Vì sao cần bảo vệ đại dương?

16:40 09-11-2021

VBĐVN.vn - Bảo vệ đại dương cũng chính là bảo vệ cuộc sống của toàn nhân loại trước các tác động của biến đổi khí hậu. Khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm của biển là có hạn, bởi vậy con người cần phải xử lý trước khi đổ ra biển các chất nước thải, rác thải...

Hàng năm loài người thải ra biển hơn 10 triệu tấn dầu bẩn, trong đó có khoảng 5 triệu tấn được thải ra qua các dòng sông và các khu công nghiệp ven biển, khoảng 1 triệu tấn do rửa khoang chứa của các tàu chở dầu và dầu bẩn của các tàu thuyền khác thải ra. Mỗi ngày, con người không ngừng đổ ra biển một khối lượng lớn các chất thải công nghiệp như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp và sinh hoạt, chất thải thể rắn và các chất thải phóng xạ…

Biển có nguy cơ trở thành một thùng rác khổng lồ không đáy. Biển rộng mênh mông và sâu thẳm, có thể làm trong sạch rất nhiều chất ô nhiễm do con người đổ vào. Tuy nhiên, nếu con người không ngừng đổ ra biển các loại chất thải với khối lượng rất lớn và liên tục như vậy thì biển dù rộng lớn đến mấy cũng không thể chống chịu được.

Bảo vệ đại dương cũng chính là bảo vệ cuộc sống của toàn nhân loại. (Ảnh: wordpress.com)

Đáng chú ý, theo một cuộc khảo sát vào năm 2019 được đưa vào Báo cáo của Hiệp ước Liên Hợp Quốc, ô nhiễm nhựa được xếp hạng là một trong 3 mối quan tâm môi trường cấp bách nhất, cùng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm nước. Ô nhiễm nhựa đã đạt đến quy mô khổng lồ trên toàn thế giới và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường biển và đời sống xã hội. Khoảng 12 triệu tấn nhựa đang bị thải ra đại dương mỗi năm, trong đó phần thất thoát lớn nhất là ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi có nhiều vùng đất và quốc gia ven biển. Và Việt Nam không nằm ngoài những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa đại dương mang lại.

Trong thập kỉ 70, ở vùng biển Ðại Tây Dương và Biển Bắc đã có hàng chục vạn chim biển và vô số cá biển chết vì ô nhiễm dầu. Con rùa biển lớn nhất thế giới nặng hơn 900 kg tìm thấy ở bờ biển Xứ Gan bị tắc ruột chết vì một chiếc túi nylon khổ 15x22 cm. Theo đó, các kim loại nặng đổ ra biển sẽ tích tụ trong cơ thể sinh vật biển. Khi con người ăn những con cá có kim loại nặng sẽ bị nhiễm độc. Chất thải phóng xạ đổ ra biển còn đáng lo ngại hơn. Các chất phóng xạ này trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động thay đổi sự sống của sinh vật hải dương, qua đó xâm nhập vào cơ thể con người, làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư.

Như vậy, nếu con người coi đại dương là thùng rác thì hậu quả những bãi rác khổng lồ đó sẽ mang lại tai họa cho toàn nhân loại. Con người cần biết rằng, khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm của biển là có hạn, bởi vậy con người cần phải xử lý trước khi đổ ra biển các chất nước thải, khí thải, rác thải... Bảo vệ các đại dương cũng có thể giúp các cộng đồng ven biển phát triển mạnh mẽ hơn trước các tác động của biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn và rạn san hô có thể đóng vai trò là rào cản đối với nước dâng do bão, nhưng đầm lầy ngập mặn đang bị phá hủy để nhường chỗ cho nghề cá thương mại và các rạn san hô đang bị tẩy trắng bởi nhiệt độ tăng. Ngăn chặn chu kỳ hủy diệt có thể giúp giảm tác động của mực nước biển dâng và những cơn bão dữ dội hơn dự kiến sẽ phát sinh từ hệ thống sưởi ấm toàn cầu.

Theo kinhtemoitruong.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang