời thế cũng là một điều kỳ lạ.

"Xứ Nẫu" Phú Yên dễ bị bỏ qua, mãi thưa vắng và an hiền trong hành trình khám phá văn hóa Nam Trung Bộ khi bị kẹp giữa Khánh Hòa và Bình Định. Tuy thế, sự chậm nhịp này cũng ích lợi, ít nhất là khiến những miền đất như Tuy An bảo toàn được một phong vị riêng, tàng ẩn nhiều đồ vật cổ. Con người "xứ Nẫu" cũng nuôi dưỡng trong mình tính cách cũ, phong lưu quê kiểng riêng kiểu miền biển. Ví Tuy An giống như bảo tàng sống của "xứ Nẫu" cũng không sai.

Nam Văn (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang