Vệt 3 bài: Nâng cao tính thực tiễn của chính sách kinh tế biển - Bài 1: Nỗi buồn “tàu 67” tại Cà Mau

22:57 16-07-2021

VBĐVN.vn - Cứ vào độ 18-20 âm lịch hàng tháng, bước vào con trăng mới (theo dân đi biển vẫn hay gọi), hàng trăm chiếc tàu cá lại nối tiếp nhau vượt trùng khơi khai thác, đánh bắt thuỷ sản. Cảnh tàu ghe ra cửa biển nhộn nhịp mang theo hy vọng về con trăng no đầy đã trở nên quen thuộc tại các cửa biển. Thế nhưng, có những con tàu công suất hàng trăm CV, trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng phải nằm phơi vỏ thép, án ngữ một góc cửa biển sầm uất bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Cửa biển Sông Đốc là cửa biển sầm uất bật nhất khu vực ĐBSCL

Con tàu được nhắc đến ấy chính là con tàu được đóng theo Nghị định 67/2014, mà ngư dân vẫn gọi với cái tên thân quen “tàu 67”. “Ðây có thể nói là chính sách phát triển thuỷ sản lớn nhất của Chính phủ trong số những chính sách được ban hành hơn 10 năm trở lại đây, một chính sách tạo tiền đề bứt phá cho phát triển ngành khai thác thuỷ sản xa bờ, một chính sách đã từng mang lại niềm tin, hiệu quả cho bà con ngư dân Cà Mau hành nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản nơi cuối cùng cực Nam Tổ quốc”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng nhận định.

“Tàu 67” quy mô ngày ấy…

Với mục tiêu hiện đại hoá tàu cá, giảm số tàu khai thác gần bờ, mở rộng đánh bắt vùng biển khơi, để ngư dân yên tâm bám biển, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển, “tàu 67” bắt đầu triển khai tại tỉnh Cà Mau vào năm 2014 nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của ngư dân. Chỉ sau hơn 2 năm triển khai, đã có 34 tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67/2014, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng (11 tàu thép, 16 tàu gỗ, 7 tàu composite). Trong đó, 32 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp có công suất lớn từ 420CV đến trên 1.000CV và nhiều chiếc thay thế vật liệu gỗ trước đây bằng tàu vỏ thép, composite, đã đem lại lợi ích thiết thực cho lĩnh vực khai thác thuỷ sản của ngư dân vùng mũi đất Cà Mau.

Theo đó, có đến 8 chính sách hỗ trợ đi kèm, đó là Nhà nước hỗ trợ từ 6-7% lãi suất khi người dân vay vốn đóng tàu và thời hạn trả hơn 12 năm tuỳ theo dự án. Một nội dung hỗ trợ hết sức nhân văn, đó là bảo hiểm thuyền viên tàu cá với mức hỗ trợ 100%. Tất cả chi phí thiết kế của tàu đều được hỗ trợ 100%. Ðịnh kỳ theo quy định đăng kiểm tàu phải được kiểm tra, sửa chữa, trùng tu thì Nhà nước hỗ trợ 100% đối với tàu vỏ thép…

Với hàng loạt những chính sách hỗ trợ mang tính ưu đãi lẫn nhân văn đã tạo niềm tin, phấn khởi cho ngư dân Cà Mau không ngừng đẩy mạnh hoạt động khai thác, bám biển. Song, niềm vui ấy sớm dừng lại sau 2 năm khi hàng loạt vấn đề phát sinh sau đó. Từ những điều kiện khách quan, như nguồn lợi thuỷ sản cạn kiệt dần, thời tiết diễn biến khó lường, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến khai thác, mua bán thuỷ sản trên biển, khiến từng chuyến biển của ngư dân không còn mang lại lợi nhuận như trước.

Bằng chứng rõ nét nhất là 2 "tàu 67" đóng mới và 1 tàu nâng cấp, tổng trị giá khoảng 24 tỷ đồng phải nằm bờ đã mấy con trăng ngay tại cửa biển Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời). Ðó là tàu của ngư dân Lâm Huy Cường, hành nghề lưới rê, với công suất trên 600CV. Con tàu đã được cấp phép hạ thuỷ ngày 8-3-2016, sau khi đầu tư với tổng số tiền 8,3 tỷ đồng (vật liệu bằng gỗ), trong đó chủ tàu đối ứng khoảng 2,5 tỷ đồng.

Cùng chung cảnh ngộ, chiếc “tàu 67” mang biển số CM92192TS nằm cách đó không xa cũng trong tình cảnh “đóng trăng”, gỉ sét, hư hại nhiều. Con tàu này được đầu tư bằng vật liệu thép, với tổng mức vốn ban đầu lên đến trên 13 tỷ đồng vào thời điểm năm 2017. Ðó chính là con tàu đầu tiên ở Cà Mau được đóng theo Nghị định 67/2014 của ông Diệp Hồng Kỳ (ngụ thị trấn Sông Ðốc). Cũng vì chiếc tàu đầu tiên của tỉnh nên khi đó phía ngân hàng, chính quyền địa phương, sở, ngành liên quan rất thận trọng, đo đạc, kiểm tra từng chi tiết con tàu. Cũng vì vậy mà con tàu của ông Kỳ phải mất đến 14 tháng mới hoàn thành (những chiếc sau đó chỉ khoảng 6 tháng), chi phí theo đó đội lên 600-700 triệu đồng. Với ước mơ vươn khơi, ông Kỳ rất quyết tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào con tàu ấy.

Con tàu 67 hàng chục tỷ đồng của ông Diệp Hồng Kỳ, nằm bên cửa biển Sông Ðốc, mặc cho mưa gió bào mòn, gỉ sét.

... Thành “nặng nợ” của ngư dân hôm nay

Thế nhưng, sau khi hạ thuỷ năm 2017, đến giữa năm 2019 tới nay do biển dần cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, ảnh hưởng dịch Covid-19, sản lượng đánh bắt giảm, giá cá cũng sụt giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề đánh bắt thuỷ sản.

Nguồn lợi thuỷ sản dần cạn kiệt, ngư trường đánh bắt thu hẹp, giá cả các loại mặt hàng thuỷ sản giảm sút khiến ngư dân khó thêm chồng khó.

Ông Kỳ rát ruột: “Năm 2020 là năm nhuần, có 13 tháng mà tàu của tôi bị lỗ 11 tháng. Có chuyến lỗ gần 300 triệu đồng. Còn lại trung bình mỗi chuyến biển lỗ từ 80-100 triệu đồng. Không tiền trả nợ đúng hạn nên ngân hàng "giữ" tàu, không cho ra khơi. Hiện còn chiếc ghe nhỏ để cầm cự nuôi sống gia đình”.

Không riêng tàu của ông Kỳ, ghi nhận thực tế trong 34 chiếc “tàu 67” toàn tỉnh, hiện hầu hết trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả, cầm chừng, dẫn đến nợ xấu ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ông Trần Văn Chiến, ngư dân cố cựu tại thị trấn Sông Ðốc với con “tàu 67” trị giá hơn 16 tỷ đồng cùng ước mơ vươn khơi, những tưởng sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động đến nay, “tàu 67” của ông Chiến cũng sắp đi vào “ngõ cụt” như bao con tàu khác.

Ông Chiến với ánh mắt buồn so: “Ban đầu cũng hào hứng lắm vì đầu tư cao và được hỗ trợ nhiều. Hơn năm đầu cũng ổn, mỗi năm trả lãi, gốc hơn 1 tỷ đồng, được 2 năm thì hoạt động cầm chừng, lúc đi, lúc nghỉ. Tàu đậu không cũng xuống cấp, nên ráng chạy, mỗi chuyến chỉ trả ngân hàng được 20-30 triệu đồng. Tháng nào có chạy thì đóng, tháng nào không thì không tiền trả nợ”.

Trong 34 “tàu 67”, thị trấn Sông Ðốc có tới 26 tàu, nhưng hầu như hiện nay đều đang mang “nợ xấu”. Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc Trần Quốc Lâm xác nhận: “Phải nhìn nhận rằng, Nghị định 67/2014 rất tốt, rất ý nghĩa, ngư dân ban đầu tham gia rất nhiệt tình. Từ khi triển khai, ngành khai thác thuỷ sản Cà Mau nói chung, thị trấn Sông Ðốc nói riêng có bước phát triển mạnh mẽ, hậu cần nghề cá từng bước được đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, điều kiện đánh bắt lẫn chính sách thay đổi, một số hỗ trợ không như ban đầu. Trong khi khoản nợ lớn nằm ở ngân hàng, khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Thực tế, hiệu quả của “tàu 67” hiện nay không còn nữa”.

Ghi nhận từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau, tính đến thời điểm 31-5-2021, thực hiện Nghị định 67/2014, ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với 34 chủ tàu, tổng số tiền cam kết cho vay trên 357 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 351 tỷ đồng. Ðến nay, nợ xấu ghi nhận gần 220 tỷ đồng, chiếm 74,43%.

Thu Nguyên (theo baocamau.com.vn)

Bài 2: Nhiều chính sách chưa sát thực tiễn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang