Về với Cồn Cỏ
Chuyến đi này, tôi có ba cái đầu tiên: lần đầu tiên được đi trên con tàu vận tải biển quân sự có sức chở 450 tấn; lần đầu tiên được ngủ nhiều đêm liền trên biển; lần đầu tiên được đến với Cồn Cỏ - đảo thép anh hùng nên tâm trạng vừa vui mừng, vừa hồi hộp. Từ lúc di chuyển bằng chiếc ca nô nhỏ trên dòng sông Lam để lên tàu vận tải quân sự số hiệu 15-11-26 của Lữ đoàn Vận tải thủy 873, Cục Hậu cần Quân khu 4, tôi luôn tự nhủ mình phải đứng thật vững giữa tròng trành sóng nước. Vậy mà, khi bước chân lên con tàu lớn, chân tôi cứ líu ríu, ngỡ ngàng, bởi niềm vui chỉ thời gian ngắn nữa thôi, con tàu sẽ đè sóng dòng Lam, hướng ra biển lớn, đến với đảo Cồn Cỏ.
Tàu chưa xuất bến, trên những gương mặt thủy thủ, mồ hôi đầm đìa chảy dưới cái nắng chiều như thiêu như đốt của “chảo lửa” miền Trung. Các anh tất bật công tác chuẩn bị. Giữa không khí hối hả ấy, tôi ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay ở nơi cao nhất của con tàu. Phía xa là núi Quyết, cầu Bến Thủy đang rực lên, lóa sáng. Tôi nghĩ, chuyến đi này là mạch nguồn kết nối trang sử hào hùng, oanh liệt giữa các địa danh “rực lửa chiến công” trên dải đất, sông núi, biển trời của khúc ruột miền Trung dằng dặc. Những liên tưởng làm tôi xốn xang hơn.
17 giờ 21 phút, tàu xuất bến. Qua trò chuyện, tôi biết các anh đều mơ ước sẽ có lần lái chính con tàu thân yêu của mình đến với Trường Sa. Những chuyến đi huấn luyện, vận chuyển hàng hóa đến các đảo Hòn Mê, đảo Ngư, đảo Mắt, đảo Sơn Dương, đảo Hòn La, đảo Cồn Cỏ của dải đất Quân khu 4 từ Tam Điệp đến Hải Vân là một lần tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho các hải trình xa hơn, thực hiện nhiệm vụ lớn hơn khi Tổ quốc cần.
18 giờ 30 phút, tàu rẽ sóng Cửa Hội, hướng ra biển theo phía phải đảo Hòn Ngư.
Đã có lần theo tàu ra đảo Mắt, tôi biết sóng cửa Hội là sóng ngang nên phải thật vững tay lái mới đảm bảo an toàn. Trời chạng vạng, trong ánh sáng mờ mờ dần bủa vây mặt biển, tàu của ngư dân sau một chuyến ra khơi đang hối hả trở về. Giữa sóng nước chiêng chao, trên những chiếc tàu cá, ngư dân đều giơ tay chào khi gặp tàu bộ đội. Hình ảnh gần gũi, thân quen như bộ đội chúng tôi vẫn chào nhau bằng điều lệnh. Tôi bấm số điện thoại gọi cho một ngư dân ở Cửa Lò, người ngư dân can trường bám biển mà tôi quen từ trước.
Gia đình anh, thế hệ nối tiếp thế hệ, từ đời kị, đời cụ, đời ông, đời cha, đời con đều làm nghề đi biển và gắn bó với ngư trường Hoàng Sa. Vượt đạn bom trong chiến tranh, vượt những thói xấu của con người trong thời bình, lớp cha trước, lớp con sau, gia đình anh luôn coi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là nhà, anh nói: Hoàng Sa là máu thịt của đất nước mình, một tấc biển không thể tách rời Tổ quốc.
Anh cho tôi biết, khi gặp tàu quân sự, ngư dân đều giơ tay chào bởi đó là tín hiệu bình yên. Làm nghề biển lênh đênh, cách bờ xa thẳm, nhưng ở bên cạnh, đồng hành với ngư dân luôn có tàu của lực lượng kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển, tàu vận tải quân sự… nên dẫu chỉ một sự cố nhỏ thôi, cả khi có tàu lạ hung hăng chèn ép, sau cuộc gọi từ bộ đàm, tàu của các lực lượng quân đội hoạt động trên biển lập tức có mặt để hỗ trợ ngư dân. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay và ngôi sao vàng trên con tàu quân sự, mọi ngư dân đều giơ tay chào.
Tàu qua đảo Hòn Ngư, hướng về vùng biển đảo Mắt. Tôi cùng phóng viên Mạnh Hùng đứng trên mạn tàu nhìn ra hướng biển. Hàng trăm tàu đánh cá đêm như dệt nên lễ hội ánh sáng tỏa ra từ mặt biển. Hai anh em trò chuyện với nhau về phao số không, đường cơ sở. Chẳng biết từ bao giờ, một thủy thủ còn rất trẻ đứng bên cạnh góp lời. Em nói cho chúng tôi nghe về Luật Biển.
Em nói vanh vách, chuẩn chỉ từng câu, từng chữ. Dẫu đã đọc và nghiên cứu nhiều lần, nhưng khi được cậu thủy thủ giới thiệu, chúng tôi càng thấm hơn từng câu chữ, càng ghi khắc sâu sắc giá trị máu xương, mồ hôi của cha ông đổ xuống để giữ gìn từng tấc biển thiêng liêng.
Bữa cơm đầu tiên trên biển thật ấn tượng. Người làm nghề đi biển “ăn to, nói lớn”, “ăn sóng, nói gió”, bữa ăn trên tàu ồn ã tiếng nói cười. Ai cũng bảo chúng tôi phải ăn thật nhiều, chứ không sóng dồn nửa đêm đói lả. Lời các anh nói, động tác các anh và cơm, gắp thức ăn tự nhiên như người trong một gia đình. Nhưng trong cái tự nhiên, ồn ã ấy, đôi tai các anh vẫn tập trung cao độ theo tiếng máy của con tàu.
Vừa gắp thức ăn cho tôi, Đại tá Trần Văn Chiến, Lữ đoàn trưởng vừa nói với đồng chí thợ máy còn rất trẻ: “Máy tàu nổ to hơn bình thường, yêu cầu kiểm tra ngay”. Lúc này, tôi mới nhận ra tiếng nổ của tàu không êm như trước. Đồng chí thợ máy tự tin trả lời, máy tàu làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên “e” làm mát hoạt động liên tục quá tải, chỉ cần hỗ trợ xả “e” là được.
Tiếng máy êm dần, tàu đều đều lướt sóng. Bữa ăn lại vang tiếng nói, tiếng cười rổn rảng. Sau này, tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới biết, cứ mỗi kíp thủy thủ vào ca như mỗi lần ra trận và không ai nói ra nhưng tất cả như có quy ước ngầm, ca trực luôn gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ để cho đồng đội của mình có những giờ phút nghỉ ngơi.
Với con tàu lớn như 15-11-26, biên chế phải từ 18 đến 23 thủy thủ, nhưng quân số hiện có chỉ từ 8 đến 14 đồng chí. Người ít, khi đi biển bám tàu đã đành, khi neo đậu ở bến, công việc nhiều hơn gấp đôi. Tám người vừa thực hiện nhiệm vụ chung của Lữ đoàn, vừa trông coi, bảo dưỡng, vệ sinh tàu. Những ngày đất trời miền Trung nắng nóng đỉnh điểm, nếu không có thần kinh thép thì không thể trụ vững.
Khi tàu neo ở bến, máy không nổ, không có điện nên làm việc dưới tàu như làm việc trong lò nung. Anh em phải hạ thủy ca nô che nắng để nghỉ ngơi trên bồng bềnh mặt nước. Đêm tối đến trải chiếu, mắc màn trên mạn, trên boong tàu để ngủ, mãi rồi cũng quen. Làm bạn với tàu nên mọi hỏng hóc, sự cố không chỉ có thợ máy mà anh em trên tàu đều thuộc nằm lòng nên thực hiện các hải trình huấn luyện xoay vòng trên các đảo, các kíp tàu của Lữ đoàn 873 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bám tàu, bám đơn vị, nhiều đồng chí nhà ở chỉ cách vài cây số nhưng rất ít khi về. Lúc thời tiết dịu mát, một số đồng chí có con nhỏ xin với chỉ huy cho vợ đưa con đến chơi. Để các cháu lên thăm tàu có chỗ chơi an toàn, các anh góp tiền mua chiếc xe máy trẻ con chạy bằng điện ắc quy. Những đứa trẻ chạy trên sàn tàu, tiếng còi toe toe vui tai, nụ cười khoe hết cả hàm răng sún.
Tàu đi qua khu vực đảo Mắt. Ngồi trên mạn trái, tôi thấy ánh sáng từ ngọn đèn biển trên đảo và ánh sáng của hàng trăm chiếc tàu đánh cá hai bên đảo như tạo thành bức tường ánh sáng giữa mênh mông trời nước biển khơi.
Mấy năm nay cá, tôm, ghẹ, cua, mực… có nhiều xung quanh đảo Mắt nên ngư dân được mùa. Công lao ấy, theo người dân vùng biển nơi đây là nhờ các chú bộ đội trên đảo thường ngày tuyên truyền trên loa phóng thanh công suất lớn, khuyên bà con không dùng thuốc nổ, lưới cào, lưới điện đánh bắt. Bộ đội trên đảo luôn giúp đỡ ngư dân khi gặp sự cố trên biển. Lúc gặp bão to, sóng lớn, thuyền hỏng máy, hết thức ăn, cạn nước ngọt, đảo Mắt là nơi trú ẩn an toàn. Bộ đội trên đảo luôn nhường cơm, sẻ nước giúp đỡ ngư dân cho đến khi sóng lặng, biển yên.
Tàu xuyên đêm tối lướt êm trên sóng biển hướng về Cồn Cỏ. Tôi hết ngồi mạn phải, mạn trái rồi lại lên buồng lái để cảm nhận đêm trên biển quê hương. Từng cơn gió mát lành, hào phóng từ lòng biển làm cho tôi lần đầu tiên đi đường dài trên biển nhưng không hề có cảm giác say sóng.
Đêm đầu tiên giữa mênh mông sóng nước, tôi thức cùng thủy thủ. Biển đêm lung linh, ánh đèn như được thắp lên từ mặt nước. Giọng đồng chí lái tàu đều đều, rủ rỉ: Mùa này đêm biển thức không ngủ. Ban ngày trời nắng nóng, ngư dân tranh thủ đêm đánh bắt cá. Biển đêm lúc nào cũng rực sáng ánh đèn.
Tàu đi qua vùng biển Hà Tĩnh, có thêm nhiều ánh đèn mọc lên từ đáy đại dương. Đó là tín hiệu nối dài những niềm vui. Vùng biển Hà Tĩnh, vùng biển ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mới chỉ cách đây chưa lâu vắng lặng đến nao lòng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển do Fomosa gây ra. Còn bây giờ, sau những thăng trầm, với sự chung tay, góp sức của nhiều lực lượng, tuy còn đâu đó có kẻ vẫn cố tình lợi dụng, đào xới sự cố, nhưng biển đã sạch, cá, tôm đã sinh sôi nảy nở, ngư dân yên tâm, phấn khởi làm ăn và bảo vệ biển quê hương.
Bốn giờ ba mươi phút sáng. Tàu đi vào vùng biển tỉnh Quảng Bình. Lúc này chưa đến giờ báo thức nhưng tất cả cán bộ, thủy thủ trên tàu đều đã quân phục chỉnh tề đứng nghiêm trang hướng về phía Vũng Chùa, Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếng các anh hòa theo tiếng sóng. Mỗi lần qua Vũng Chùa, Đảo Yến là thêm một lần các anh khắc ghi công ơn lớn lao của vị Đại tướng suốt đời vì nước, vì dân.
Bình minh dát vàng trên mặt biển. Bữa ăn sáng của thủy thủ trên tàu diễn ra nhanh chóng. Sau một đêm thức lái con tàu đi đúng hải trình, một ngày mới đang chờ đón các thủy thủ.
Tôi cùng phóng viên Mạnh Hùng dùng máy quay, máy ảnh theo sát công việc của các thủy thủ mặc mồ hôi trên người tuôn chảy. Vừa xong kiểm tra nội vụ đến kiểm tra tàu, tiếp đó luyện tập các phương án chiến đấu. Biển xanh thẳm, tiếng máy tàu nổ đều. Cái nắng nóng khủng khiếp tỏa xuống như nung. Từng dấu giày hằn lên sắt thép trên boong tàu ngày càng rõ hơn. Mồ hôi thấm đẫm quân phục màu sóng biển. Ai cũng chạy đua với thời gian để huấn luyện sát thực tế.
Các anh quý trọng, chắt chiu từng mét của hải trình, bởi vì không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện, nhất là các hải trình xa như đảo Cồn Cỏ. Dường như muốn chia sẻ sự vất vả của các thủy thủy, thỉnh thoảng trên mặt biển lại xuất hiện những đàn cá chuồn bay trên mặt nước, tạo thành những dòng bọt trắng li ti muôn hình thù, trông thật vui mắt.
Còn cách Cồn Cỏ bao nhiêu hải lý? Mấy giờ thì đến Cồn Cỏ? Những câu hỏi cứ cuốn lấy suy nghĩ của tôi.
Mười bốn giờ, chúng tôi thấy Cồn Cỏ như một con thuyền nhỏ màu xanh neo trên mặt biển. Lữ đoàn trưởng Trần Văn Chiến chỉ thị cho tàu chạy hết công suất. Cùng với Lữ đoàn trưởng, trong số các thủy thủ trên tàu, có người đã ra đảo Cồn Cỏ nhiều lần. Nhưng theo tâm sự của các anh thì lần nào cũng hồi hộp và muốn được đặt chân lên đảo thật sớm như lần đến đầu tiên. Tôi đứng trên mạn tàu, mắt nhìn về phía đảo.
Mười lăm giờ bốn mươi lăm phút, con tàu dừng lại neo đậu cách đảo Cồn Cỏ năm trăm mét. Biển cả như thử thách lòng người, sóng dồn lên, đẩy chiếc ca nô vừa hạ thủy lên cao, rồi đột ngột thả xuống, hết sức nguy hiểm. Không chút do dự, Lữ đoàn trưởng Trần Văn Chiến bằng động tác từng trải của người đi biển nhanh chóng nhảy xuống cùng với đồng chí thợ lái giữ thăng bằng để cán bộ, thủy thủ trên tàu chuyển sang chiếc ca nô di chuyển vào đảo.
Thấy chiếc ca nô nhỏ không thể chở hết số người chờ lên đảo, chiếc thuyền của ngư dân đang chạy hết công suất để kịp giờ ra khơi đánh cá đã bẻ lái cập mạn tàu 15-11-26 hỗ trợ. Tôi lên chiếc thuyền của ngư dân. Con thuyền đè sóng, chốc lát đã cập bến âu tàu. Lúc này, tôi và các thủy thủ mới chợt nhớ và hỏi tên hai người ngư dân trên chiếc thuyền cá. Đáp lại lời chúng tôi, hai ngư dân cười thật hiền, tiếng nói hòa vào tiếng sóng: - Hẹn gặp lại các chú bộ đội, chúng tôi đi để kịp giờ thả lưới thôi.
Người Quảng Trị là vậy đó, đã giúp ai giúp thiệt tình, chẳng tính toán thiệt hơn.
Giây phút đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, tôi như được trở về ngôi nhà thân yêu, nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình sau bao năm tháng xa cách. Quân dân trên đảo dón chúng tôi bằng những cái nắm tay, cái ôm thật chặt. Từ người dân đến người lính đảo đều có màu da nâu đậm chất sóng gió biển khơi, nhưng ánh mắt, nụ cười của họ thì tỏa sáng dưới nắng chiều lấp loáng. Tôi biết, nắng gió nhuộm nâu màu da người để cùng với con người chắt chiu, gìn giữ cho Cồn Cỏ xanh mát một màu xanh bình yên.
Cùng quân dân trên đảo, chúng tôi đến dâng hoa, dâng hương ở Danh bia liệt sĩ đảo Cồn Cỏ. Hai bên con đường dẫn lên bia ghi danh, mặc dù cây cối đã phủ kín, nhưng vẫn không che lếp hất dấu tích của những hố bom, đạn hằn sâu trên mặt đất.
Danh bia liệt sĩ đảo Cồn Cỏ, từng dòng chữ rực cháy dưới nắng chiều. 30 liệt sĩ quê hương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trực tiếp chiến đấu, hi sinh trên đảo. 74 liệt sĩ là bộ đội, dân quân phục vụ chiến đấu bảo vệ đảo hi sinh đều là những người con của đất thép Vĩnh Linh. Đọc những dòng chữ trên bia, nhiều người trong đoàn không cầm được nước mắt.
Càng xúc động hơn khi chúng tôi được biết, cơ bản hài cốt các liệt sĩ chiến đấu, hi sinh bảo vệ đảo Cồn Cỏ đều được đưa về an táng yên nghỉ tại quê nhà, nhưng vẫn còn không ít liệt sĩ không tìm thấy hài cốt. Thịt, xương các anh đã hóa thành sóng biển quê hương.
Mang theo niềm xúc động khôn nguôi, chúng tôi đến điểm cao 63. Đoàn vừa đến lưng chừng con dốc, bỗng nghe tiếng hát cất lên hùng tráng, thiết tha: Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A, Thái Văn A đứng đó/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời…
Chúng tôi cuốn theo tiếng hát của người chiến sĩ cho đến khi có một chàng trai, hai cô gái xuất hiện. Mồ hôi thấm đẫm trên ba khuôn mặt trẻ măng, các cô gái, chàng trai ấp úng nói lời xin lỗi và giải thích, chúng cháu nghe bài hát về anh hùng Thái Văn A hay quá, nên cố gắng chạy thật nhanh để đến đây.
Sau đó, cùng trên hành trình đi thăm đảo, chúng tôi được biết chàng trai là Vũ Tiến Duy quê ở Nam Định, một cô gái Nguyễn Ngọc Mai Ly quê ở Hà Giang, cô còn lại là Hà Thị Quyên quê ở Hải Phòng, tất cả vừa tốt nghiệp đại học, tuy quê quán khác nhau, học trường khác nhau nhưng gặp nhau ở tình yêu với đảo Cồn Cỏ. Thế là kết bạn, vượt một chặng đường dài đến nơi đây.
Dịp chúng tôi đến, Cồn Cỏ cả tháng trời không có mưa, nắng nóng như thiêu như đốt. Đêm ở nhà khách trên đảo, nước sinh hoạt chảy ra từ những chiếc vòi chậm rì, mặn như nước muối. Khó khăn, khắc nghiệt là thế mà các cô gái, chàng trai vẫn ra đảo, ở trên đảo dài ngày. Thật lạ.
Đêm trên đảo Cồn Cỏ, những cơn gió khoáng đạt từ biển khơi đung đưa cây lá, lung linh, ảo diệu dưới ánh điện. Ngồi quây quần trò chuyện với quân dân và những người khách dưới chân cột cờ Tổ quốc, tôi chợt nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Hồ Khải Đại, người đã từng là phóng viên Báo Quân khu Bốn, người mà thế hệ chúng tôi xem như người ông, người cha đáng kính viết về Cồn Cỏ trong những năm hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước: “…Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ kiên cường/ Cồn Cỏ ta ơi chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”.
Cồn Cỏ của hôm qua. Cồn Cỏ của hôm nay. Cồn Cỏ của mai sau, mãi mãi nở đầy hoa chiến thắng, mãi mãi là đảo thép anh hùng, bởi luôn có những trái tim như ngọc sáng ngời đang hướng về, đang ở đó. Với riêng mình, tôi gửi trọn tình yêu với đảo, tôi luôn thấy đó là sự trở về - về với Cồn Cỏ, về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của tôi.
Theo Văn nghệ quân đội
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận